Y tế

Việt Nam nằm trong 21 quốc gia thanh toán thành công bệnh mắt hột

Thu Trang 14/04/2025 - 17:46

Việt Nam nằm trong 21 quốc gia thành công trong việc thanh toán bệnh mắt hột. Đây là căn bệnh truyền nhiễm một thời gây nguy hiểm cho người dân.

Chiều 14-4, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức lễ công bố thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, mắt hột là căn bệnh gây khó chịu cho người bệnh, giảm chất lượng sống, thậm chí gây mù lòa do các biến chứng như lông quặm, sẹo giác mạc. Cách đây 70 năm, bệnh mắt hột chiếm tới 80-90% dân số nước ta, 15% số người bị lông quặm, gây mù cho 2% dân số vùng nông thôn…

Trước năm 1945, việc phòng, chống bệnh mặt hột gần như không đáng kể. Nhiều thập kỷ sau đó, phong trào phòng, chống căn bệnh này lan rộng khắp cả nước. Viện Mắt hột - Bệnh viện Mắt trung ương trong vai trò hạt nhân của ngành Mắt đã triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp tiên tiến trong phòng, chống bệnh mắt hột, đến các hoạt động triển khai xây dựng, đào tạo mạng lưới cán bộ nhãn khoa ở các địa phương, thành lập các đoàn xe lưu động khám mắt, mổ quặm… ở cộng đồng.

Cùng với đó, phát động các phong trào tuyên truyền, phổ biến kiến thức toàn dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, phòng, chống bệnh mắt hột và các biến chứng liên quan.

11a2b61c-9470-4d7b-ac82-ab575cddae3b.jpeg
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO trao quyết định thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam cho Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn. Ảnh: T.T

Sau hơn 7 thập kỷ bền bỉ, nỗ lực, Việt Nam đã đẩy lùi bệnh mắt hột - căn bệnh truyền nhiễm một thời gây nguy hiểm ra khỏi cộng đồng. Hiện, nước ta nằm trong 21 quốc gia thành công trong việc thanh toán bệnh mắt hột.

Tại lễ công bố, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh, bệnh mắt hột là căn bệnh của đói nghèo. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do vệ sinh không đảm bảo, nhiều thành viên gia đình ở cùng trong không gian chật chội, khả năng tiếp cận nguồn nước không đầy đủ, không sạch, khả năng tiếp cận và sử dụng hệ thống vệ sinh không đầy đủ…

Vì một tương lai không còn bệnh mắt hột, Tiến sĩ Angela Pratt đề nghị, trong thời gian tới, Việt Nam cần triển khai thực hiện 3 hành động quan trọng. Thứ nhất là cần duy trì bền vững kết quả đã đạt được. Thứ hai là đảm bảo chất lượng dịch vụ chăm sóc mắt cho mọi người, ở mọi nơi trên khắp đất nước Việt Nam. Thứ ba là hãy tận dụng động lực có được từ việc thanh toán bệnh mắt hột để đẩy nhanh việc thanh toán các bệnh nhiệt đới bị lãng quên khác.

Cũng tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá cao vai trò đầu mối chuyên môn của Bệnh viện Mắt trung ương trong quá trình triển khai chương trình kiểm soát và thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho rằng, dù đã thanh toán bệnh mắt hột nhưng không được chủ quan hay lơ là. Thay vào đó, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh mắt hột. Cùng với đó, bảo đảm nguồn lực, cơ chế tài chính cho các hoạt động phòng, chống căn bệnh này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam nằm trong 21 quốc gia thanh toán thành công bệnh mắt hột

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.