Tại Hội nghị Chống khủng bố của Liên hợp quốc, đề cập đến vụ tấn công tại Đắk Lắk ngày 11-6, Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định, các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện hoặc đứng sau sẽ bị xử lý tương xứng...
Trong hai ngày 22, 23-6, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã tổ chức thảo luận và thông qua văn kiện Rà soát lần thứ 8 việc thực hiện Chiến lược Chống khủng bố của LHQ.
Nghị quyết tái khẳng định Chiến lược cùng 4 trụ cột, tầm quan trọng của việc thực hiện cân bằng và kết hợp tất cả trụ cột, đồng thời, ghi nhận tầm quan trọng của việc tăng cường nỗ lực quan tâm và thực hiện đồng đều các trụ cột này.
Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên, LHQ và các tổ chức quốc tế, khu vực, tiểu khu vực đẩy mạnh nỗ lực thực hiện Chiến lược một cách công bằng trong tất cả các lĩnh vực
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, tại phiên họp, các nước thành viên đã thông qua Nghị quyết bằng đồng thuận và thảo luận nhiều nội dung quan trọng về triển khai Chiến lược Chống khủng bố của LHQ, trong đó có các mối đe dọa đang nổi lên, các biện pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống khủng bố, bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế và xây dựng năng lực cho các quốc gia thành viên trong công tác phòng, chống khủng bố.
Tham dự và phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, đánh giá: Chủ nghĩa khủng bố tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển trên phạm vi toàn cầu.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định, việc thông qua văn kiện bằng đồng thuận thể hiện thông điệp thống nhất và mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế không chấp nhận chủ nghĩa khủng bố dưới bất cứ hình thức nào.
Về các biện pháp phòng, chống khủng bố, Trưởng Phái đoàn Việt Nam cho rằng, cần có cách tiếp cận toàn diện, không chỉ trong các lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật truyền thống, mà cần nỗ lực giải quyết nguyên nhân gốc rễ và yếu tố xúc tác cho sự hình thành, phát triển của chủ nghĩa cực đoan, bạo lực và khủng bố.
Đại diện Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và hỗ trợ nâng cao năng lực trong phòng, chống khủng bố, cũng như sự tham gia rộng rãi của các thành phần xã hội, trong đó có các công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin.
Đề cập đến vụ việc xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk ngày 11-6, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, đây là hành vi khủng bố có tổ chức nhằm vào trụ sở cơ quan nhà nước, cán bộ và dân thường. Ông khẳng định, các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện hoặc đứng sau sẽ bị xử lý tương xứng với mức độ vi phạm.
Trưởng Phái đoàn Việt Nam cũng tái khẳng định lập trường của Việt Nam phù hợp với các văn kiện của LHQ liên quan, lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện, do bất kỳ ai thực hiện, ở đâu và vì bất kỳ mục đích gì.
Việt Nam yêu cầu các nước và các tổ chức quốc tế liên quan hỗ trợ, hợp tác trong công tác điều tra vụ việc cũng như ngăn chặn các hành động tương tự trong tương lai.
Trước đó, ngày 20-6, tại ''Hội nghị Cấp cao của những người đứng đầu Cơ quan Chống khủng bố của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc'' do LHQ tổ chức, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa của Bộ Công an đã có bài phát biểu nêu rõ bốn nguy cơ khủng bố từ bên ngoài gây hại cho an ninh quốc gia Việt Nam.
Tại hội nghị này, Cục trưởng Cục An ninh nội địa của Bộ Công an đã khẳng định hành động của nhóm đối tượng tấn công trụ sở chính quyền và người dân tại tỉnh Đắk Lắk là tội phạm khủng bố có tổ chức. Ông nhấn mạnh: "Đây là hoạt động khủng bố có tổ chức, được trang bị các loại vũ khí; hành vi rất manh động, liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính."
Cũng tại Hội nghị chủ đề Phòng, chống khủng bố, tại trụ sở LHQ ngày 19-6-2023, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các quốc gia giải quyết các điều kiện cơ bản tạo mầm mống khủng bố phát triển, trong đó có nghèo đói.
Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh, mặc dù thế giới đạt được một số thành tựu đáng kể trong những năm qua, song khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực "vẫn bén rễ và phát triển," do vậy, các quốc gia cần “đồng lòng chống lại mối đe dọa toàn cầu này.
Chiến lược Chống Khủng bố của Liên hợp quốc được thông qua năm 2006 và được tổ chức sơ kết 2 năm một lần, bắt đầu từ năm 2009. Đây là văn kiện quan trọng của LHQ được các nước đồng thuận thông qua và triển khai thực hiện với bốn trụ cột chính, gồm: 1- Các biện pháp giải quyết các vấn đề là điều kiện dẫn đến khủng bố; 2- Các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh chống khủng bố; 3- Các biện pháp nâng cao năng lực cho các nước trong phòng, chống khủng bố; 4- Các biện pháp bảo đảm nhân quyền và pháp quyền. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.