Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam gia nhập WTO năm 2006: Cơ hội chưa phải đã hết

LANHUONG| 11/10/2006 07:37

Tối 10.10 (giờ VN), VN đã kết thúc phiên đàm phán đa phương thứ 14. * Đại hội đồng WTO có thể triệu tập phiên họp đặc biệt vào đầu tháng 11 để kết nạp VN.

* Tối 10.10 (giờ VN), VN đã kết thúc phiên đàm phán đa phương thứ 14. 
* Đại hội đồng WTO có thể triệu tập phiên họp đặc biệt vào đầu tháng 11 để kết nạp VN.

Đàm phán nước rút
Ngày 9.10, phiên đàm phán đa phương về việc gia nhập WTO của VN đã diễn ra tại Geneva, với mục tiêu chính là tập trung hoàn thiện văn bản báo cáo gia nhập WTO. Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển trực tiếp có mặt tại Geneva để chỉ đạo đoàn đàm phán VN.

Chủ tịch Đại hội đồng WTO kiêm Chủ tịch Ban Công tác đàm phán gia nhập của VN - ông Eirik Glenne - nhận định, phiên họp ngày 9.10 "đánh dấu giai đoạn cuối cùng của quá trình gia nhập của VN". "Lần đầu tiên, trước mặt chúng ta là trọn gói các tài liệu nói về các điều khoản thành viên WTO của VN". Theo ông Glenne, nếu diễn biến thuận lợi, Đại hội đồng WTO sẽ tổ chức phiên họp sớm vào đầu tháng 11 để chấp nhận đơn xin gia nhập của VN.

Cuộc họp ngày 9.10 mang ý nghĩa quyết định liệu VN có thể gia nhập WTO về mặt kỹ thuật trong tháng 11 hay không. Các diễn biến có thể diễn ra như sau: Nếu phiên 9.10 giải quyết được hết các khúc mắc còn tồn tại, phiên đa phương tiếp theo vào ngày 25.10  sẽ rà soát lại lần cuối các thủ tục trước khi kết nạp VN làm thành viên WTO. Trong trường hợp Uỷ ban Công tác chấp nhận các điều khoản của bản báo cáo cuối cùng, việc gia nhập của VN có thể được phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng WTO vào đầu tháng 11.2006 chấp thuận.

Vướng mắc
Tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng VN sẽ chỉ có được tấm thẻ hội viên WTO vào năm 2007. Nguyên nhân là do các nước thành viên vẫn đang xem xét VN làm thế nào thực hiện những cam kết trong việc cắt giảm thuế quan với một số lượng nhất định hàng hoá và dịch vụ, hay liệu VN có sửa đổi luật lệ để tuân thủ hoàn toàn các nguyên tắc thương mại toàn cầu hay không? Bên cạnh đó, VN vẫn còn vướng mắc với một số đối tác trên bàn đàm phán đa phương, chủ yếu là với Mỹ và Australia xoay quanh các vấn đề như quyền kinh doanh, thực thi luật pháp, quyền sở hữu trí tuệ...

Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự, một trong các vấn đề mà các doanh nghiệp và thành viên WTO quan tâm là liệu VN có thể kịp thay đổi chính sách để gia nhập WTO hay không. "Đây là vấn đề mà trong thời gian qua Quốc hội VN đã có nỗ lực to lớn" - ông cho hay. Trong năm 2005 và 2006, Quốc hội đã dành thời gian để chỉnh sửa các chính sách để cải cách nền hành chính và đổi mới kinh tế. Theo cam kết, khi vào WTO, VN sẽ phải sửa 26 luật và pháp lệnh. Cho đến tháng 10.2006, Quốc hội VN đã sửa 25 lệnh và pháp luật liên quan.

Theo ông Tự, còn một pháp lệnh về toà án sẽ được sửa nốt vào tháng 11 năm nay. "VN được đánh giá là một trong những nước đầu tiên khi gia nhập WTO không chỉ xây dựng chương trình pháp luật mà sửa toàn bộ hệ thống pháp luật để phù hợp với các điều luật và quy định của WTO" - Thứ trưởng Lương Văn Tự cho biết.

Hồi tháng 7, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã ngụ ý rằng, thời điểm vào WTO của VN có thể lùi lại sang năm 2007, và "VN sẽ không chấp nhận gia nhập WTO bằng mọi giá". Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho hay, VN đã bị yêu cầu đưa ra những cam kết nhiều hơn tất cả các nước thành viên hiện tại nào của WTO ở cùng mức phát triển. Đơn cử như phải bãi bỏ các trợ cấp nông nghiệp nhập khẩu ngay lập tức, dù VN là một nước có thu nhập thấp.

* Tin từ Geneva (Thụy Sĩ) tối 10.10 cho biết, phiên đàm phán đa phương thứ 14 về việc VN gia nhập WTO đã kết thúc khá tốt đẹp, nhưng chưa đạt được mục tiêu kịp đệ trình bản báo cáo gia nhập WTO của VN cho Đại hội đồng WTO xem xét trong phiên họp tới. Với kết quả đạt được trong phiên đàm phán, VN vẫn có thể trở thành thành viên WTO vào cuối năm 2006, nhưng phải hoàn thành bộ tài liệu kết nạp vào WTO, chuyển toàn bộ các thoả thuận song phương thành cam kết cụ thể được áp dụng với 149 thành viên WTO; làm rõ cam kết liên quan đến sửa đổi luật lệ phù hợp với các hiệp định WTO và thoả mãn tất cả các thành viên WTO.     

Theo LĐ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam gia nhập WTO năm 2006: Cơ hội chưa phải đã hết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.