Vừa qua, tại Viện nghiên cứu châu Âu về các vấn đề châu Á (EIAS), có trụ sở tại thủ đô Brussels, Bỉ, đã diễn ra cuộc hội thảo với chủ đề
Đồng tổ chức sự kiện này có Đại sứ quán Việt Nam, Đại sứ quán Philippines và Đại sứ quán Indonesia tại Vương quốc Bỉ.
Đại sứ Việt Nam tại Bỉ phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thái Vân/Vietnam+) |
Cuộc hội thảo đã thu hút sự quan tâm của các đại diện của Liên minh châu Âu (EU), Bộ Ngoại giao Bỉ, các Đại sứ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các đoàn ngoại giao, và giới nghiên cứu cũng như các nhà báo quốc tế.
Mở đầu hội thảo ông David Fouquet, quan chức cấp cao của EIAS, đã trình bày về tình hình phức tạp hiện tại trên Biển Đông với những tuyên bố của các nước xung quanh khu vực này về chủ quyền tại các khu vực chồng lấn. Ông nhấn mạnh những tranh chấp của các nước liên quan về lãnh thổ tại khu vực Biển Đông "đã có từ nửa cuối thế kỷ 20 và dẫn đến những bất đồng kéo dài, vốn vẫn được coi là điểm nóng tiềm tàng nguy hiểm nhất của khu vực Đông Á."
Ông nêu rõ cuộc hội thảo lần thứ 4 trong khuôn khổ "Các cuộc hội thảo bàn tròn của EIAS về An ninh Hàng hải" này sẽ đề cập những vấn đề liên quan đến Biển Đông như quan điểm của các nước liên quan về tên gọi của vùng biển này ; những yêu sách của các nước liên quan đối với quyền lợi kinh tế và quyền kiểm soát tại khu vực ; sự quan tâm của của ASEAN và các bên đối tác, đặc biệt là của EU, về tình hình căng thẳng ; và vai trò của EU trong việc giúp giải quyết tranh chấp...
Tầm quan trọng của khu vực Biển Đông - bao gồm một vùng biển diện tích khoảng 3,5 triệu km vuông - chủ yếu là do 1/3 lượng hàng hóa của thế giới được vận chuyển qua vùng biển cửa ngõ giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương này, và là nơi được coi là có nguồn dự trữ tiềm tàng khổng lồ về dầu lửa và khí đốt dưới đáy biển. Hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông là nguồn gốc cuộc tranh chấp lãnh thổ hết sức phức tạp liên quan đến các nước xung quanh khu vực này.
Các nước tham gia chủ trì hội thảo cũng đã tập trung giới thiệu tình hình chung ở Biển Đông, cập nhật các diễn biến phức tạp gần đây và nỗ lực của ASEAN trong việc làm dịu căng thẳng, hướng đến giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và điều quan trọng là phải tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời đề nghị EU quan tâm và đóng góp nhiều hơn cho việc giải quyết các tranh chấp và bảo đảm an ninh an toàn hàng hải khu vực.
Hội thảo khẳng định EU có lợi ích trong việc bảo đảm an ninh hàng hải ở Đông Nam Á, theo đó, EU cần có chính sách tổng thể đối với Đông Nam Á trong đó có vai trò tham gia giải quyết tranh chấp.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam Phạm Sanh Châu đã nêu rõ quan điểm nhất quán về lập trường và thái độ của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, kiên trì giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và lợi ích của tất cả các bên liên quan, tuyệt đối không để xảy ra xung đột.
Ông còn nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là những vấn đề liên quan đến hai bên, hai bên đàm phán giải quyết, những vấn đề liên quan đến nhiều bên thì các bên cùng bàn bạc giải quyết.
Ông nhấn mạnh việc bảo đảm hòa bình và an ninh hàng hải khu vực cần có sự tham gia của tất cả các đối tác trong và ngoài khu vực, là trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế. Theo ông, EU có thể đóng góp nhiều và cụ thể hơn cho việc giải quyết tranh chấp thông qua việc tiếp tục quan tâm đến tình hình khu vực, lên tiếng về vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm của các nước EU trong việc phân chia, quản lý lãnh hải và thềm lục địa.
Thỏa thuận mới đây nhất, được ký kết ngày 20/6/2011, giữa 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đã đưa ra một loạt nguyên tắc cơ bản có thể giúp giải quyết những tranh chấp về chủ quyền tại Biển Đông, phá vỡ sự bế tắc từ năm 2002.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.