Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42, dự kiến diễn ra trong các ngày 9-11/5 tại Labuan Bajo của Indonesia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) Arsjad Rasjid đánh giá, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện các ưu tiên kinh tế của Chủ tịch ASEAN trong năm 2023.
Theo ông Rasjid, Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư trong và ngoài khu vực, cũng như tích cực tham gia các sáng kiến như Khu vực thương mại tự do ASEAN và mới đây đã bày tỏ mong muốn tham gia mạng lưới kết nối thanh toán xuyên biên giới vốn được cho là bước phát triển tích cực cho hội nhập kinh tế khu vực. Ngoài ra, việc Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện Năng lượng gió ASEAN 2023 sắp tới là một đóng góp đáng kể cho các mục tiêu năng lượng tái tạo của khu vực.
Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, Đông Nam Á có công suất điện gió lên tới 8,5GW vào cuối năm 2020 và dự kiến đạt 35GW vào năm 2030 nếu đạt được các chính sách và mục tiêu hiện tại. Về phần mình, Việt Nam là thị trường điện gió lớn nhất trong khu vực, với công suất phát điện dự kiến lên tới 13,9GW vào năm 2025.
Chủ tịch ASEAN-BAC khẳng định rằng, những đóng góp trên của Việt Nam là rất quan trọng trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế của ASEAN. Ông nhấn mạnh, cam kết của Việt Nam trong các sáng kiến khác nhau cho thấy sự sẵn sàng của Việt Nam hướng tới một khu vực hội nhập và thịnh vượng hơn.
Cũng theo ông Rasjid, ASEAN-BAC đã xác định 5 vấn đề kinh tế ưu tiên cần được giải quyết trong năm nay, bao gồm chuyển đổi kỹ thuật số, phát triển bền vững, phục hồi y tế, an ninh lương thực, thương mại và đầu tư. Để thúc đẩy những ưu tiên này, ASEAN-BAC đã phát triển 8 “dự án kế thừa” hướng tới một khu vực kinh tế hội nhập, kết nối và bền vững.
Các dự án trên bao gồm: Mã QR ASEAN, Nền tảng thị trường cho vay, Từ điển mở doanh nhân, Trung tâm phát thải bằng “0” ASEAN, Trung tâm Carbon tiên tiến, Chiến dịch tiêm chủng ASEAN One Shot, Mô hình vòng khép kín bao trùm cho các sản phẩm nông nghiệp và Thực thể kinh doanh ASEAN.
Các sáng kiến ưu tiên này của ASEAN-BAC đã nhận được sự ủng hộ của tất cả bộ trưởng kinh tế ASEAN và đều đạt tiến triển. Một trong những sáng kiến đã tiến triển là Mã QR ASEAN, nhằm tạo điều kiện thanh toán xuyên biên giới bằng cách cung cấp mã QR được tiêu chuẩn hóa cho những người bán hàng để họ chấp nhận thanh toán bằng các loại ví điện tử khác nhau trong khu vực.
Hiện nay, hệ thống thanh toán của Indonesia, Malaysia và Thái Lan đã được kết nối. Trong khi đó, Malaysia và Thái Lan cũng có hệ thống thanh toán tích hợp với Singapore. Tuy nhiên, cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để khuyến khích áp dụng rộng rãi hơn và đảm bảo khả năng tương tác tại tất cả các nước ASEAN.
Chủ tịch ASEAN-BAC Rasjid nhắc lại rằng, trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi thông báo rằng ASEAN đã nhất trí xây dựng một hệ sinh thái khu vực cho xe điện. Tất cả các nước thành viên cũng hoan nghênh chủ đề của năm Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng” với 3 mũi nhọn chiến lược gồm phục hồi và tái thiết, kinh tế kỹ thuật số và phát triển bền vững.
Ông Rasjid nhấn mạnh rằng, sự thay đổi hướng tới giao thông bền vững rất quan trọng đối với ASEAN và điều đáng khích lệ là các nước thành viên cùng nhau hỗ trợ mục tiêu này. Việc thông qua và thực thi thỏa thuận về xe điện sẽ tác động tích cực, không chỉ đối với môi trường mà cả đối với nền kinh tế. Nó sẽ tạo ra những cơ hội kinh doanh mới cho khu vực tư nhân và thúc đẩy các tiến bộ công nghệ.
Nhà lãnh đạo doanh nghiệp này cũng lưu ý rằng, Indonesia và Philippines đang nắm giữ lần lượt 33% và 40% trữ lượng quặng nickel của thế giới. Điều này tạo cơ sở vững chắc cho mối quan hệ đối tác và trở thành những người tiên phong trong ngành công nghiệp pin và xe điện trên quy mô khu vực ASEAN lẫn toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.