Ngày 22-9, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Hội nghị Bộ trưởng trù bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã diễn ra tại Trụ sở Liên hợp quốc (LLHQ) với sự tham dự của gần 150 bộ trưởng và đại diện các quốc gia thành viên. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, các bộ trưởng nhất trí về các khó khăn và thách thức lớn nhất hiện nay, đặc biệt là biến đổi khí hậu, môi trường, an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước, cũng như sự suy giảm lòng tin và hợp tác đa phương...
Các nước đặc biệt quan ngại về việc mới chỉ đạt 14% tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) sau nửa chặng đường, từ đó cho rằng Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo chất xúc tác mới nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030.
Trên cơ sở đó, các nước đã chia sẻ tầm nhìn và các ưu tiên cho Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai. Nhân dịp này, các bộ trưởng cũng tái khẳng định cam kết nhằm củng cố quản trị toàn cầu, tăng cường chủ nghĩa đa phương, kêu gọi tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng trù bị lần này để chuẩn bị thật tốt cho Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai để tạo sự đột phá, thay đổi về tư duy, tăng cường cam kết và hành động. Từ đó, Bộ trưởng cho rằng cần lắng nghe đầy đủ ý kiến của các quốc gia và các bên liên quan, trong đó có vai trò quan trọng của thanh niên trong định hình thế giới tương lai; đồng thời, quá trình ra quyết định cần do các quốc gia thành viên dẫn dắt và được tiến hành một cách công khai, minh bạch, bao trùm, không tạo trùng lặp hay gánh nặng không cần thiết cho các nước đang phát triển.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng các thỏa thuận thời gian tới cần tập trung thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển bền vững, bảo đảm công bằng, công lý và nguyên tắc trách nhiệm chung; việc cải tổ các hệ thống đa phương toàn cầu, trong đó có các thể chế tài chính quốc tế, phải ưu tiên bảo đảm quyền lợi và tạo thêm tiếng nói cho các nước đang phát triển. Bộ trưởng chỉ ra những thách thức bức bách cần giải quyết như ứng phó biến đổi khí hậu, quản trị y tế toàn cầu, xử lý một cách bền vững mối quan hệ nước-lương thực-năng lượng, cũng như bảo đảm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo phục vụ con người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.