(HNMO) - Nhận lời mời của Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông Kamal Maholtra, tối 23-10, Ủy viên Bộ Chính trị,
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự và phát biểu tại buổi chiêu đãi kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc.
Tham dự buổi chiêu đãi có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các tổ chức Liên hợp quốc và đại diện ngoại giao đoàn tại Hà Nội.
Thay mặt các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông Kamal Maholtra điểm lại những thành tựu chính của Liên hợp quốc trong suốt 75 năm qua, từ ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, chấm dứt chế độ thuộc địa đến các đóng góp đối với sự phát triển của thế giới. Ông Kamal Maholtra đề cao mối quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc trong hơn 40 năm qua, đặc biệt đánh giá cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên cương vị là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020; cho rằng Việt Nam đã thực hiện tốt việc chặn đà lây lan của dịch Covid-19; đã và đang dẫn đầu toàn cầu về Cải cách Liên hợp quốc ở cấp quốc gia trong hơn mười năm qua. Trong thời gian tới, các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các tư vấn kịp thời nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội cho các giai đoạn tiếp theo.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao các nỗ lực không ngừng nghỉ của Liên hợp quốc vì sự phát triển của thế giới trong suốt 75 năm qua, trên tất cả các lĩnh vực duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, hợp tác phát triển, bảo vệ quyền con người.
Đối với Việt Nam, các tổ chức Liên hợp quốc luôn giữ một vị trí quan trọng trong trái tim mọi người dân khi đã liên tục hỗ trợ Việt Nam qua các giai đoạn tái thiết hậu chiến tranh, Đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các tổ chức này đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao quyền của phụ nữ, bảo vệ trẻ em, giải quyết việc làm, nâng cao năng lực xây dựng thể chế, tăng cường hệ thống y tế, hiện đại hóa ngành nông nghiệp cũng như hỗ trợ nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội cấp thiết khác ở Việt Nam, trong đó có công tác khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt ở miền Trung hiện nay.
Phó Thủ tướng cho rằng Liên hợp quốc đang đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi được thành lập khi dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều khủng hoảng về mặt y tế, kinh tế - xã hội và con người; cạnh tranh nước lớn, căng thẳng và xung đột cũng như sự thiếu cam kết đối với chủ nghĩa đa phương đang tiếp tục gây ảnh hưởng tới công việc của Liên hợp quốc.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh cam kết của Việt Nam trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương với Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm; nhắc lại những đóng góp duy trì hòa bình và an ninh thế giới của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an, nỗ lực đi đầu trong tiến trình cải tổ hệ thống phát triển Liên hợp quốc, quyết tâm thúc đẩy sự tham gia trong các Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; đồng thời cho biết, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác ASEAN - Liên hợp quốc, bao gồm việc ứng phó với tác động do Covid-19 gây ra.
Trong giai đoạn xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho 5 năm và 10 năm tiếp theo, Phó Thủ tướng hy vọng Liên hợp quốc sẽ tiếp tục có các tư vấn chính sách, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm cũng như hỗ trợ xây dựng năng lực hiệu quả cho Việt Nam; nhấn mạnh đây là thời gian gấp rút để chuẩn bị cho Kế hoạch chiến lược chung giữa Việt Nam - Liên hợp quốc giai đoạn 2022-2026 phù hợp với các ưu tiên phát triển của Việt Nam, đồng thời tận dụng các lợi thế so sánh của các tổ chức Liên hợp quốc.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tin tưởng Liên hợp quốc sẽ tiếp tục là ngọn hải đăng của hợp tác đa phương, là vườn ươm của các sáng kiến vì hòa bình và phát triển toàn cầu; khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ với Liên hợp quốc và mong muốn quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.