(HNM) - Dù khung viện phí mới vẫn đang trong quá trình xem xét nhưng thông tin hầu hết các bệnh viện đều xây dựng khung viện phí trình phê duyệt ở mức tối đa, bất chấp chất lượng dịch vụ khác nhau giữa các tuyến điều trị, hạng bệnh viện đã khiến người bệnh càng thêm lo lắng.
Không "cào bằng" viện phí
Lý giải về khung giá viện phí do bệnh viện (BV) xây dựng, một số lãnh đạo BV cho rằng, trong 7 yếu tố cấu thành viện phí (nếu được tính đúng, tính đủ) thì khung viện phí liên bộ vừa ban hành mới chỉ tính đến 3 yếu tố: thuốc, dịch truyền, máu, vật tư - điện nước, thông tin liên lạc, khử khuẩn, chống nhiễm khuẩn, xử lý môi trường - duy tu, bảo dưỡng thiết bị. Đây là những yếu tố mà BV nào cũng phải sử dụng nên việc thu ở giá tối đa của khung cũng là điều dễ hiểu. Không những thế, một số BV còn cho biết sau khi tính toán, giải trình từng dịch vụ kỹ thuật thì cũng có những dịch vụ kỹ thuật còn vượt cả khung giá tối đa.
Viện phí tăng cao khiến bệnh nhân nghèo lo lắng. Ảnh: Như Ý
Ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho rằng, trong danh mục dịch vụ khám, chữa bệnh vừa ban hành mới chỉ phân định được giá khám bệnh, giá một ngày giường bệnh. Vì vậy trước khi quyết định viện phí cho các BV thuộc Bộ Y tế quản lý, một hội đồng thẩm định giá viện phí sẽ tính toán, phân nhóm BV để quy định mức thu cụ thể đối với các kỹ thuật, thủ thuật. Cũng theo ông Liên, trên cơ sở mức viện phí tối đa của 447 dịch vụ y tế do liên bộ (Y tế, Tài chính, LĐ,TB&XH và BHXH Việt Nam) ban hành từ cuối tháng 4-2012, các BV hiện đã và đang xây dựng, hoàn tất khung giá và đề xuất mức thu dựa trên những tính toán về kỹ thuật của BV. "Với gần 40 BV trực thuộc Bộ Y tế, hiện Vụ Kế hoạch Tài chính đã nhận được khoảng 20 đề xuất điều chỉnh viện phí. Bộ Y tế sẽ xem xét khung giá do các BV thuộc bộ (BV hạng đặc biệt, BV hạng 1 ở trung ương) trình, UBND và HĐND tỉnh sẽ xem xét khung giá của BV thuộc địa phương quản lý. Nhanh nhất cũng phải đến tháng 7-2012, các BV tuyến trung ương mới có thể triển khai áp dụng viện phí mới. Còn tại địa phương có thể chậm hơn bởi khung giá này phải được thông qua tại kỳ họp HĐND vào tháng 7, 8 tới đây "- ông Liên cho hay.
Tuy nhiên, nói về việc các BV đề xuất khung giá kịch trần, đại diện Bộ Y tế khẳng định không có chuyện "cào bằng" viện phí vì cùng hạng như nhau nhưng ở trung ương và địa phương sẽ có những tính toán khác nhau. Theo ông Liên, với các BV hạng đặc biệt (Bạch Mai, Chợ Rẫy, TƯ Huế, 108) có thể sẽ được thu ở mức tối đa của khung giá bởi đây là những BV có sự phát triển tốt về chất lượng khám, chữa bệnh, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Thế nhưng, với các BV hạng một sẽ được chia thành các khối BV để quy định mức viện phí mới. Chẳng hạn BV Việt - Đức (Hà Nội) là BV hạng 1 nhưng mức thu viện phí có thể sẽ được duyệt cao hơn so với các BV hạng 1 khác như BV Đa khoa Uông Bí, BV Việt Nam - Thụy Điển (Quảng Ninh)…
Bảo đảm tính hợp lý
Trong khi đó, khi tìm hiểu việc xây dựng khung viện phí ở nhiều BV tuyến trung ương, lãnh đạo BV đều nói rằng đang chờ Bộ Y tế duyệt khung viện phí mới để BV có cơ sở thanh toán cho bệnh nhân BHYT. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, đang chờ Bộ Y tế phê duyệt khung viện phí mới mà BV này đã trình cách đây gần 2 tuần. Trong lúc chờ đợi hiện BV vẫn thu theo bảng giá cũ với bệnh nhân có BHYT. Tuy nhiên, ông Hiền cho rằng, BV Bạch Mai dù là một BV hạng đặc biệt, các dịch vụ kỹ thuật có thể được đề xuất ở mức viện phí tối đa của khung giá nhưng sau khi tính toán các chi phí thực tế, có nhiều dịch vụ BV chỉ đề xuất mức viện phí trên trung bình chứ không hẳn tất cả đều đề nghị duyệt ở mức cao nhất.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán (BV Việt - Đức) cho biết, khung viện phí mới cũng đã được BV hoàn tất và mới trình Bộ Y tế. Các dịch vụ y tế được BV tính toán cẩn thận với sự tham gia đóng góp của từng khoa, phòng, trong đó có nhiều dịch vụ được đề xuất ở mức tối đa như tiền ngày giường và tiền khám bệnh. "Chỉ tính riêng tiền chi cho vệ sinh khoảng 10 tỷ mỗi năm thì mức thu viện phí hiện tại với tiền giường bệnh mỗi ngày ở BV Việt - Đức không đủ chi cho khoản vệ sinh phòng bệnh, giường bệnh. Để tồn tại được BV đã phải lấy tiền thu phí ở các phòng bệnh dịch vụ bù sang phòng bệnh được BHYT chi trả", bà Hường giải thích. Tuy vậy, theo bà Hường, vẫn có nhiều dịch vụ BV xây dựng giá thấp hơn nhiều so với khung giá tối đa.
Trước thông tin nhiều BV đề xuất khung viện phí kịch trần, không ít bệnh nhân, đặc biệt là những người mắc bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo đều thấy lo lắng. Thực hiện giá viện phí mới là việc không thể không làm nhưng một đòi hỏi chính đáng từ phía người bệnh là khi điều chỉnh tăng viện phí, BV phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm phiền hà, giảm thủ tục hành chính tạo sự hài lòng cho người bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.