(HNM) - Ngót hai mươi năm làm báo, dù đã đi nhiều nơi, đến nhiều nước nhưng Châu Âu thực sự là miền đất tôi mơ ước được đặt chân đến...
Sau hai tuần khám phá nước Pháp, từ Paris, tôi lấy vé hãng EasyJet bay thẳng tới Budapest. EasyJet là hãng hàng không giá rẻ, tương tự như Jetstar Airlines hay VietJet Air của ta. Không thể đặt vé sớm lại đúng mùa du lịch cao điểm của Châu Âu, nên tiếng là chọn hàng không giá rẻ nhưng không hề có vé rẻ. Giá vé một chiều Paris - Budapest là 200 eur, thêm 50 eur cho 20kg hành lý và phí bảo hiểm (bán riêng), vị chi hết 250 eur (7,2 triệu đồng), một khoản cũng kha khá. Cũng có nhiều hãng hàng không chào giá rẻ hơn, nhưng khởi hành từ sân bay Paris Orly (cách trung tâm Paris 34km) cộng với nỗi phiền phức mang tên quá cảnh, tên hãng lại không thông dụng nên thôi, tôi chấp nhận! Xuất phát từ sân bay Charles De Gaulle lúc 13h30, sau hai tiếng đồng hồ tôi đã có mặt ở Budapest - Thủ đô xinh đẹp của Hungari vốn được mệnh danh Hòn ngọc vùng Trung Âu.
Cầu Xích với kiến trúc kinh điển đã góp phần tôn vẻ đẹp cho dòng Danube thơ mộng. |
Buổi sáng Budapest, trời trong veo và nắng ngọt, lướt trên những con phố, tôi thực sự bị hớp hồn bởi vẻ đẹp của "Viên ngọc Đông Âu". Nhìn một cách tổng quan, kiến trúc của thành phố là sự kết hợp hài hòa giữa cái cũ và cái mới, giữa những tòa lâu đài, thánh đường cổ kính, nguy nga theo phong cách La Mã còn sót lại với những tòa nhà kiến trúc hiện đại. Những công trình kiến trúc đẹp nhất của thành phố hơn 1.000 năm tuổi này đều nằm dọc theo hai bên dòng Danube. Có lẽ nhờ kiến trúc độc đáo này mà Budapest được đánh giá là một trong những thủ đô đẹp nhất thế giới. Người Budapest tự hào với 2 cái "nhất" đó là tuyến metro đầu tiên của Châu Âu, hoàn thành năm 1898, đến nay vẫn còn hoạt động và nhà Quốc hội lớn, đẹp và cổ kính nhất Châu Âu, được xây dựng trong 18 năm (1884-1902), với 691 phòng theo kiến trúc Gothic, soi bóng xuống dòng Danube.
Danube, con sông nổi tiếng chảy qua 10 nước là: Đức, Áo, Slovakia, Hungary, Croatia, Serbia, Bulgaria, Romania, Moldova và Ukraina. Khởi nguồn từ khu rừng Đen nước Đức, qua rất nhiều thành phố trong đó có bốn thủ đô Vienna (Áo), Bratislava (Slovakia), Budapest (Hungary) và Beograd (Serbia) để rồi tan biến vào Biển Đen. Dù đi qua nhiều địa danh nổi tiếng nhưng có thể nói không ở nơi nào dòng Danube lại đẹp và lãng mạn như đoạn chảy qua Budapest. Đặc biệt, dòng sông may mắn có một vị trí danh giá trong lịch sử âm nhạc thế giới nhờ tuyệt phẩm "The Blue Danube", được giới mộ điệu vinh danh là "vua của các bản nhạc valse" sau đó được chính Johann Strauss soạn lại cho dàn nhạc hòa tấu mang tên "Le beau Danube bleu", được rất nhiều dàn nhạc nổi tiếng trình diễn và trở thành một trong những nhạc phẩm được yêu thích nhất mọi thời đại. Lời của bài hát cũng được các nhạc sĩ trên thế giới dịch ra nhiều thứ tiếng (Bản dịch tiếng Việt của nhạc sĩ Phạm Duy có tên là "Dòng sông xanh" được giọng ca Thanh Lan trình bày rất thành công). Budapest được phong tặng nhiều danh hiệu mỹ miều: "Trái tim của Châu Âu", "Paris phía đông", "Viên ngọc của Danube" hay "Nữ hoàng sông Danube"…
Tượng Nữ thần Tự do trên đỉnh đồi Gellert (Gellert Hills) |
Dòng sông tựa dải lụa xanh, vắt ngang trung tâm thủ đô nối hai thành phố Buda là vùng đồi núi nằm phía tây, nơi có những công trình kiến trúc cổ kính với các thành quách, lâu đài, dinh thự, nơi ở của nhiều triều đại vua chúa quý tộc thủ đô với Pest, một vùng đồng bằng rộng lớn, nơi tập trung khu nhà ở, làm việc, mua sắm, vui chơi giải trí với tính chất "thường dân" nhưng lại là trái tim của thành phố hiện đại hợp lại thành Thủ đô Budapest. Có thể hình dung Buda là khu phố cổ của Hà Nội với 36 phố phường và Pest là Hà Nội mở rộng, nơi cuộc sống cực kỳ sôi động và hối hả. Nếu đặt chân đến đây, hãy khám phá Buda và nghỉ ngơi ở Pest.
Chín cây cầu nối đôi bờ Duna là chín tuyệt tác của nghệ thuật, trong đó nổi bật là cầu Xích (Széchenyi Lánchíd, hay Chain Bridge theo tiếng Anh), hay còn gọi là cầu Sư Tử. Đây là một trong những chiếc cầu đẹp nhất, được coi là biểu tượng của Budapest và cũng là di sản thế giới. Đây cũng là cây cầu vững chãi đầu tiên bắc qua Duna thơ mộng. Vị trí của cầu cũng rất đẹp, một đầu dẫn tới Cung điện Hoàng gia, đầu kia đưa thẳng tới Viện Hàn lâm khoa học và tòa nhà Quốc hội nổi tiếng. Khi mới xây dựng, cầu Xích được coi là một trong những kiệt tác của kiến trúc nhân loại với vẻ uy dũng của những sợi xích khổng lồ và bốn chú sư tử oai phong lẫm liệt ngự hai đầu cầu. Hình ảnh sư tử nằm, trong tư thế đầu ngẩng cao tỏa ra vẻ đẹp uy quyền nhưng vô cùng quyến rũ. Tuy nhiên, đôi mắt u buồn của sư tử lại gợi nhớ đến câu chuyện có kết thúc bi thảm của người thiết kế nên chúng, William Tierney Clark - một trong những kiến trúc sư, kỹ sư cầu đường hàng đầu Châu Âu lúc đó. W.Clark tự hào về công trình hoàn mỹ của mình đến nỗi ra lời thách đố xem ai tìm ra được tì vết của tác phẩm, nhưng không ngờ một thanh niên trẻ đã tình cờ phát hiện ra khiếm khuyết: Sư tử không hề có lưỡi! Tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm không chịu nổi tổn thương ghê gớm này và ông đã trẫm mình xuống Duna tại chính cầu Sư Tử. Có thể vì giai thoại u buồn mà cầu Xích được ưu ái và yêu thích hơn cả trong những cây cầu ở Budapest. Dưới ánh hoàng hôn rực đỏ trên dòng Duna, cầu Sư Tử hiện lên với vẻ oai hùng mà bi tráng, đẹp đến nao lòng.
|
Lâu đài Buda nhìn chính diện |
Ngay cạnh cầu Xích là cầu Elizabeth (Erzsébet híd) có một vẻ đẹp đối lập: Sang trọng, quý phái và có phần mong manh bởi cầu được treo trên những sợi cáp trắng, nên dân Budapest gọi giản dị là cầu Trắng. Đây là một trong những cây cầu trẻ nhất Budapest, cầu được đặt theo tên vị nữ hoàng tài danh Elizabeth của đế chế Áo - Hung một thời. Ban ngày, dưới ánh mặt trời rực rỡ, cầu Elizabeth không gây ấn tượng đặc biệt nào thậm chí có cảm giác cầu nhạt nhòa. Nhưng khi nắng tắt và màn đêm buông xuống, đèn bật sáng, Elizabeth mới trở thành nữ hoàng thực thụ của dòng sông. Đắm mình trong dàn đèn ánh trắng sáng rực, Elizabeth kiêu kỳ nổi bật giữa bạt ngàn ánh đèn vàng dát trên cung điện, lâu đài, thành quách, dinh thự… Elizabeth thể hiện đúng đẳng cấp sang trọng, lịch lãm, cây cầu chính là một nữ hoàng kiêu kỳ mà không chói lóa, nổi bật mà không phô trương, đằng sau vẻ mong manh là sự mạnh mẽ và quyền uy như là hiện thân của vị nữ hoàng quyền lực nhất Châu Âu một thời với đầy đủ khí chất của bà.
Nếu như Elizabeth được ví như nữ hoàng của Duna thì hai bên tả hữu đương nhiên phải có những chàng cận vệ cao lớn, đẹp đẽ. Cầu Sư Tử đã làm rất tốt vai trò của mình ở cánh tả, còn cánh hữu đã có cầu Tự Do (Szabadság híd hay Freedom, Liberty Bride gọi theo tiếng Anh) đường bệ án ngữ. Cầu Tự Do được người Budapest âu yếm gọi là cầu Xanh bởi màu xanh biếc tuyệt vời của nó dưới ánh mặt trời. Tự do được thiết kế với kết cấu bằng sắt vững chãi nhưng thanh thoát. Cầu được trang trí với hình quả thông và chim Turul (giống chim ưng) trong thần thoại Hungary và đặc biệt quốc huy Hungary tuyệt đẹp, nổi bật được gắn trên đỉnh cao nhất của cây cầu. Ban ngày, có thể nói, cầu Tự Do là điểm nhấn đặc biệt trên dòng Duna nhưng ban đêm chàng cận vệ mới phô được hết vẻ đẹp thanh tú và màu xanh đặc biệt của mình. Tới với cầu Tự Do, không ai rảo bước mà thường chậm rãi thưởng thức vẻ đẹp của nó. Đây là địa điểm đẹp nhất để chụp những tấm hình lưu niệm, bởi màu xanh quá ấn tượng, bởi phong cảnh quá hữu tình và còn một lý do khác nữa là một đầu cầu nối với khu chợ trung tâm (Nagycsarnok - Central market hall) còn một bên là thành quách thơ mộng và những khu nhà tắm Thổ Nhĩ Kỳ hấp dẫn. Từ khu thành cổ có thể nhìn thấy toàn cảnh Budapest cùng dòng Duna và những cây cầu tuyệt đẹp.
(Còn tiếp)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.