Vụ án liên quan đến Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) và Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) là một minh chứng điển hình gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức kinh doanh trên mạng xã hội.
1. Quang Linh Vlogs - một YouTuber nổi tiếng với hình ảnh giản dị, gần gũi và những hoạt động thiện nguyện ý nghĩa tại châu Phi, đã từng là biểu tượng của sự chân thật và lòng tốt trong mắt nhiều người.
Tương tự, Hằng Du Mục cũng xây dựng hình ảnh một người phụ nữ mạnh mẽ, tự chủ, gắn liền với cuộc sống chu du phóng khoáng.
Tuy nhiên, cả hai đã đánh mất đi sự tin yêu đó khi tham gia vào việc quảng bá và kinh doanh các sản phẩm thực phẩm chức năng một cách thiếu trách nhiệm, thậm chí có dấu hiệu lừa dối khách hàng.
Cụ thể, những video quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng hay các phiên livestream bán hàng trực tuyến do Quang Linh và Hằng Du Mục thực hiện thường xuyên sử dụng những lời lẽ cường điệu, khẳng định công dụng “thần kỳ” như chữa dứt điểm bệnh, tăng cường sức khỏe vượt trội, thậm chí là “trẻ hóa” cơ thể. Những hình ảnh, video được dàn dựng một cách chuyên nghiệp, kết hợp với sự nổi tiếng và uy tín sẵn có của họ đã tạo ra một hiệu ứng mạnh mẽ, khiến hàng nghìn người tiêu dùng tin tưởng một cách mù quáng vào những lời quảng cáo đó.
Điều đáng nói là, những sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng bá chưa được kiểm chứng về chất lượng và hiệu quả thực tế. Tiêu biểu là thực phẩm chức năng có tên gọi là kẹo Kera hay kẹo rau củ Kera. Kẹo này do Công ty cổ phần Asia Life tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) sản xuất, được lan truyền với thông tin gây hiểu lầm như “một viên thay thế một đĩa rau xanh”.
Nghi ngờ về những lời quảng cáo này, một người dùng đã mang kẹo Kera đi kiểm tra tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2. Kết quả cho thấy hoàn toàn không đúng như quảng cáo.
Tiếp đó, các cơ quan chức năng đã kiểm tra và ghi nhận việc quảng cáo thổi phồng nêu trên. Trước dấu hiệu tội phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), Công an tỉnh Đắk Lắk, Công an thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị nghiệp vụ điều tra, xác minh các hành vi vi phạm.
Theo điều tra, lực lượng chức năng còn phát hiện sản phẩm này chứa hơn hơn 33% là chất Sobiton, loại nguyên liệu sử dụng làm thuốc xổ.
Từ tháng 12-2024 đến tháng 3-2025, Công ty Asia Life sản xuất hơn 160.000 hộp kẹo rau củ Kera cho Công ty cổ phần Tập đoàn Chị em Rọt, trong đó có 135.000 hộp đã được bán ra thị trường. Với giá mỗi hộp kẹo Kera (30 viên) dao động 150.000-165.000 đồng, tổng doanh thu số hàng bán ra tương đương hơn 20 tỷ đồng.
Ngày 4-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét chỗ ở của Quang Linh Vlogs (thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Chị em Rọt), Hằng Du Mục (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Chị em Rọt) để điều tra tội "Sản xuất hàng giả" là thực phẩm và "Lừa dối khách hàng", theo Điều 193 và 198 Bộ luật Hình sự.
Ba bị can còn lại trong vụ án là Nguyễn Phong (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Asia life), Lê Tuấn Linh (Giám đốc, đại diện pháp luật Công ty cổ phần Tập đoàn Chị em Rọt), Lê Thành Công (thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Chị em Rọt).
Theo khung hình phạt hiện hành, các bị can có thể sẽ phải đối diện với mức án tù từ vài năm đến hơn 10 năm tùy mức độ, tính chất phạm tội.
2. Có thể thấy, việc sử dụng hình ảnh cá nhân để bảo chứng cho những sản phẩm này, mà không có sự kiểm tra, thẩm định kỹ lưỡng, đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm nghiêm trọng của Quang Linh và Hằng Du Mục đối với cộng đồng. Họ đã lợi dụng sự tin tưởng của người hâm mộ để trục lợi cá nhân, đặt lợi nhuận lên trên sức khỏe và quyền lợi của khách hàng.
Hành vi này không chỉ vi phạm các quy định về quảng cáo, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng mà còn đi ngược lại những giá trị tốt đẹp mà họ từng xây dựng. “Viên kẹo” thực phẩm chức năng được tô vẽ bằng những lời lẽ đường mật đã che lấp đi sự thật về một "đĩa rau" dinh dưỡng nghèo nàn, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Sự sụp đổ hình tượng trong lòng công chúng là một bài học đắt giá cho cả Quang Linh và Hằng Du Mục về tầm quan trọng của sự trung thực và trách nhiệm trong kinh doanh.
Vụ việc của Quang Linh và Hằng Du Mục chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm trong thị trường thực phẩm chức năng trực tuyến đầy rẫy những chiêu trò lừa đảo. Mạng xã hội đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng bất chấp quy định, với vô số lời quảng cáo thổi phồng, hình ảnh giả mạo và những “chuyên gia” tự xưng.
Người tiêu dùng, đặc biệt là những người lớn tuổi hoặc có kiến thức hạn chế, dễ dàng trở thành nạn nhân của những lời quảng cáo hấp dẫn, những câu chuyện “người thật, việc thật” được dàn dựng công phu. Họ tin rằng những sản phẩm này có thể giải quyết các vấn đề sức khỏe của mình một cách nhanh chóng và dễ dàng bỏ qua những lời khuyên từ các chuyên gia y tế. Không ít người vì tin vào thực phẩm chức năng mà đánh mất cơ hội khỏi bệnh bằng con đường điều trị khoa học.
Thực trạng này phản ánh một xu hướng đáng lo ngại: Kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng. Nhiều người kinh doanh online, kể cả những người có sức ảnh hưởng lớn, đã đánh mất đi lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, chỉ tập trung vào lợi nhuận mà bỏ qua trách nhiệm xã hội. Họ sẵn sàng sử dụng mọi thủ đoạn, từ quảng cáo sai sự thật đến bán hàng kém chất lượng, để thu hút khách hàng và tăng doanh số.
3. Bài học từ “viên kẹo bằng đĩa rau” và những vụ việc lừa dối như của Quang Linh và Hằng Du Mục là một lời cảnh tỉnh đắt giá, nhắc nhở chúng ta về giá trị của sự chân thật và trách nhiệm trong một xã hội ngày càng phức tạp.
Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận một cách nghiêm túc về vấn đề này. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Đồng thời, mỗi người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, trang bị cho mình tri thức về thực phẩm chức năng, tỉnh táo trước những lời quảng cáo hoa mỹ và tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm trước khi quyết định mua hàng.
Quan trọng hơn hết, những người sản xuất, kinh doanh, dù là ai và hoạt động trong lĩnh vực nào, cần xây dựng cho mình một nền tảng văn hóa đạo đức vững chắc. Sự trung thực, minh bạch và trách nhiệm với khách hàng phải là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động. Chỉ khi đó, việc kinh doanh mới có thể phát triển bền vững và mang lại sự thịnh vượng thực sự, không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.