Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viện bỏng Quốc gia ứng dụng công nghệ sinh học trong điều trị

THUHANG| 14/03/2005 18:26

(HNMĐT) - Mặc dù da tự thân là vật liệu lý tưởng nhất để che phủ vết thương, vết bỏng, nhưng trong nhiều trường hợp (do thiếu, hoặc do thể trạng bệnh nhân không cho phép lấy...), da tự thân không thể đáp ứng được. Chính vì vậy, việc nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của công nghệ sinh học vào điều trị vết thương, vết bỏng đã được các nhà khoa học, các thầy thuốc chuyên ngành bỏng và chuyên ngành mô phỏng phôi ở nước ta quan tâm.

Các bác sĩ Viện bỏng quốc gia đang phẫu thuật cấy ghép ngón tay cho bệnh nhân

(HNMĐT) - Mặc dù da tự thân là vật liệu lý tưởng nhất để che phủ vết thương, vết bỏng, nhưng trong nhiều trường hợp (do thiếu, hoặc do thể trạng bệnh nhân không cho phép lấy...), da tự thân không thể đáp ứng được. Chính vì vậy, việc nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của công nghệ sinh học vào điều trị vết thương, vết bỏng đã được các nhà khoa học, các thầy thuốc chuyên ngành bỏng và chuyên ngành mô phỏng phôi ở nước ta quan tâm.

Từ trước đến nay, các loại da động vật (da dị loại) như da lợn, da ếch... để che phủ vết thương phần mềm và vết bỏng đã được sử dụng để cấy ghép thay thế trong điều trị vết thương, vết bỏng trên cơ thể con người. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại da này cũng chỉ mới dừng lại ở cách sử dụng đơn giản, đó là da tươi. Mặc dù da dị loại tươi có những ưu điểm, đặc biệt là khả năng bám dính tốt, nhưng cũng có những nhược điểm nhất định. Hơn nữa, việc sử dụng chỉ là bị động, khó có thể sử dụng rộng rãi trên lâm sàng. Do đó, công nghệ sinh học đã được áp dụng để xử lý và bảo quản các loại da dị loại; sau đó là da của tử thi (đồng loại). Nhiều công nghệ đã được áp dụng như công nghệ xử lý và bảo quản da bằng kỹ thuật lạnh sâu, kỹ thuật đông khô... Ngoài ra, một số màng sinh học khác cũngđược sử dụng để điều trị vết thương, vết bỏng như màng ối lấy từ người, từ bò, màng collagen...

Để chủ động nguồn da cấy ghép, việc tìm kiếm các loại da, các màng sinh học thay thế da (tự thân), các màng sinh học thay thế da tạm thời trong điều trị vết thương, vết bỏng đã trở thành một xu hướng tích cực. Đơn giản nhất là việc tìm kiếm các loại da thay thế da tự thân, các màng sinh học thay thế da tạm thời trong điều trị vết thương, vết bỏng. Ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý và bảo quản các loại da, các màng sinh học thay thế da là một trong những hướng ưu tiên của chuyên khoa bỏng và chấn thương.

Viện bỏng Quốc gia là một trung tâm bỏng hàng đầu của Việt Nam và cũng là nơi tiên phong nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học vào điều trị bỏng. Viện cũng đã có những nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu với nước ngoài (Anh, Nga, Xin-ga-po) về nuôi cấy nguyên bào sợi, tế bào sừng trong điều trị bỏng. Kỹ thuật nuôi cấy tế bào sừng trong phòng thí nghiệm cũng đã được xúc tiến trong nhiều năm qua và cũng đã có những thành công bước đầu. Gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Nghị định thư về hợp tác khoa học giữa Viện bỏng Quốc gia và Viện Ngoại khoa Liên bang Nga. Theo đó, phía Nga sẽ chuyển giao công nghệ nuôi cấy nguyên bào sợi cho Việt Nam. Trong thời gian qua, các chuyên gia của Nga đã sang làm việc tại Viện bỏng Quốc gia và Viện cũng đã cử cán bộ sang Nga để học về công nghệ nuôi cấy nguyên bào sợi.

Hiện nay, Viện bỏng Quốc gia cũng đang xúc tiến các bước để tiếp thu công nghệ nuôi cấy tế bào sừng từ Xin-ga-po. Hợp tác với tập đoàn ANSON (Trung Quốc) để nghiên cứu đánh giá tác dụng của băng vết thương có các yếu tố sinh học được sản xuất bằng công nghệ phân tử trong việc điều trị bỏng. Trong dự án cải tạo nâng cấp Viện bỏng Quốc gia, một hệ thống labo công nghệ sinh học hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế sẽ được xây dựng. Điều đó mở ra triển vọng sẽ có bước đột phá trong nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học vào điều trị bỏng và vết thương phần mềm, cũng như những ứng dụng của nó trong các chuyên ngành khác của y học hiện đại. Trong đó công nghệ gen và công nghệ tế bào gốc sẽ là những ngành được ưu tiên phát triển.

Thu Hằng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viện bỏng Quốc gia ứng dụng công nghệ sinh học trong điều trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.