(HNM) - Chung cư B7 và B10 Kim Liên, phường Kim Liên, quận Đống Đa được đưa vào sử dụng đã 10 năm, hiện đang bộc lộ một số hạn chế trong công tác quản lý, cung cấp dịch vụ gây bức xúc cho người dân trong khu vực.
Mặt khác, việc quản lý lỏng lẻo, thiếu minh bạch của cơ quan chủ quản cũng đã gây ra không ít hệ lụy…
Chung cư mới, tổ dân phố họp ở… hành lang!
Nhà tập thể B7 và B10 Kim Liên (cũ) xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, là nhà 4 tầng dành cho cán bộ công tác tại các cơ quan trung ương và TP Hà Nội. Đầu năm 2000, nhà B7, B10 Kim Liên được thành phố chọn làm thí điểm, thực hiện chủ trương xây mới nhà chung cư cũ, xuống cấp, nhằm tạo quỹ nhà tái định cư (TĐC) tại chỗ, phục vụ đối tượng chính sách, di dân GPMB và các nhu cầu cấp bách của thành phố. Hai khối nhà B7 và B10 (mới) cao 11 tầng, trong đó từ tầng 2 đến tầng 4 dành cho các hộ TĐC của nhà B7 và B10 cũ, các tầng còn lại là quỹ nhà của thành phố.
Năm 2004, 2005, các căn hộ được bàn giao cho người dân vào ở, đến nay một số bất cập đã nảy sinh, liên quan đến bầu ban quản trị và hàng loạt vấn đề như thang máy hỏng, dịch vụ kém… Chưa kể hành lang một số tầng bị nhiều hộ dân tận dụng làm nơi để đồ, nơi phơi quần áo... Lối thoát hiểm của tòa nhà cũng luôn ở trong tình trạng bị khóa trái, ví như có tình huống khẩn cấp, không biết người dân sẽ chạy đường nào?...
Quán bia Vòm tại nhà tạm cư B7. |
Ông Phạm Minh Đức, Tổ phó Tổ dân phố số 5 Kim Liên (gồm tòa B7 và B10) chỉ vào đống ghế nhựa ở hành lang tầng 4 nói: "10 năm nay người dân nhà B7, B10 không có nơi hội họp, khi họp dân hay tổ chức sự kiện gì đành phải "triển khai" ở hành lang… không giống ở đâu. Diện tích tầng 1 để sử dụng vào việc trông xe, nhưng xe của cư dân chỉ để hết 1/2 diện tích, phần còn lại tổ dịch vụ sử dụng để trông xe bên ngoài với giá 240.000 đồng/xe/tháng, ước chừng mỗi tháng tổ này có thể "gặt hái" khoảng 50 triệu đồng…
Chưa kể, cư dân còn phải trả tiền trông xe 60.000 đồng/xe/tháng, cùng 30.000 đồng/hộ/tháng tiền thang máy và quét dọn vệ sinh nhưng hành lang một tuần mới được quét dọn một lần. Tòa nhà có 2 thang máy, một thang bị "liệt" từ tháng 11-2014, đến nay vẫn không ai sửa chữa cho dù người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới đơn vị quản lý tòa nhà. Tổ dịch vụ có các khoản thu ngoài lương khá nhiều, nhưng 10 năm nay các khoản thu chi tại tòa nhà không được công khai tài chính, người dân không biết quỹ bảo trì còn hay không, ai nắm giữ và tiền dịch vụ hằng tháng thu được vào "túi" ai, tại sao khi thang máy hỏng lại yêu cầu người dân phải đóng tiền để sửa chữa?".
Mang những thắc mắc trên đến đơn vị được UBND thành phố giao quản lý nhà B7, B10 là Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, ông Bùi Quốc Dũng, Phó Trưởng phòng Quản lý Nhà xã hội, tái định cư cho biết: Tháng 6-2013, UBND thành phố đã bàn giao số tiền quỹ bảo trì của tòa nhà B7, B10 cho công ty và công ty đã lập tài khoản tại ngân hàng để gửi tiền quỹ bảo trì vào đó. Tuy nhiên, do quỹ bảo trì của nhà B7 ít, nếu sửa chữa lớn sẽ không đủ kinh phí. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều nhà TĐC, do vậy, cư dân đề nghị thành phố có cơ chế hỗ trợ kinh phí khi sửa chữa các hạng mục lớn.
Về việc này, công ty đã báo cáo Sở Xây dựng nhưng đến nay chưa có quyết định về khoản hỗ trợ nên việc sửa chữa thang máy nhà B7 vẫn phải tạm dừng. Tính đến ngày 5-5-2015, số tiền bỏ ra để sửa chữa các hạng mục của nhà B7 là hơn 790 triệu đồng, nhà B10 là hơn 930 triệu đồng, trong khi đó quỹ bảo trì nhà B7 chỉ được hơn 41 triệu đồng, nhà B10 hơn 26 triệu đồng. Vì thế, đến thời điểm này quỹ bảo trì của hai tòa nhà B7, B10 đều là con số 0. Việc người dân phản ánh không có nơi hội họp là chính xác vì trong thiết kế tòa nhà không có nhà sinh hoạt cộng đồng.
Công ty có cho tổ dân phố mượn một căn hộ chưa có người ở để sinh hoạt, nhưng diện tích căn hộ nhỏ, không thể bố trí làm nơi sinh hoạt tập thể đông người. Còn việc bầu Ban quản trị của tòa nhà, công ty họp với các hộ dân 3 lần, song đến nay dự thảo nội quy sử dụng tòa nhà, dự thảo quy chế hoạt động Ban quản trị chưa đạt được sự đồng thuận của cư dân, một số cuộc họp người dân đến dự chưa đầy đủ… Việc tổ dịch vụ trông giữ xe của người ngoài tòa nhà công ty đã xử lý, nhưng xử lý xong việc cũ lại lặp lại vì lương của bảo vệ, lao công quá thấp (gần 1,7 triệu đồng/tháng) nên những người làm dịch vụ đó tự xoay xở!?…
Nói như ông Dũng thì có thể hiểu, dù "sự tự xoay xở" của tổ dịch vụ là chưa đúng quy định nhưng công ty cũng đành… bó tay?
Lỏng lẻo công tác quản lý nhà tạm cư
Sau khi người dân di dời đến nhà mới, hai tòa nhà B7, B10 cũ đã được thành phố giao cho Công ty cổ phần Xây dựng Sông Hồng quản lý và được gọi là nhà tạm cư với 126 căn hộ. Quỹ nhà này được sử dụng để bố trí tạm cư cho các hộ dân thuộc Dự án cải tạo chỉnh trang khu B Kim Liên. Đến nay tại hai khu nhà trên chỉ còn khoảng 70 hộ dân thuộc diện này đang tạm cư chờ bàn giao căn hộ, ngoài ra còn khá nhiều hộ dân khác cũng ở đó nhưng không thuộc quản lý của Tổ dân phố 5 Kim Liên. Dư luận ở đây cho rằng, đơn vị quản lý nhà tạm cư quản lý lỏng lẻo, cho nhiều người là cán bộ phường, quận Đống Đa ở; thậm chí nhiều căn hộ tạm cư đang được cho thuê với giá 3 triệu đồng/tháng và làm nảy sinh nhiều dịch vụ "ăn theo" như: Sử dụng nhà tạm cư làm quán bán bia, sử dụng sân nhà tạm cư để trông giữ xe…
Về việc này, bà Hà Thị Hòa, Giám đốc Ban quản lý Dự án khu B Kim Liên (thuộc Công ty cổ phần Xây dựng Sông Hồng) thừa nhận: Ngoài các đối tượng tạm cư còn một số người là cán bộ phường Kim Liên, cán bộ quận Đống Đa và người của Công ty cổ phần Sông Hồng đang ở. Song, đây đều là các hộ khó khăn về chỗ ở, Ban quản lý dự án chỉ cho họ ở tạm trong thời gian ngắn và những người này phải đóng góp tiền để duy tu, bảo dưỡng nhà tạm cư. Mặt khác, nếu nhà tạm cư không có người ở sẽ phải cắt công tơ điện, nước và nhà sẽ rất nhanh xuống cấp. Sắp tới, khi công ty triển khai giai đoạn 2 cải tạo, chỉnh trang khu B Kim Liên thì toàn bộ quỹ nhà tạm cư này sẽ được lấy lại…
Việc cho trông xe tại nhà tạm cư, công ty không thu đồng nào mà công ty ký hợp đồng với Công ty cổ phần Dịch vụ bảo vệ Hoàn Cầu cho đơn vị này cung cấp dịch vụ bảo vệ và trông giữ xe cho chính các hộ dân đang tạm cư tại tòa nhà. Còn việc quán bia Vòm đang sử dụng 3 căn hộ thông nhau ở tầng 1 nhà tạm cư B7 là do công ty tận dụng nơi làm việc cũ trước đây làm nhà ăn cho chính cán bộ, công nhân viên của công ty!? Song, theo quan sát của chúng tôi thì ngoài biển hiệu quán bia hoành tráng ai nhìn cũng thấy, khách khứa đông đúc, nhộn nhịp từ sáng đến đêm không có một dấu hiệu gì cho thấy đây là một "bếp ăn" như lý giải của người đại diện Ban quản lý dự án khu B Kim Liên.
Như vậy, có thể thấy một số bức xúc của người dân Tổ dân phố số 5 phường Kim Liên là có cơ sở, trong khi việc giải đáp của đại diện hai cơ quan quản lý có phần chưa thỏa đáng. Mô hình nhà B7, B10 Kim Liên là mô hình thí điểm trong việc xây dựng, cải tạo lại các chung cư cũ, do vậy việc vận hành tòa nhà sao cho hiệu quả cũng là vấn đề các cơ quan chức năng cần quan tâm. Đánh giá đúng thực trạng, làm rõ nguyên nhân và rút ra bài học để khắc phục các hạn chế sao cho khu B Kim Liên nói riêng và các nhà tập thể cũ trên địa bàn nói chung được quản lý một cách bài bản, khoa học, bảo đảm quyền lợi của các bên. Những tồn tại nêu trên tại khu nhà B7, B10 Kim Liên nếu không được giải quyết kịp thời, thỏa đáng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của người dân trong việc tiếp tục thực hiện chủ trương cải tạo chung cư cũ của thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.