(HNM) - Nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều vận động viên khi theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp, chính là công việc, nghề nghiệp của họ sau khi giải nghệ. Để xây dựng được chính sách chăm lo, động viên, khuyến khích các vận động viên tài năng, góp phần vào việc thu hút nhân tài cho thể thao nước nhà, các nhà quản lý ngành Thể thao Việt Nam cũng đang rất quan tâm và tích cực tìm hướng đi, triển khai nhiều giải pháp để sớm giải bài toán này.
Nỗi lo sau khi giải nghệ
Thời gian gần đây, thể thao Việt Nam không chỉ chứng kiến tài năng của nhiều vận động viên trong các giải đấu lớn, mà còn thấy được sự năng động của họ bằng cách tự kinh doanh. Trong số này không thể không nhắc đến tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh ở bộ môn cầu lông. Tay vợt này đã mở cửa hàng chuyên kinh doanh thiết bị cầu lông tại thành phố Hồ Chí Minh, thu hút rất nhiều khách hàng. Vợ Tiến Minh là tay vợt nữ hàng đầu Việt Nam Vũ Thị Trang cũng hỗ trợ đắc lực cho chồng trong kinh doanh.
Giống như Nguyễn Tiến Minh, nhà vô địch SEA Games 30 ở môn điền kinh Nguyễn Thị Oanh cũng đã chủ động kinh doanh giày và thời trang thể thao trên mạng để có thêm thu nhập. Sản phẩm kinh doanh của Nguyễn Thị Oanh luôn được đón nhận bởi sự đa dạng và độc đáo... Còn kiếm thủ số 1 Việt Nam Vũ Thành An từng nổi tiếng với công ty kinh doanh máy pha cà phê tự động. "Nhờ được rèn luyện trong môi trường vận động viên chuyên nghiệp, tôi đã kiên trì, vượt qua áp lực để rồi vẫn gắn bó với việc kinh doanh dù việc tập luyện luôn được đặt lên trên hết", kiếm thủ Vũ Thành An chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tự kinh doanh thành công như Vũ Thành An, Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thị Oanh... Theo Chủ nhiệm Bộ môn Cầu lông, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Dương Thị Liên, đa số các vận động viên đều chung nỗi lo sẽ làm gì sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu, bởi thời gian thi đấu đỉnh cao thường ngắn - kéo dài khoảng 10 năm. Sau khi giải nghệ, chỉ có số ít vận động viên được chuyển sang làm công tác huấn luyện hoặc các công việc khác liên quan đến thể thao. Chính vì nỗi lo tương lai “hậu” thi đấu, nhiều vận động viên đành từ bỏ đam mê thể thao.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Hoàng Yến lý giải, khi theo nghiệp thể thao, vận động viên thường rất khó khăn trong việc học văn hóa, do phải thi đấu, tập luyện với thời gian không ổn định. Vì vậy, sau khi giải nghệ, vận động viên thiếu các kỹ năng, kiến thức làm việc... nên gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm công việc mới phù hợp.
Để vận động viên yên tâm rèn luyện và thi đấu
Nhằm giúp các vận động viên yên tâm rèn luyện, thi đấu và cống hiến cho nền thể thao nước nhà, đơn vị quản lý nhà nước về thể thao, Ủy ban Olympic Việt Nam đã, đang và sẽ phối hợp với các liên đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp hỗ trợ vận động viên sau khi giải nghệ.
Cuối tháng 11-2020 vừa qua, Ủy ban Olympic Việt Nam và Liên đoàn Bắn súng Việt Nam đã ký kết với Công ty cổ phần Đầu tư Sen Nam Việt; trong đó, công ty cam kết dành 10 vị trí nhân sự mỗi năm cho các vận động viên sau khi nghỉ thi đấu ở mảng việc văn phòng, tư vấn dinh dưỡng... Chủ tịch Liên đoàn Bắn súng Việt Nam Đỗ Văn Bình chia sẻ, đây là một chương trình thiết thực với các vận động viên, tạo động lực để họ yên tâm phấn đấu hết mình.
Trong khi đó, mới đây Tổng cục Thể dục - Thể thao đã ký thỏa thuận hợp tác với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tập đoàn Alphanam Group về tạo việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho các vận động viên Việt Nam sau khi nghỉ thi đấu. “Sẽ có hàng nghìn vị trí việc làm phù hợp được ưu tiên tuyển dụng dành cho các vận động viên”, bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao cho hay. Cùng với đó, thông qua kết nối với Tổng cục Thể dục - Thể thao, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cam kết dành 100 suất học bổng cho các tài năng thể thao Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Thị Hoàng Yến cho biết thêm, Tổng cục Thể dục - Thể thao sẽ tạo mọi điều kiện để các vận động viên thành tích cao sau khi giải nghệ được ưu tiên xét tuyển, đặc cách vào làm việc tại các cơ sở thể thao công lập phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng; được cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng lao động tại các cơ sở thể thao khi có đủ trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu của vị trí tuyển dụng... Ngoài ra, Tổng cục tiếp tục phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp tìm nguồn để hỗ trợ học nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm cho các vận động viên sau khi nghỉ thi đấu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.