Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc khó cần có quyết tâm cao

Thành Tâm - Bình Yên| 21/03/2012 06:26

(HNM) - Trong chương trình làm việc chiều 20-3, hội nghị đã chia tổ thảo luận về kế hoạch và các biện pháp triển khai Nghị quyết TƯ 4 khóa XI


Bí thư Quận ủy Long Biên Vũ Đức Bảo: Gắn thực hiện Nghị quyết với nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị

Là quận mới được thành lập, nhiều nhiệm vụ phải giải quyết nên chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để tập trung chỉ đạo, triển khai, trong đó vai trò của đội ngũ cán bộ chủ chốt phải đưa lên hàng đầu. Quận Long Biên gắn việc triển khai Nghị quyết TƯ 4 với thực hiện hai khâu đột phá là cải cách hành chính, nâng cao trình độ cán bộ công chức; tập trung đầu tư hạ tầng đô thị và quản lý đô thị để nâng cao trách nhiệm cán bộ lãnh đạo, từ đó thúc đẩy công việc đạt hiệu quả cao hơn.

Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Văn Nhàng: Sẽ tạo chuyển biến tích cực

Đi đến đâu, chúng tôi cũng được các cụ, các bác hỏi về tình hình thực hiện Nghị quyết TƯ 4 thế nào? Điều này thể hiện niềm tin, sự phấn khởi và kỳ vọng lớn của nhân dân về Nghị quyết này. Thực tế cho thấy, những khuyết điểm được nêu ra lần này đều đã thấy rõ, "xuân thu nhị kỳ" đều có đánh giá, nhưng để giải quyết thế nào mới là khó. Ngay trong khuyết điểm của mỗi cá nhân, cần đánh giá chính xác việc gì thấy sai mà vẫn làm và việc gì làm mà không biết là sai để có hình thức xử lý thỏa đáng. Đây là việc khó, nhưng nếu mỗi cán bộ, đảng viên đều quyết tâm, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao thì tôi tin sẽ tạo chuyển biến tích cực.

Phó Bí thư Quận ủy Cầu Giấy Phương Kiến Quốc: Đổi mới hình thức quán triệt Nghị quyết


Để cán bộ, đảng viên nắm rõ nội dung, phương thức tiến hành, việc quan trọng cần làm là đổi mới hình thức quán triệt Nghị quyết. Cụ thể, tới đây khi hội nghị quán triệt được tổ chức sâu rộng tại các cấp ủy trực thuộc, các tổ chức cơ sở đảng phải đi sâu làm rõ những điểm mới, cách vận dụng Nghị quyết vào tình hình thực tiễn ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, cấp ủy như thế nào.

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Văn Chanh: Tạo điều kiện cho cán bộ cơ sở phát triển


Một số nội dung hướng dẫn còn quá rộng, chưa phù hợp với sinh hoạt ở các chi bộ. Vấn đề kiểm điểm, phê bình và tự phê bình đã được thực hiện nhiều năm nay, từ khi có Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), nay cần được làm rõ hơn về phương châm, cách thức, hình thức, gắn với tình hình thực tế ở từng địa phương, cơ sở. Trong các giải pháp thực hiện Nghị quyết, tôi xin nhấn mạnh về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Ngoài ra, các giải pháp về cơ chế, chính sách đối với cán bộ cơ sở cũng cần được quan tâm hơn, tạo điều kiện cho cán bộ cơ sở phát triển.

Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư: Chọn cải cách hành chính làm trọng tâm

Trước mắt hãy chọn cải cách hành chính, cải cách thể chế và xây dựng hệ thống văn bản pháp luật làm trọng tâm. Bởi lẽ hiện nay chúng ta có một số luật còn khá bất cập, điển hình là Luật Đất đai, ảnh hưởng nhiều đến đời sống dân sinh và cơ quan quản lý còn lúng túng khi thực thi. Có một số hướng dẫn thực hiện Nghị quyết chưa khớp với nhau, như việc lấy ý kiến đánh giá cán bộ lãnh đạo, có hướng dẫn là lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt, văn bản khác lại yêu cầu các cấp ủy viên đều phải cho ý kiến. Điều này cần được làm rõ để triển khai một cách thống nhất.

GS, TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học - Kỹ thuật TP Hà Nội: Kiểm điểm, phê bình cốt yếu là ngăn ngừa vi phạm

Trong các giải pháp, công tác kiểm điểm, phê bình trong Đảng phải hướng đến mục tiêu ngăn ngừa vi phạm, tăng tính xây dựng mới đạt yêu cầu. Kiểm điểm cần tập trung, chọn những cán bộ, bộ phận, chi bộ quan trọng, có liên hệ chặt chẽ với quốc kế dân sinh để kiểm điểm trước. Trong công tác kiểm điểm, không chỉ đề cao dân chủ trong Đảng mà phải kèm theo yêu cầu dân chủ, công khai, minh bạch trong Đảng và với nhân dân.

Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Ba Vì Lưu Quang Ngọc: Cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng

Tôi rất quan tâm đến nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Bởi thực tế hiện nay có một bộ phận đảng viên có trình độ nhận thức thấp, chưa được quan tâm giáo dục lý luận. Đề nghị Trung ương và Thành ủy có kế hoạch giáo dục, bồi dưỡng cho bộ phận cán bộ, đảng viên này, nhất là cán bộ đảng viên ở nông thôn. Hình thức giáo dục chính trị có thể bằng nhiều cách, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của các đơn vị, địa phương. Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là tiền đề để làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống…

Hội nghị có quy mô lớn nhất, được tiến hành một cách khoa học, bài bản, chu đáo nhất, từ khâu chuẩn bị tài liệu, chia tổ thảo luận… Lần đầu tiên số lượng đại biểu được triệu tập lên tới hơn 2.100 người. Việc Ban Thường vụ Thành ủy triệu tập đầy đủ các thành phần thể hiện tầm quan trọng đặc biệt của hội nghị, thể hiện tinh thần nghiêm túc, quyết tâm của Đảng bộ TP Hà Nội ngay từ khâu mở đầu triển khai thực hiện Nghị quyết. Điều dễ nhận thấy trên mỗi gương mặt các đại biểu là sự hồ hởi, phấn khởi, tham dự với tinh thần nghiêm túc lắng nghe tiếp thu các nội dung của hội nghị. Phần thảo luận cũng rất sôi nổi, tâm huyết. Rất nhiều đại biểu tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, trách nhiệm, dự báo những khó khăn, kiến nghị giải pháp thực hiện. Nếu nói Nghị quyết TƯ 4 có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân thì ngay tại hội nghị cán bộ chủ chốt TP Hà Nội đã được thể hiện một cách sinh động nhất. Với tinh thần đó, chắc chắn Đảng bộ Thủ đô sẽ đưa Nghị quyết TƯ 4 đi vào cuộc sống trong thời gian sớm nhất.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việc khó cần có quyết tâm cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.