Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc đánh giá Dương Chí Dũng hàng năm là "rất tốt"?

Theo Hồng Minh| 19/12/2013 18:58

Đảng viên, cán bộ, nhân dân đồng tình bản án nghiêm khắc đối với tội phạm tham nhũng trong vụ án tại Vinalines; cũng là một bài học nóng hổi về quản lý Nhà nước, quản lý và sử dụng cán bộ, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Bị cáo Dương Chí Dũng (giữa) và các đồng phạm tại phiên xét xử sơ thẩm. Ảnh: TTXVN


Sau 3 ngày xét xử, tranh tụng sôi nổi, chiều ngày 16/12/2013, bà Ngô Thị Ánh – Chủ tọa phiên tòa cùng một vị thẩm phán đã thay mặt Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố Hà Nội đọc tuyên án kết tội 10 bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), trong đó, Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị và Mai Văn Phúc, nguyên Tổng Giám đốc Vinalinnes bị tuyên án tử hình. Đây là vụ “đại án” tham nhũng thứ 3 trong 10 vụ đại án đã phát hiện được đưa ra xét xử tại cơ quan bảo vệ pháp luật.

Trước đó, ngày 15/11/2013, Hội đồng xét xử (HĐXX), TAND thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt hai án tử hình cho Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cho thuê tài chính II (ALCII) và Đặng Văn Hai, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xây dựng Quang Vinh về tội “Tham ô tài sản”, trong vụ án tham nhũng tại Công ty ALC II, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam. Chỉ ít ngày sau đó, sáng 27/11/2013, TAND thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt 30 năm tù cho Nguyễn Thanh Huyền và 22 năm tù cho Nguyễn B, đều là nguyên lãnh đạo Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon Việt Nam).

Các vụ án đều được xét xử theo đúng tinh thần cải cách tư pháp. Việc tranh tụng tại tòa diễn ra sổi nổi, tuyên án đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật. Đây là những vụ án tham nhũng được nhân dân quan tâm, theo dõi. Đa số các bị cáo đều phải nhận mức án nghiêm khắc và tương xứng với hành vi sai phạm của mỗi người, được nhân dân và dư luận đồng tình.

Việc xét xử công khai các vụ án nói trên với những mức án nghiêm khắc ngay sau khi 7 đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiến hành kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm. Đây là sự chuyển động tích cực, tạo dấu ấn trong năm đầu tiên thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta trên mặt trận chống “giặc nội xâm”, tạo nên niềm tin mới trong đảng viên, cán bộ và các tầng lớp nhân dân.

Vụ án xảy ra tại Tổng công ty Vinalinnes làm thất thoát trên 366 tỷ đồng và tham ô 28 tỷ đồng là tổn thất nghiêm trọng tài sản, tiền vốn của Nhà nước. Những sai phạm đó có trách nhiệm của một số cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, trước hết là cơ quan có chức năng quản lý ngành trong việc phối hợp với cơ quan khác kiểm tra, giám sát công tác quản lý, sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý, sử dụng cán bộ. Trong quá trình phê duyệt thực hiện Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và mua ụ nổi 83M, Vinalines đã có văn bản báo cáo cơ quan quản lý ngành, nhưng đáng tiếc là tại phiên tòa, trả lời HĐXX, đại diện Bộ cho rằng, Bộ chỉ quản lý Vinalines về mặt chuyên ngành. Vinalines là Tổng công ty 91 do Chính phủ quản lý, vì vậy thẩm quyền thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ nên Bộ không có thẩm quyền kiểm tra.

Khi chủ tọa hỏi "Bộ có giám sát và biết doanh nghiệp mua ụ nổi hay không?". Đại diện Bộ trả lời: “Đây là thẩm quyền của doanh nghiệp, của Hội đồng quản trị tự quyết định. Bộ không can thiệp được!”. Dư luận cho rằng, đó là cách trả lời không thuyết phục, là biện minh để thoái thác trách nhiệm, đùn đẩy cho cơ quan khác, không được nhân dân và dư luận đồng tình.

Tháng 2 năm 2012, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng (C48), Bộ Công an đã phát hiện, khởi tố 4 bị can thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), có hành vi nâng khống, quyết toán khống vật liệu trong việc sửa chữa ụ nổi 83M (thành phần quan trọng trong dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty, Dương Chí Dũng không thể không có trách nhiệm, nhưng Dương Chí Dũng vẫn được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Cách đây không lâu, trả lời những băn khoăn của dư luận về việc này, một vị lãnh đạo Bộ cho biết: "Trong ngành, tất cả các đánh giá cán bộ cuối năm và hàng năm, ông Dũng đều được nhận xét rất tốt", và " thực tế đến trước khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, chúng tôi hoàn toàn không nhận được bất kỳ thông tin gì từ thanh tra, công an hay đơn tố cáo ông Dũng...”.

Theo ý kiến của Bộ, việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng đã được sự thống nhất của tập thể Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ, thực hiện đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục (?). Nhưng, điều mà dư luận băn khoăn về việc bổ nhiệm Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Vận tải biển là sự lựa chọn đúng người có năng lực, phẩm chất, tương ứng với nhiệm vụ hay là một cách giúp Dương Chí Dũng trốn tránh trách nhiệm ?

Những kẻ tổ chức cho Dương Chí Dũng đào tẩu ngay sau khi có quyết định khởi tố, sẽ bị pháp luật trừng phạt nghiêm khắc, nhưng ai là người báo tin cho Dương Chí Dũng biết quyết định khởi tố, bắt tạm giam để Dương Chí Dũng kịp thời tẩu thoát cũng là vấn đề mà dư luận mong muốn cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, làm rõ và có hình thức xử lý thích đáng.

Đảng viên, cán bộ, nhân dân đồng tình với chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và việc xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, dành những bản án nghiêm khắc đối với tội phạm tham nhũng đã và đang làm nhức nhối lòng dân, xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Vụ án tại Vinalines cũng là một bài học nóng hổi về quản lý Nhà nước, quản lý và sử dụng cán bộ, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu đối với lĩnh vực được Đảng và Nhà nước giao phó./.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việc đánh giá Dương Chí Dũng hàng năm là "rất tốt"?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.