(HNM) - Vào dịp kỷ niệm 25 năm chiến dịch Tây Nguyên lịch sử, tôi được đến gặp Thượng thướng Hoàng Minh Thảo.
>>Thượng tướng Hoàng Minh Thảo từ trần
Mắt quắc sáng, hàng mày lưỡi mác rậm rì vểnh ngược, chiếc cằm quả đoán, vị tướng già vẫn nguyên vẻ uy dũng của ngàycầm quân ra trận, trong tôi thoáng một chút ngại ngần. Thế rồinhững câu chuyện trải dài trong chất giọng trầm ấm như được thổi hồn với sức cuốn hút kỳ lạ đã khép lại tất cả những khoảng cách. Trong khuôn viên đầy nắng, ngôi nhà bên đường Phùng Chí Kiên chỉ còn là câu chuyện của ông già dẫn sử với tôi - lớp trẻ lớn lên thời hậu chiến.
Ông nói rất nhiều vềtư tưởng quân sự của Bác, về tài thao lược của Anh Văn (Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp), nói về các tướng lĩnh, những cán bộ cấp dưới đã cùng ông lăn lộn khắp các chiến trường và nóirất ít về mình. Câu chuyện chỉ giúp tôi hình dung một chút rất nhỏ về vị tướng mưu lược, quyết đoán gắn với những sự kiện lịch sử đầy biến động của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và những chiến trường ác liệt trên đường đi tới thắng lợi .
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, tên thật là Tạ Thái An sinh năm 1921, tại làng Cao, xã Bảo Khê, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Lớn lên, ông học tại trường Thăng Long, được nhiều thầy giáo nổi tiếng giáo dục lòng yêu nước, trong đó có thầy Võ Nguyên Giáp, ra trường, ông trở về Tràng Định hoạt động cách mạng. Đến năm 1941, ông được Bác Hồ cử đi học tại trường quân sự ở đệ tứ chiến khu Liễu Châu, một phân hiệu của trường quân sự Hoàng Phố nổi tiếng Trung quốc cùng với những tướng lĩnh kiệt xuất của quân đội như Hoàng Văn Thái, Đàm Quang Trung...
Học xong, năm 1945 ông về nước tham gia Tổng khởi nghĩa. Cách mạng tháng Tám thành công, năm 1945 - 1946 ông được cử thay tướng Nguyễn Bình (vào Nam), giữ chức Tư lệnh Chiến khu 3, năm 1948 - 1950 thay tướng Nguyễn Sơn giữ chức Tư lệnh Chiến khu 4, năm 1950 ông làm Đại đoàn trưởng đại đoàn 304, cuộc đời binh nghiệp kéo dài tới năm 1995 khi ông rời Viện chiến lược - bộ Quốc phòng về hưu.
Tham gia trăm trận nhưng dấu ấn đậm nhất của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo có lẽ là chiến trường Tây Nguyên. Vạch lên trang giấy nhỏ tấm bản đồ của vùngmái nhà Đông Dương, ông kể cho tôi nghe từng trận đánh với nghệ thuật quân sự tuyệt vời mang đậm dấu ấn Việt Nam như bọc sau lưng địch, gài bẫy vu hồi trong chiến dịch Đắc Tô 1967, “điệu hổ ly sơn” trong Đắc Tô - Tân Cảnh (1972),dụ địch vào mục tiêu giả, nhanh chóng công kích giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất, rồi việc nghi binh, gạn lọc tình huống đặc sắc trong chiến dịch Tây Nguyên (1975)...
Mười năm trên chiến trường Tây Nguyên ông luôn đau đáu về phương Nam với mong muốn tập trung một lực lượng đủ lớn, đủ mạnh không chỉ giải phóng Buôn Ma Thuột, mà còn có thể đánh dài ngày, đánh bại lực lượng phản kích, tạo cục diện mới trên chiến trường. Và rồitên tuổi của ông đã gắn chặt với mảnh đất Tây Nguyên lịch sử, với chiến dịch Tây Nguyên lừng lẫy nằm trong thắng lợi chung của toàn bộ cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975. Trong cuốn Tổng hành dinh trong Mùa Xuân toàn thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết “Trong một buổi làm việc, anh Hoàng Minh Thảo với nhãn quan một nhà nghiên cứu khoa học quân sự đã nêu: Khi đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên, trước hết nên đánh Buôn Ma Thuột, vì đây là một thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi địch sơ hở nhất, và có khả năng phát triển xuống đồng bằng”. Thế nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, vị tướng già không hề nói về mình cũng như về đề xuất chọn Buôn Ma Thuột là đònđánh phủ đầulàm rung chuyển chiến trường mà ý nghĩa lịch sử của nó, chúng ta đều đã biết.
Trong câu chuyện với tôi, thỉnh thoảng ông xen thêm một vài từ tiếng Pháp, có lúc ông dừng lại ghi mấy dòng chữ Hán vào tờ giấymột mặt trên bàn, có lúc chuyện đứt quãng trong hồi ức và suy tư với những tên đất, tên người. Trong tôi, vị tướng huyền thoại bỗng trở thành một ông giáo dạy sử uyên thâm và nhân văn vô hạn. Và tôi cũng được biết nếu Thượng tướng Hoàng Minh Thảo được đánh giá cao trong tư cách một nhà chỉ huy quân sự giàu tài năng bao nhiêu thì ông cũng được đánh giá như vậy trong tư cách một nhà nghiên cứu khoa học quân sự, một nhà sư phạm quân sự.
Hơn 30 năm được chỉ định đứng đầu các cơ sở đào tạo quân sự của Quân đội ta (kể từ những năm đầu tiên các cơ sở này được thành lập), với những bài giảng sinh động, gắn chặt với thực tiễn, ông đã góp sức đào tạo hàng vạn cán bộ trung cao cấp của quân đội. Trong đó có nhiều tướng lĩnh đang đảm trách cương vị lãnh đạo các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng. Và những điều nhiều người chưa biết là trong kháng chiến chống Mỹ, quân đội ta đã áp dụng 3 hình thức chiến thuật mới thì hai trong đó được hình thành từ chiến trường Tây Nguyên là vận động tiến công kết hợp chốt; vận động bao vây tiến công liên tục. Trong cuốn “Sự lừa dối choáng lộn”, tác giả Mỹ Neil Sheehan nhận xét: Đây là những chiến thuật đánh vào đầu rắn, lúc nào cũng mới vì sử dụng bất ngờ, được sáng tạo và dẫn dắt bởi một trong những tướng tài nhất của Việt Nam là Hoàng Minh Thảo...
Câu chuyện cứ dài ra, việc thời bình của vị tướng già là những cuốn sách đồ sộ về lý luận quân sự được tổng kết qua thực tiễn đấu tranh hào hùng của dân tộc cũng như của chính bản thân Thượng tướng trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. Chuyện của vị tướng già và cánh nhà báo trẻ tưởng như không còn xa cách nữa, chuyện riêng chung, chuyện gia đình. Ông bảo: Thời chiến tranh, nhiệm vụ chung đặt lên tình cảm riêng, những mùa mưa dầm dề trong chiến trường cũng không mấy khi dám nghĩ về gia đình. Còn bây giờ có thời gian nhiều hơn nhưng khuyết điểm của tôi vẫn là “dành” công việc gia đình cho vợ quyết, xây nhà ra sao, sắp xếp đồ đạc thế nào bà ấy làm hết. Bên chén trà bà mới pha, ông cười hiền, bà cũng cười hiền. Bà nói: Nhà tôi hiền lắm, thương con lắm, các con chúng tôi đều đã trưởng thành, anh con thứ hai đang theo nghiệp bố... Tôi thực sự cảm thấy ấm áp bên vị tướng hiền minh, thật sự xúc động trước tình cảm của ông dành cho bà, cả cho tôi - đứa trẻ lớn lên thời hậu chiến.
Sau này tôi có thêm nhiều dịp tiếp xúc với ông hơn, mỗi lần đượcgặp lại ông là một câu chuyện mới mẻ, khi thì chuyện tình hình thế giới, lúc là một bài báo, thậm chí những chi tiết nhỏ của một bài báo, ông đều đưa ra những nhận xét xác đáng và thật sự hàm xúc. Không chỉ có tầm bao quát rộng lớn trên nhiều vấn đề, ông còn quan tâm đến những chi tiết nhỏ nhất từ đời sống xã hội, những vấn đề nóng bỏng của thời hội nhập hôm nay. Tư duy không ngừng vớilý luận sâu sắc, ông để lại trong tôi những ấn tượng mạnh mẽ.
Hôm nay, tôi lại qua đường Phùng Chí Kiên, căn nhà của vị tướng huyền thoại trong tôi vắng bóng ông rồi nhưng trong tôi vẫn ấm mãi tình cảm về một vị tướng minh triết, một vị tướng nhân văn mà không chỉ riêng tôi kính phục.
Xuân Trường
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.