Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vị thế của báo in trong thời đại 4.0

Hoài Thanh| 20/06/2023 15:06

(HNM) - Những năm cuối thế kỷ XX, trong khi ở Việt Nam báo in đang “làm mưa làm gió” thì nhiều chuyên gia truyền thông đã khẳng định, vào khoảng năm 2050 báo in chuyên về tin tức sẽ không còn tồn tại, mà chuyển thành các tạp chí. Tuy nhiên, quá trình tạp chí hóa của báo in sẽ như thế nào thì còn phụ thuộc nhiều vào sự tiến bộ của công nghệ và sự chuyển mình của giới báo chí.

Sức mạnh của tác phẩm báo chí dữ liệu.

Thế kẹt của báo in

Mọi chuyện đang diễn ra nhanh hơn dự đoán. Mặc dù ở Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ về số lượng báo in dừng xuất bản, nhưng tất cả các cơ quan báo chí đều đã chuyển sang đa loại hình, trong đó nổi bật là kênh xuất bản điện tử. Tuy nhiên, có tới hơn 80% sử dụng mạng xã hội để phân phối nội dung, có nghĩa là báo mạng xuất bản trên web cũng đã lạc hậu.

Hiện nay, các cơ quan báo chí ở Việt Nam đang đứng trước thách thức vô cùng lớn. Nhiều tờ báo in xuất bản hằng ngày "lùi xuống" xuất bản hằng tuần, báo tuần "lùi xuống" tháng. Hầu hết các báo địa phương và báo ngành chỉ phát hành đủ số lượng phân phát theo kế hoạch ngân sách bao cấp. Những tên tuổi trên thị trường một thời như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Lao Động, Tiền Phong cũng đang bị đẩy vào thế cầm cự. Thậm chí, có “đặc quyền” riêng như các tạp chí hàng không, độc giả có nhiều thời gian trên máy bay để đọc báo, cũng bắt đầu chuyển sang bản điện tử.

Trên bình diện quốc tế thì đã hoàn toàn rõ ràng. Những “ông lớn” như New York Time, Washington Post, Lemonde, El Pais... đều phải cắt giảm sản lượng in. Hầu hết các tờ báo lớn này đều đã hoàn tất thu phí bản điện tử với giá khoảng 0,25 UDS/tuần và 20 USD/năm. Rất nhiều báo in ở châu Âu và Bắc Mỹ lâm vào tình trạnh suy giảm mạnh. Các tờ báo in nổi tiếng kể trên trong vòng 15 năm qua đã giảm số trang một cách đáng kể, thậm chí giảm tới hơn một nửa số trang và gần như chỉ còn bài và tin sâu chứ không có tin vắn.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã giáng thêm một đòn nặng cho báo in. Ở Việt Nam, trong thời gian đại dịch bùng phát, người ta đã chứng kiến nhiều tờ báo, tạp chí phải tạm dừng bản in và có nhiều tờ đến giờ vẫn đang loay hoay với câu chuyện xuất bản lại hoặc giảm kỳ. Tính đến cuối năm 2021, doanh thu khối báo chí vốn đã rất ít lại bị giảm tới 30%, chủ yếu do sự suy giảm của báo in.

Những tờ báo tự chủ về tài chính đang bị áp lực doanh thu đè nặng. Giá báo thì không tăng, và cũng khó tăng, in ít có thể lỗ, nguồn thu từ quảng cáo hết sức khó khăn. Việc xuất bản báo in như một cái máy ngốn tiền liên tục không thể dừng nhưng số lượng phát hành giảm 25 - 50%, doanh thu quảng cáo giảm hơn 60%.

Những thế mạnh cần khơi dậy

Như chúng ta đã biết, báo chí là phụng sự độc giả; lợi ích mà tờ báo đem lại cho độc giả là yếu tố giữ chân bạn đọc. Vậy, đâu là chìa khóa lợi ích của báo in?

Lợi thế của báo và trang tin điện tử là đọc nhanh và thuận tiện, nhưng trước những vấn đề lớn, những chuỗi bài chuyên đề, những bài dạng magazine (longform) cần đọc một cách nghiêm túc, lật đi lật lại để hiểu các góc độ thông tin, các phân tích bình luận và tổng hợp, xâu chuỗi các nội dung phức tạp thành nhận định riêng cho độc giả thì báo in vẫn là lựa chọn hấp dẫn. Để đọc hiểu một chuyên đề với nhiều bài nhỏ tới vài ngàn từ cộng với xem và phân tích các sơ đồ, biểu đồ để nắm được dữ liệu liên quan thì bản đọc điện tử sẽ làm người xem mỏi mắt, mất kiên nhẫn, dẫn đến hiểu không sâu về nội dung của bài viết.

Một trong những điểm “hot” của báo chí hiện tại là báo chí dữ liệu. Thực chất, báo chí dữ liệu là tổng hợp một lượng dữ liệu lớn dưới cách kể khoa học, mới mẻ, mang lại cho độc giả cảm giác (ảo) tự do nắm bắt vấn đề theo cách riêng. Việc hình ảnh hóa các dữ liệu, sắp xếp chúng với nhau giúp cho việc chuyển tải thông tin tốt hơn, dễ hiểu hơn, đồng thời tạo ra các mối liên kết đa chiều giữa các dữ liệu đó.

Với cách đọc tin thông thường, độc giả sẽ gặp khó khăn để có thể tập hợp được lượng thông tin rộng, đa dạng, phức tạp rồi chắt lọc, chuyển hóa hướng tới nhận thức về một nội dung cụ thể. Trong thế giới thông tin khổng lồ, thậm chí nhiễu loạn, họ khó có thể tự làm được việc đó. Những nhà báo có trong tay các nguồn thông tin, các công cụ phân tích, tầm nhìn bao quát sẽ giúp độc giả nhìn ra nhiều chiều cạnh khác nhau trong một khoảng thời gian ngắn nhất.

Thế mạnh điện tử tuy chiếm lĩnh mảng đọc nhanh nhưng nhóm kiến thức chuyên sâu như tạp chí khoa học, kiến thức chuyên ngành vẫn được định giá khá cao, thậm chí được bán tới từng bài viết. Nhiều tạp chí khoa học, kinh tế, nghiên cứu văn hóa... vẫn bán tới vài USD với mỗi bài viết. Có thể thấy, một lực lượng độc giả đáng kể đã và đang tỏ ra chán nản với thông tin mạng.

Làm cách nào để thực hiện?

Tại tòa soạn của các “ông lớn” quốc tế từ lâu đã có nhóm phân tích dữ liệu được tuyển chọn từ chuyên ngành số liệu, tin học... Họ là các chuyên gia thu thập, thực hiện phân tích những biến số phức tạp của số liệu theo yêu cầu của các nhà báo. Thậm chí, họ còn là người đưa ra ý tưởng phân tích, so sánh dữ liệu, số liệu theo những góc độ mới để thấy được vấn đề rõ hơn.

Tiếp tay cho mọi ý tưởng của nhà báo, chuyên gia số liệu là các chuyên viên đồ họa. Chuyên ngành này trên thế giới cũng không hẳn đã phổ biến nhưng phải nói rằng, tư duy hình ảnh, đồ họa hóa thông tin ở các nước phát triển đã đi trước một bước khá dài. Những tác phẩm graphic news được xuất bản ở các tờ báo lớn cực kỳ dễ hiểu, đẹp và phong phú về nội dung. Những chuyên viên đồ họa phục vụ trong các tờ báo thông thạo về kỹ năng đồ họa, đồng thời có tư duy kỹ thuật và khoa học cực kỳ nhạy bén. Họ chính là người viết ra những câu chuyện vô cùng phức tạp, nâng cao giá trị và độ hấp dẫn của thông tin bằng hình ảnh.

Báo in sẽ tiếp tục suy giảm, nhiều tờ báo đã, đang và sẽ chỉ còn bản điện tử. Tuy nhiên, nếu có sự chuyển dịch sang hướng tạp chí hóa, phát triển nhanh báo chí dữ liệu thì báo in sẽ giữ một thị phần đáng kể và là sản phẩm đắt giá, sang trọng, đẳng cấp.

Không có phương pháp tiếp thu thông tin nào biến mất hoàn toàn, những phương cách cũ sẽ bị chia sẻ bởi các phương cách mới và nếu chậm chân thì sẽ bị đè bẹp hoàn toàn. Những sản phẩm truyền thống cũng sẽ phải thay đổi, phát huy thế mạnh cho phù hợp với công nghệ, thói quen tiêu dùng mới nếu không muốn công chúng mất hẳn thói quen sử dụng.

Tiến sĩ Lê Vũ Điệp - giảng viên khoa Đa phương tiện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông:
Báo in sẽ trở thành sản phẩm đặc thù

Tôi cho rằng báo in sẽ phát triển theo hướng trở thành một sản phẩm đặc thù - tức là được cung cấp theo nhu cầu đặc thù của độc giả. Một bộ phận công chúng có nhu cầu đọc báo in có thể “đặt hàng” và sẵn sàng trả phí để được sở hữu tờ báo. Báo in - khác với các loại hình báo chí khác, tồn tại dạng vật chất, do vậy sẽ trở nên đặc biệt trong thời đại 4.0 khi phần đông công chúng lựa chọn tiếp cận thông tin thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại hơn, tiện dụng hơn, nhanh hơn...

Cũng vì tính đặc thù nên độc giả báo in hoàn toàn có thể đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn với các sản phẩm báo in mà họ trả phí, chẳng hạn như phải đẹp hơn, mang dấu ấn cá nhân nhiều hơn, có thể bảo tồn dưới dạng sưu tập… Tôi đang nghĩ tới một dạng dịch vụ thông tin theo kiểu “đo chân đóng giày” bởi họ là những khách hàng kỹ tính. Độc giả của báo in là những người đọc chậm và kỹ lưỡng. Thông tin trên báo in đòi hỏi phải có chiều sâu, thậm chí thông tin rất sâu. Nhà báo tác nghiệp cho báo in, do vậy, có thể phải trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Nhìn từ góc độ kinh tế báo chí, tôi nghĩ báo in có thể cân nhắc hướng đi của một dòng sản phẩm đẳng cấp, thay vì bình bình giá rẻ.

(Nhật Nam lược ghi)

Tiến sĩ Lê Thu Hà - Phó Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền:
Tương lai của báo in gắn với sự dịch chuyển và thay đổi cách thức hoạt động

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến những thuận lợi to lớn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với sự phát triển của báo chí. Đã có nhiều tranh luận xoay quanh câu hỏi về “sự tồn tại của báo in” trên nhiều diễn đàn, từ hội thảo khoa học đến các chuyên luận, bài báo, hay các bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội. Thực tế, trên thế giới, một số tờ báo đã tuyên bố dừng xuất bản báo in. Tuy nhiên, vẫn có nhiều chuyên gia báo chí - truyền thông tin tưởng vào giá trị cốt lõi và bền vững của báo in. Họ cho rằng, môi trường truyền thông xã hội càng ồn ào, phức tạp, càng nhiều tin giả và suy giảm uy tín thì càng có lợi cho báo in, giúp loại hình báo chí này khẳng định được giá trị về sự chính xác, độ tin cậy, và báo in được xem là “thuốc giải độc trước màn hình”.

Tại Việt Nam, tương lai của báo in gắn với sự dịch chuyển và thay đổi cách thức hoạt động, phương thức thể hiện của báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số. Bối cảnh này đặt ra bài toán cho các cơ quan báo in phải có chiến lược phù hợp, đổi mới tư duy về phát triển nội dung thông tin, về mô hình tòa soạn cũng như mô hình kinh doanh, phát hành, hướng tiếp cận công chúng và ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động báo chí...

(Đoan Trang lược ghi)

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng - Phó Trưởng ban Thời Nay, Báo Nhân Dân:
Cạnh tranh về góc nhìn và cách thể hiện

Tôi có chia sẻ với đồng nghiệp khi cùng băn khoăn về thực trạng và tương lai được cho là không mấy sáng sủa của báo giấy. Thì trên đà suy giảm mà nhiều cảnh báo đã đưa ra, có lẽ điều cần làm hơn không phải là ngồi xót thương mà nỗ lực làm tốt hơn cho ấn phẩm còn tồn tại. Thực tế đã phản ánh sôi động về sự mở rộng, phát triển đa dạng báo điện tử, báo hình, báo nói, kết hợp mạng xã hội… trong các cơ quan báo chí, góp phần bổ trợ, thúc đẩy cho báo giấy. Cũng như ngoài hoạt động chuyên môn mang tính truyền thống trên trang báo, thì cơ quan báo chí đã phải mở rộng rất nhiều về hoạt động của mình như quảng cáo, truyền thông, tổ chức sự kiện...

Tôi có mong ước về vấn đề đầu tư phát triển chất lượng nội dung, đổi mới và sáng tạo các chuyên mục trên trang báo nhằm giữ chân độc giả truyền thống, cuốn hút bạn đọc thế hệ mới; nghiên cứu triển khai các phương thức điều phối thông tin, nội dung và phối hợp giữa báo giấy và các loại hình khác trong một cơ quan báo chí., để qua đó tăng tính độc đáo của báo giấy giữa “khu rừng” các sản phẩm thông tin, truyền thông, giải trí. Như vậy, phải có đội ngũ làm nội dung, thiết kế mỹ thuật “chất lượng cao”, có khả năng khai thác sâu những đề tài riêng có, khác biệt, mới mẻ. Không bị nặng về cạnh tranh thông tin, mà cạnh tranh về góc nhìn, cách truyền tải, sự cuốn hút của đề tài. Có lẽ đó là một cách để báo giấy tồn tại lâu hơn.

Tuyết Hạnh (lược ghi)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vị thế của báo in trong thời đại 4.0

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.