Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sự phát triển của Thủ đô

Đình Hiệp| 09/01/2023 07:34

(HNM) - Thời gian qua, thành phố Hà Nội dành hơn 560 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đối với người dân tộc thiểu số và nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số. Từ đây đã xuất hiện những gương sáng học sinh, sinh viên tiêu biểu, đạt nhiều thành tích cao trong học tập với mong muốn đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Thủ đô.

Ban Dân tộc thành phố Hà Nội tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu.

Không ngừng nỗ lực vươn lên

Ban Dân tộc thành phố Hà Nội vừa tuyên dương 130 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu năm học 2021-2022. Là một trong những học sinh được tuyên dương, em Nguyễn Thảo My, dân tộc Mường, học sinh lớp 12A2 Trường Phổ thông dân tộc nội trú Hà Nội cho biết: “Dù là người Mường, Dao hay Thái, Tày, Nùng; dù sống ở vùng núi Ba Vì, ở những xã nghèo của Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ về học tập ở ngôi Trường Phổ thông dân tộc nội trú Hà Nội, chúng em đều nhận được sự quan tâm, tạo mọi điều kiện của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội. Chúng em được học tập, rèn luyện, vui chơi ở ngôi trường khang trang, sạch đẹp, đầy đủ trang thiết bị, được tiếp thu nhiều kiến thức mới; được giao lưu, học hỏi, hòa nhập với các bạn khác để phát triển”.

Đinh Lệ Quyên, sinh viên năm thứ 3 Khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội sinh ra trong một gia đình dân tộc Mường ở xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất). Từ nhỏ điều kiện gia đình gặp nhiều khó khăn nên em luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống cũng như học tập. Với những cố gắng không mệt mỏi, em đã thi đỗ đại học và liên tục giành được học bổng của nhà trường.

“Với chuyên ngành học Kiến trúc, em rất muốn sau khi tốt nghiệp sẽ trở về quê hương làm việc hoặc dành thời gian thiết kế những công trình kiến trúc ý nghĩa cho thành phố. Đặc biệt, em muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc Mường”, em Đinh Lệ Quyên bày tỏ.

Mỗi ngày, em Cao Thanh Hà phải dậy từ sớm để bắt xe buýt từ nhà ở xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) vượt quãng đường 24km đến học tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm). Bố là người dân tộc Mường, mẹ là dân tộc Tày và cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn nên bản thân em luôn phải nỗ lực không ngừng.

“Được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, em hứa sẽ cố gắng học tập, tu dưỡng, rèn luyện trở thành con ngoan, trò giỏi, học sinh thanh lịch, văn minh, là công dân tốt để không phụ lòng tin yêu, chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ, thầy cô và sự quan tâm của các cấp, ngành đến con em đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô Hà Nội”, em Cao Thanh Hà chia sẻ.

Đào tạo thế hệ tương lai người dân tộc thiểu số

Năm 2022 là lần thứ 7 lễ tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu được Ban Dân tộc thành phố Hà Nội tổ chức nhằm ghi nhận những nỗ lực vượt khó, vươn lên trong học tập của học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô. Đây không chỉ là dịp để ghi nhận công lao của các bậc phụ huynh, nhà trường, thầy cô giáo, mà còn cho thấy sự quan tâm của thành phố đối với công tác đào tạo thế hệ tương lai của Thủ đô là người dân tộc thiểu số.

Được biết, thời gian qua thành phố Hà Nội đã dành hơn 560 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số. Tại các xã có người dân tộc thiểu số, miền núi của thành phố hiện có 60 trường học, trong đó có 32 trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở các trường được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại, là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học.

Bày tỏ niềm vui về những thành tích học tập đáng tự hào của học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số được UBND thành phố khen thưởng lần này, thầy Nguyễn Ngọc Đại, giáo viên Trường Trung học cơ sở Ba Trại (huyện Ba Vì) chia sẻ: “Tôi rất vui khi được đón nhận sự quan tâm của thành phố đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

Phó Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hải cho biết, sự quan tâm, đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo ở khu vực có người dân tộc thiểu số, miền núi của thành phố đã tác động trực tiếp đến nhận thức, tình cảm và trách nhiệm của các cấp, ngành, của các dòng họ, trong mỗi gia đình. Đồng thời góp phần thúc đẩy việc dạy và học trong các nhà trường, khơi dậy ý thức vươn lên trong học tập của học sinh. Các học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố luôn nỗ lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu học tập, rèn luyện để đạt được thành tích cao, trở thành công dân tốt để đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sự phát triển của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.