(HNM) - Hội thảo khoa học quốc tế
Hà Nội ngày càng phát triển, xứng tầm với vị thế của Thủ đô 1000 năm tuổi. Ảnh: Bảo Lâm |
Tình yêu đặc biệt dành cho Hà Nội
"Tôi đến Hà Nội lần đầu tiên năm 1986 để học tiếng Việt tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thật là một sự trùng lặp, khi đó tôi cũng rất hay đọc Báo Hànộimới để cập nhật thông tin về Hà Nội, Việt Nam. Từ đó đến nay tôi thường xuyên đến Hà Nội để làm việc với một số cơ quan của Việt Nam. Nếu so với khoảng thời gian cách đây 24 năm, Hà Nội bây giờ phát triển quá nhanh. Không thể tưởng tượng nổi !" - GS-TS Momoki Shiro, Tiểu ban Lịch sử Phương Đông, bộ môn lịch sử thế giới Đại học Quốc gia Osaka (Nhật Bản) chia sẻ. GS-TS Momoki Shiro cũng cho biết, một trong những lý do khiến ông đi sâu nghiên cứu lịch sử Hà Nội, trong đó có Hoàng thành Thăng Long và trở lại Việt Nam nhiều lần là vì tình yêu đặc biệt dành cho Hà Nội.
Khác với GS-TS Momoki Shiro, GS-TS William Logan, Đại học Deakin, Melbourne (Australia) lại thể hiện tình yêu Hà Nội bằng nhiều ý kiến tâm huyết tại hội thảo này cho việc bảo tồn các di tích lịch sử của Hà Nội. "Tôi cho rằng việc đào tạo các chuyên gia bảo tồn của Hà Nội cần phải tiếp tục được đặt ra. Bên cạnh đó, việc liên kết quốc tế với các nhà quản lý di tích và các nhà hoạch định chính sách di sản trên thế giới là rất cần thiết và quý báu" - GS-TS William Logan nói.
Vì sự phát triển bền vững của Thủ đô
GS-TS William Logan nhận định, Hà Nội sẽ gặp những khó khăn và thách thức trong những năm tới khi những phương pháp bảo vệ thích hợp, hệ thống quản lý nghiêm ngặt... được đặt ra với các di sản văn hóa. Và cùng với đó là áp lực về du lịch. Nếu không nhìn nhận vấn đề này đúng mức, các di sản của Hà Nội, trong đó có Hoàng thành Thăng Long, có thể có nguy cơ trượt ra khỏi danh sách di sản thế giới như đã từng xảy ra với thung lũng Elbe ở Dresden (Đức) năm 2009 do việc xây dựng một cây cầu đường bộ có bốn làn xe đã ảnh hưởng lớn đến cảnh quan nơi đây.
GS-TS Momoki Shiro cho rằng, sự phát triển của Hà Nội hiện nay đáng trân trọng, nhưng điều đó không có nghĩa tương lai cũng sẽ như vậy. "Tôi đồng quan điểm với nhiều ý kiến rằng, để phát triển bền vững hơn, Hà Nội cần chú trọng bảo tồn các di sản, giá trị văn hóa khi phải đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai về dân số, môi trường... Tôi mong Hà Nội tiếp tục phát triển nhưng vẫn giữ được những giá trị lịch sử đó" - GS-TS Momoki Shiro nói.
Nhiều nhà khoa học quốc tế tham dự hội thảo gợi ý, việc thành lập một viện, trung tâm nghiên cứu hoặc "khoa Hà Nội học" trong trường đại học nào đó của Hà Nội là cần thiết. Theo GS-TS Momoki Shiro, thành phố cần có những hình thức phù hợp để khuyến khích, động viên, thu hút ngày càng nhiều bạn trẻ kế thừa những lớp người đi trước, tiếp tục nghiên cứu về Hà Nội.
Đến với hội thảo khoa học này có khoảng 600 đại biểu, trong đó hơn 140 người là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu rất sâu về Hà Nội. GS-TS Momoki Shiro, GS-TS William Logan chỉ là hai trong số những người đã dành rất nhiều thời gian, tâm sức nghiên cứu về Hà Nội. Có thể gọi họ là những "nhà Hà Nội học", không chỉ bởi những nghiên cứu của họ về Hà Nội, trên hết là một tình yêu dành cho Hà Nội. Những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của các nhà nghiên cứu tại hội thảo này sẽ là những luận cứ khoa học mang tính gợi mở, vì sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.