Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao xử lý vi phạm đê điều hiệu quả thấp?

Kim Văn| 04/01/2017 07:04

(HNM) - Mặc dù thành phố chỉ đạo không để phát sinh, kiên quyết xử lý vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi nhưng năm 2016 các địa phương vẫn để xảy ra 360 vụ và chỉ xử lý được 35 vụ.

Đổ đất thải, tập kết cát sỏi, xây dựng trạm trộn bê tông trong hành lang thoát lũ sông Đuống tại xã Dương Hà (huyện Gia Lâm).


Để bảo vệ công trình phòng, chống lũ lụt trên địa bàn Hà Nội, năm vừa qua, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy lợi đã ban hành 10 văn bản, UBND thành phố ban hành 30 văn bản, Sở NN&PTNT ban hành 68 văn bản, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão ban hành 108 văn bản… yêu cầu, đề nghị, đôn đốc các địa phương ngăn chặn, xử lý vi phạm. Điển hình, vi phạm tại bãi đá sông Hồng, thuộc địa bàn phường Nhật Tân, Tổng cục Thủy lợi và UBND TP Hà Nội ban hành 5 văn bản, Sở NN&PTNT ban hành 9 văn bản, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão ban hành 9 văn bản yêu cầu, đề nghị, đôn đốc quận Tây Hồ nhưng đến nay vi phạm tại khu vực này vẫn chưa được xử lý triệt để.

Tương tự là tình trạng đổ đất thải, xây dựng trạm trộn bê tông vào hành lang sông Đuống tại xã Dương Hà, huyện Gia Lâm; tập kết vật liệu, xây dựng công trình trong hành lang thoát lũ tại phường Giang Biên, Bồ Đề, quận Long Biên… Chính vì sự thiếu quyết liệt này mà kết thúc năm 2016, các địa phương mới xử lý được 17 vụ vi phạm Luật Đê điều; 19 vụ vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi… Huyện xử lý được nhiều vụ vi phạm nhất là Ứng Hòa với 5 vụ, Quốc Oai 4, Đông Anh 2… Những kết quả xử lý này là rất thấp so với số vụ vi phạm phát sinh.

Năm 2016, 17 hạt quản lý đê và 5 doanh nghiệp thủy lợi phát hiện 233 vụ vi phạm Luật Đê điều, 124 vụ vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi. 20/26 quận, huyện, thị xã có đê để xảy ra vi phạm.

Địa phương xảy ra nhiều vi phạm nhất là huyện Ứng Hòa với 75 vụ, Quốc Oai 22, Sóc Sơn 18, Phú Xuyên 16, Ba Vì 15… Hình thức vi phạm phổ biến là đổ đất áp trúc vào mái, cơ đê; xây dựng công trình, nhà ở trong hành lang bảo vệ đê; tập kết vật liệu xây dựng, đổ rác thải lên cơ đê; khai thác, tập kết cát, sỏi không đúng quy định…

Các cơ quan quản lý chuyên ngành và địa phương đều cho rằng, nguyên nhân dẫn tới nhiều vi phạm là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đê điều, thủy lợi chưa hiệu quả; người dân cố tình vi phạm, thậm chí vi phạm nhiều lần… Ngoài ra, nhiều vi phạm đê điều nằm trên phần đất thổ cư được cấp cho các hộ dân theo Luật Đất đai nên các chủ hộ thường chây ỳ, không thực hiện nghiêm các quyết định xử phạt hành chính… Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cán bộ quản lý đê chuyên trách, quản lý đê nhân dân và chính quyền cơ sở chưa chặt chẽ dẫn đến chậm phát hiện, không xử lý kịp thời; chính quyền một số địa phương, chưa chủ động vào cuộc, còn đùn đẩy trách nhiệm trong việc xử lý các hành vi vi phạm… Vai trò của người đứng đầu ở các địa phương cũng chưa quyết liệt nên chưa tạo được sự chuyển biến trong quản lý và xử lý vi phạm ở các địa phương.

Để giải quyết dứt điểm, không phát sinh vụ việc mới, giữ nghiêm kỷ cương pháp luật, năm 2017, Bộ NN&PTNT cần sớm điều chỉnh, ban hành nghị định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi. Các quận, huyện, thị xã và sở, ngành liên quan cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm; đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra nhiều vi phạm, không xử lý kịp thời.

Các sở, ngành, địa phương liên quan cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành pháp luật đê điều, thủy lợi nhất là đối với các hộ đang sinh sống ven sông, ven đê. Đi đôi với biện pháp trên, các địa phương cần huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các tuyến đường gom ven đê, ven sông tạo thuận tiện cho nhân dân trong sinh hoạt, đi lại, tránh tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ đê; bố trí kinh phí thực hiện tái định cư cho các hộ dân có công trình, nhà ở vi phạm Luật Đê điều nhưng nằm trong diện tích đất thổ cư đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao xử lý vi phạm đê điều hiệu quả thấp?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.