Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao vừa mưa đã ngập?

Gia Khánh| 26/05/2016 05:36

(HNM) - Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, nguyên nhân ngập do mưa quá lớn, mặt khác đây là khu vực thiếu hạ tầng thoát nước. Và mưa to -

Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, nguyên nhân ngập do mưa quá lớn, mặt khác đây là khu vực thiếu hạ tầng thoát nước. Và mưa to - "phố biến thành sông" vẫn là câu chuyện dài khi Hà Nội chưa có hệ thống thoát nước đồng bộ.

Mưa to kéo dài gây ngập lụt trên đường Phạm Hùng... Ảnh: Khánh Huy

... và ùn tắc giao thông trên đường Tây Sơn. Ảnh: Như Ý


Năng lực thoát nước yếu: Đường phố thành "sông"

Hằng ngày phải vào Hà Đông làm việc, anh Đặng Duy Điệp, phố Linh Lang, quận Ba Đình, cho biết, sáng 25-5, trên trục đường Lê Văn Lương có nhiều đoạn bị ngập, không thể đi được; vòng sang đường Trần Duy Hưng, Phạm Hùng, cũng rơi vào cảnh tương tự. "Thấy nhiều xe ô tô chết máy giữa "biển" nước nên tôi không dám di chuyển, đành quay xe về, rồi xin phép đến muộn". Bà Lê Xuân Hòa, Ngõ 41 Thái Hà, quận Đống Đa cho biết, nước tràn cả vào nhà, ngập từ 30 đến 40cm, tràn vào cả bể nước sinh hoạt.

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, đến 9h ngày 25-5, mặc dù mưa tạnh đã lâu nhưng giao thông trên nhiều phố khu vực Cầu Giấy, như Trần Thái Tông, Duy Tân, Dương Đình Nghệ, Dịch Vọng Hậu… vẫn rối loạn vì đường ngập. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Lê Vũ Quảng Sương cho biết, lượng mưa đo được ở nhiều điểm trên địa bàn thành phố từ 23h ngày 24 đến 4h30 ngày 25-5 đều xấp xỉ 200mm. Mưa lớn trên diện rộng, vượt quá khả năng của hệ thống thoát nước, lại chịu ảnh hưởng của các công trình hạ tầng kỹ thuật đang thi công, như mương Vĩnh Tuy, Thụy Khuê, Nghĩa Đô, Phương Mai, mương và hồ Tân Mai… nên xảy ra úng ngập diện rộng. Các điểm tại phố Trần Bình, Phan Văn Trường, Hoàng Quốc Việt (trước Đại học Điện lực), ngã ba Dương Đình Nghệ - Nam Trung Yên, phố Hoa Bằng (quận Cầu Giấy); phố Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Trãi (trước Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), phố Triều Khúc (quận Thanh Xuân)… ngập sâu đến 0,5m. Vẫn theo ông Sương, đến 7h ngày 25-5, nhiều vị trí úng ngập trong khu vực 4 quận cũ của nội thành cơ bản rút nước, song khu vực phía Tây nước rút chậm do mực nước Sông Nhuệ dâng cao. "Trạm bơm Đồng Bông I và II đều vận hành hết công suất nhưng mực nước Sông Nhuệ lên tới hơn 5,8m nên nước khó rút được nhanh" - ông Sương nói.

Công nhân thoát nước giúp đỡ người dân qua khu vực ngập lụt. Ảnh: Tiến Tuấn


Phải đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước

Theo ông Lê Vũ Quảng Sương, thành phố có 3 kịch bản xử lý úng ngập. Thứ nhất, khi mưa dưới 50mm (cơ bản không có điểm ngập). Thứ hai, mưa lớn từ 50mm đến 100mm (12 quận nội thành có 16 điểm ngập); thứ ba, mưa rất lớn từ 100mm trở lên, thành phố có nhiều điểm ngập do vượt quá khả năng tiêu thoát của hệ thống.

Với kịch bản thứ ba, Công ty Thoát nước huy động 100% lực lượng trực tại các trọng điểm ngập để khơi thông dòng chảy; vận hành tối đa công suất Trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông I và II, đồng thời bố trí các tổ bơm di động, xe hút, xe phản lực hỗ trợ năng lực tiêu thoát của hệ thống, giảm thiểu thời gian ngập. Tuy nhiên, việc duy trì, ứng trực chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài các khu vực này cần đầu tư hệ thống thoát nước hoàn chỉnh. Liên quan đến các công trình hạ tầng đang thi công, ông Lê Vũ Quảng Sương nói, Công ty Thoát nước đã đề nghị các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc thỏa thuận dẫn dòng trong quá trình thi công; sớm bàn giao hoặc thanh thải dòng chảy tuyến cống hóa mương, tuyến cống lớn đã có khả năng thoát nước… để vận hành thoát nước đô thị. Nếu công việc trên không được thực hiện đúng tiến độ sẽ phát sinh các điểm úng ngập mới.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, việc hoàn thành nhiều hạng mục thuộc Dự án thoát nước giai đoạn II, như nâng công suất Trạm bơm Yên Sở, hay đưa vào sử dụng hàng chục kilômét tuyến cống… đã giải quyết được nhiều điểm ngập trong nội thành. Tuy nhiên, chu kỳ bảo vệ của Dự án thoát nước giai đoạn II được tính toán là 10 năm với sông, mương, ứng với lượng mưa 310mm/2 ngày (giai đoạn I là 172mm/2 ngày); 5 năm đối với hệ thống cống, ứng với lượng mưa 70mm/giờ. Vì vậy, với những trận mưa lớn, dồn dập như trong đêm 24, rạng sáng 25-5, thì ngập úng cục bộ khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, bản thân tiến độ của Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II cũng đang đứng trước nguy cơ “lụt tiến độ”. Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội Phạm Văn Cường, một số hạng mục của Dự án này chậm tiến độ do khối lượng giải phóng mặt bằng của dự án quá lớn, trải dài trên địa bàn 8 quận, huyện, với 9.000 phương án. Mặt bằng nhiều đoạn bàn giao "xôi đỗ", không liền tuyến, phải điều chỉnh phương án thi công. Tuy nhiên, về cơ bản toàn bộ dự án sẽ phấn đấu hoàn thành vào tháng 6-2016 theo kế hoạch điều chỉnh đã được thành phố và nhà tài trợ Nhật Bản chấp thuận.

Cũng theo ông Võ Nguyên Phong, khu vực Vành đai 3 và lưu vực Sông Nhuệ, nước ngập rút chậm hơn do hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều nơi còn phụ thuộc tiêu thoát tự chảy. Đây là vấn đề thành phố đang tiếp tục tập trung khắc phục.

Cho rằng cần phải đầu tư lớn, đồng bộ toàn hệ thống thoát nước mới giải quyết được tình trạng úng ngập, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị đề nghị: Trước hết, Hà Nội phải có thêm trạm bơm đầu mối thoát nước ra Sông Hồng; cùng với đó phải có các trạm bơm cục bộ đẩy nước ra hệ thống sông Tô Lịch, Kim Ngưu… để về trạm bơm đầu mối. Tiếp đến, cần cải tạo, bổ sung hệ thống hồ điều hòa chứa nước mặt. Tình trạng ngập hiện nay do hồ điều hòa thiếu, nước tiêu không kịp. 

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) Nguyễn Vĩnh Liên:

Giải pháp chống úng ngập khu vực nội thành liên quan chặt chẽ đến việc vận hành Trạm bơm Yên Sở và hệ thống thủy lợi Sông Nhuệ. Bởi khu vực bờ hữu Sông Nhuệ (Đan Phượng, Hoài Đức và một phần quận Bắc Từ Liêm) địa hình rất cao và thủy thế thấp dần từ phía tả Sông Đáy và Sông Nhuệ nên khi có mưa lớn nước dồn về làm mực nước Sông Nhuệ đoạn từ Liên Mạc đến Hà Đông tăng lên rất nhanh, mặt khác lòng Sông Nhuệ từ Khánh Hà đến Cầu Chiếc (Thường Tín) bồi lắng, lòng sông hẹp nên nước Sông Nhuệ từ Liên Mạc đến Hà Đông tiêu thoát về hạ lưu chậm.

Lần ngập úng này, mực nước đo được trên Sông Nhuệ tại khu vực Hà Đông là 5,40m, thời điểm 7h sáng 25-5, Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ đã chỉ đạo vận hành Trạm bơm tiêu Vân Đình bơm ra Sông Đáy; đồng thời phối hợp với Công ty thoát nước Hà Nội mở đập Thanh Liệt vận hành Trạm bơm Yên Sở… Tính đến 16h ngày 25-5, mực nước Sông Nhuệ tại Hà Đông chỉ còn khoảng 5,13m và đang tiếp tục giảm… Hai Trạm bơm Vân Đình và Yên Sở vận hành hết công suất liên tục cả ngày và đêm 25-5, nếu trời không mưa thì trong ngày 26-5 sẽ xử lý triệt để các điểm ngập úng cục bộ trong lưu vực Sông Nhuệ. Các doanh nghiệp thủy lợi thành phố đã vận hành hơn 252 máy bơm ở 47 trạm bơm tiêu úng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ.

Kim Văn

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao vừa mưa đã ngập?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.