(HNM) - Trước áp lực tồn ứ rác thải trên địa bàn huyện Chương Mỹ, từ năm 2007, Công ty Môi trường đô thị (MTĐT) Xuân Mai đã có đơn đề nghị UBND tỉnh Hà Tây (cũ) mở rộng khu xử lý rác thải Núi Thoong (trong đó có dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong theo công nghệ chế biến rác thay thế phương pháp chôn lấp cũ).
Sau sự cố thủng đáy ô chôn lấp số 2 làm rò rỉ nước rác cuối tháng 8-2008 và bị người dân ngăn cản không cho chôn lấp, từ đó đến nay khu xử lý rác thải Núi Thoong tạm dừng hoạt động. Điều này khiến cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn huyện Chương Mỹ và một số xã, thị trấn của huyện Quốc Oai gặp nhiều khó khăn do thiếu nơi xử lý tập trung. Được sự chấp thuận của UBND thành phố, Công ty MTĐT Xuân Mai tiến hành triển khai dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong. Ông Nguyễn Đăng Hùng, Trưởng phòng TN&MT huyện Chương Mỹ cho biết, trên diện tích 10,4ha (2ha đất cho khu xử lý rác thải Núi Thoong giai đoạn I và 8,4ha là diện tích mở rộng giai đoạn II, chủ đầu tư sẽ xây dựng nhà máy chế biến rác làm phân complus và đốt chất thải vô cơ thay thế phương pháp chôn lấp cũ. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 17,5 triệu USD. Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công trong tháng 10-2011, hoàn thành vào tháng 7-2012.
Xác định rõ tầm quan trọng của dự án và xét đề nghị của chủ đầu tư, ngày 22-9-2011, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh đã ký Công văn số 8076/UBND-TNMT giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện Chương Mỹ giúp chủ đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án khu xử lý rác thải Núi Thoong. UBND TP yêu cầu, UBND huyện Chương Mỹ có trách nhiệm tập trung chỉ đạo công tác GPMB của dự án..., không để người dân ngăn cản thi công...
Qua tìm hiểu tình hình, đến nay, công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB vẫn chưa hoàn thành vì còn 4/11 hộ chưa nhận tiền bồi thường. Ghi nhận của phóng viên Hànộimới, tại khu xử lý rác thải Núi Thoong, các hạng mục công trình bên ngoài khu xử lý rác thải Núi Thoong như: đường vào, tường bao đều xây dựng dở dang xung quanh khu vực dự án vẫn nằm đắp chiếu... Nguyên nhân chính là trong quá trình thi công, chủ đầu tư chưa nhận được sự hợp tác của nhân dân địa phương.
Tất cả các khâu đều chậm
Có thể thấy dự án triển khai bị chậm ở hầu hết các khâu công việc. Mặc dù triển khai đã lâu nhưng đến ngày 4-10-2011, Công ty MTĐT Xuân Mai mới hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ có liên quan trình các sở, ngành liên quan xem xét, thẩm tra để cấp giấy chứng nhận đầu tư. Ông Nguyễn Ngọc Oanh lý giải, sự chậm trễ này là do quá trình hợp nhất, cơ chế, chính sách giữa TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây cũ khác nhau dẫn đến hàng loạt giấy tờ của dự án phải làm lại. Hai là việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án mất quá nhiều thời gian, theo quy định chỉ mất 15 ngày, nhưng việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này đã mất tới 13 tháng 9 ngày; cạnh đó, việc thẩm định công nghệ cũng tăng 2 tháng so với quy định... Theo ông Oanh, đến nay mọi việc cơ bản đã hoàn tất, trong tháng 10-2011, Sở KH&ĐT sẽ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án.
Trong khi chủ đầu tư dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong đưa ra lý do làm chậm dự án là chưa có mặt bằng "sạch" để có thể khởi công (tháng 10-2011) thì đại diện UBND huyện Chương Mỹ lại đưa ra quan điểm trái chiều: "Công tác GPMB dự án này rất phức tạp, nhạy cảm, vì vậy cần phải có đầy đủ các thủ tục như giấy phép đầu tư... làm cơ sở tuyên truyền vận động nhân dân". Địa phương lo ngại rằng nếu GPMB xong, đất đai bị để hoang sẽ nảy sinh những vấn đề phức tạp, bởi dự án này từng là điểm nóng gây khiếu kiện kéo dài do sự chống đối, thiếu hợp tác của một bộ phận người dân địa phương. Như vậy có thể thấy sự đồng thuận giữa chính quyền sở tại và chủ đầu tư chưa cao nên dự án chưa được đẩy nhanh.
Đề cập đến những ý kiến cho rằng, chủ đầu tư không đủ năng lực để thực hiện dự án, ông Oanh khẳng định hiện dự án không gặp khó khăn về huy động vốn. Ngoài vốn của công ty và vốn liên danh với đối tác nước ngoài, Công ty MTĐT Xuân Mai đang đề nghị được vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển thành phố và Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để thực hiện dự án. Ông Oanh cho rằng, trong tháng 10, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư sẽ được thực hiện, vì vậy việc quan trọng nhất lúc này là quyết liệt trong công tác GPMB. Để dự án không chậm quá lâu so với tiến độ, UBND huyện Chương Mỹ cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong công tác GPMB để có đất sạch triển khai dự án.
Ông Nguyễn Đăng Hùng cho biết, để giải quyết lượng rác không còn nơi chôn lấp do sự cố tại khu xử lý rác thải Núi Thoong, 20/32 xã, thị trấn của huyện Chương Mỹ đã xây dựng 27 điểm tập kết rác thải tạm thời, với sức chứa khoảng 25.000 tấn. Tuy nhiên đến thời điểm này, 19 hố chứa rác tạm thời của 11 xã đã đầy, không còn khả năng tiếp nhận thêm. Nếu không được vận chuyển đi kịp thời sẽ gây ô nhiễm nặng nề tới môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.