Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao trường làng lại có thủ khoa?

Thống Nhất| 14/08/2013 06:19

(HNM) - Có tới hơn 200 học sinh (HS) các trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội đỗ thủ khoa vào các trường ĐH trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 vừa qua.

Trường THPT Cổ Loa (huyện Đông Anh) có tới 3 HS đỗ thủ khoa, 3 HS đỗ á khoa vào các trường ĐH lớn.



Trường làng "được mùa" thủ khoa

Thông tin trên báo chí mấy ngày gần đây luôn "nóng" lên bởi liên tục xuất hiện các gương mặt thủ khoa, á khoa là HS của các trường THPT Hà Nội đỗ vào các trường ĐH danh tiếng trên cả nước, ở mọi ngành, mọi lĩnh vực. Trường THPT Cổ Loa (huyện Đông Anh) là cái tên khiến nhiều người khâm phục, ngưỡng mộ khi trong một lớp học có tới 3 HS đỗ thủ khoa, 3 HS đỗ á khoa vào các trường ĐH lớn như Học viện Tài chính, Học viện Bưu chính viễn thông, ĐH Ngoại giao, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân… Lớp học này có 49 thành viên và gần như tất cả đều đỗ ĐH nguyện vọng 1. Thầy giáo Ngô Đắc Năm, hiệu trưởng nhà trường cho biết, mặc dù là trường ngoại thành, cuộc sống người dân khu vực còn khó khăn, đa số hộ dân làm nông nghiệp, song rất quan tâm đến việc học tập của con em. Trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia từ vài năm trước, vì vậy các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, chất lượng đội ngũ giáo viên đều đáp ứng tốt các yêu cầu về dạy và học. Đây được coi là yếu tố nền tảng làm nên thành công hôm nay bởi "đầu vào" của trường chỉ ở mức trên dưới 40 điểm. Còn Trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên) - nơi được biết đến với cái tên thủ khoa ĐH Dược Hà Nội năm 2012 Lê Đức Duẩn, năm nay tiếp tục có thêm 3 thủ khoa vào các trường ĐH lớn với điểm thi xuất sắc là 29 và 29,5.

Câu chuyện về người bố đi làm thuê 10 năm, có lúc phải sống trong ống cống để tiết kiệm nuôi 4 con học ĐH đã làm rung động tình cảm của biết bao người trong mấy ngày nay chính là tình cảnh của gia đình cậu thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội (có tổng điểm thi 29,5) Nguyễn Hữu Tiến - HS Trường THPT Ứng Hòa A (huyện Ứng Hòa). Cậu em sinh đôi cùng với Tiến năm nay cũng chuẩn bị bước chân vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với điểm số khá cao.

Hầu hết HS là con gia đình thuần nông, kinh tế còn nhiều khó khăn, thì kết quả dạy và học của thầy, trò ở những ngôi trường trên thực sự không dễ đạt được. Ngoài sự cố gắng của bản thân mỗi HS, sự ưu tiên cho việc học của chính quyền và người dân, thầy Nguyễn Minh Thông, Hiệu trưởng Trường THPT Ứng Hòa A còn cho rằng, kết quả này có được nhờ sự tác động lớn từ việc rèn kỷ cương, nền nếp trong nhà trường. Kỷ cương, nền nếp ấy bắt đầu từ mỗi tiết dạy của giáo viên để dần tạo thành thói quen học của mỗi học trò. Nguyên tắc bám sát HS để dạy học theo đúng trình độ, nhận thức, phát huy và khơi dậy thế mạnh của từng em được các thầy, cô giáo xác định ngay từ khi các em vào trường.

Bí quyết: Có ý thức và biết tự học

Qua thống kê về các trường hợp đỗ thủ khoa vài năm gần đây, có thể thấy tỷ lệ đỗ của học sinh ở các trường khu vực nông thôn, khó khăn chiếm nhiều hơn. Dù trong hoàn cảnh nào, các thủ khoa đều nỗ lực vươn lên, đạt được kết quả đáng khâm phục. Các em đều có chung hoàn cảnh khó khăn, không thể đi học thêm, ôn luyện tại "lò". Thậm chí, có em còn phải bỏ cả buổi ôn tập để giúp mẹ khi vào mùa. Lại có em phải đi mượn sách, hoặc đến nhà bạn nhờ vào mạng internet để tìm tài liệu. Nhưng dường như vì thế mà ý thức, sự quyết tâm học giỏi trong mỗi cô, cậu học trò càng kiên định hơn. Bí quyết chung được các thủ khoa bật mí không mới và chẳng có gì đặc biệt, song lại khiến nhiều bạn bè cùng lứa ngưỡng mộ, bởi không phải ai cũng có thể có ý chí và sự kiên trì đến vậy. Đơn cử như trường hợp của thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến. Kinh nghiệm của em là học đến đâu, nhớ đến đó, tránh để dồn kiến thức lâu ngày. Nói thêm về học trò của mình, thầy Đặng Thanh Bình (giáo viên dạy toán, cũng là chủ nhiệm lớp) cho biết: Vì hoàn cảnh gia đình, Tiến rất biết cách thu xếp thời gian biểu hợp lý. Em luôn hoàn thành bài về nhà, mà vẫn giúp đỡ được mẹ việc đồng áng.

Không may mắn như nhiều bạn bè cùng lứa, thủ khoa khối A (27 điểm) của Học viện Bưu chính viễn thông Bùi Chí Hướng (Trường THPT Cổ Loa, huyện Đông Anh) chịu thiệt thòi khi mất cả bố lẫn mẹ, sống với bà nội đã 80 tuổi. Liên tục trải qua nhiều biến cố lớn trong cuộc sống, Hướng cho biết đã từng có thời gian sao nhãng việc học. Để nhớ kiến thức vốn khô khan và nhiều công thức, Hướng dùng sổ tay để ghi lại và bóc tách thành từng dạng bài. Lúc rảnh rỗi, hay phải đi đâu, làm gì, Hướng đều mang theo cuốn sổ này để tranh thủ xem lại.

Thủ khoa 29 điểm của Trường ĐH Kinh tế quốc dân Nguyễn Dương Dũng lại lấy học nhóm làm phương pháp học chính. Mỗi khi gặp bài khó, hoặc chưa hiểu bài, các thành viên trong nhóm lại tổ chức thảo luận. Cách học này đã giúp các thành viên trong nhóm cùng tiến bộ. Điều đó cũng lý giải tại sao chỉ riêng lớp 12A1 của Dũng có tới 3 thủ khoa và 3 á khoa trong kỳ thi ĐH năm 2013.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao trường làng lại có thủ khoa?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.