Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao tranh cử tổng thống Mỹ cần rất nhiều tiền?

ANHTHU| 15/04/2007 08:05

Cuộc bầu cử đắt đỏ nhất trong lịch sử Hợp chủng quốc Hoa Kỳ(HNM) - Các ứng cử viên trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008 vừa công bố những kết quả phá kỷ lục đối với hoạt động gây quỹ trong ba tháng đầu tiên của chiến dịch tranh cử Tổng thống dài hơn thường lệ.

Thượng nghị sỹ bang Ilinois Brack Obama.

(HNM) - Các ứng cử viên trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008 vừa công bố những kết quả phá kỷ lục đối với hoạt động gây quỹ trong ba tháng đầu tiên của chiến dịch tranh cử Tổng thống dài hơn thường lệ.

Tổng số tiền này đã chứng minh điều nhiều người từng dự đoán, đó là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008 - cuộc bầu cử lần đầu tiên trong nửa thế kỷ qua không có sự tham gia của cả đương kim Tổng thống lẫn Phó Tổng thống, sẽ là cuộc bầu cử đắt nhất trong lịch sử bầu Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, có chi phí lên tới hơn 1 tỷ USD.

Tuần trước, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ vừa thông báo rằng họ đã quyên góp được hơn 120 triệu USD, và hai ứng cử viên của đảng Dân chủ - Thượng nghị sĩ bang Niu Yoóc Hillary Clinton và Thượng nghị sĩ bang Illinois Barack Obama - cũng quyên góp được thêm 50 triệu USD. ứng cử viên Barack Obama đã khiến nhiều người sửng sốt khi tuyên bố rằng ông thu hút được 100.000 nhà tài trợ, nhiều gần gấp đôi số nhà tài trợ của cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton - người được hưởng lợi từ các mối quan hệ của chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton. Con số chênh lệch quá lớn này rõ ràng cho thấy thành công đáng chú ý của ứng cử viên Obama trong khả năng tăng nguồn tài chính tranh cử thông qua mạng Internet. Hình thức này mới xuất hiện trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2004 và được coi là một trong những cách thức quan trọng để quyên tiền từ các nhà tài trợ nhỏ hơn hoặc từ những cử tri ủng hộ mình. Trong khi đó, rất nhiều nhà tài trợ còn phát đi tín hiệu rằng: Sức mạnh của một ứng cử viên không chỉ là số cử tri tiềm tàng, mà còn là khả năng thu hút thêm tiền từ những nhà tài trợ có quyền lợi liên quan tới các vị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ.

Trong khi các ứng cử viên Dân chủ thu hút được rất nhiều tiền từ các nhà tài trợ như đã nói thì các ứng cử viên Cộng hòa công bố khoản quyên góp làm cho những nhà kinh tế theo dõi cuộc đua tranh này phải ngạc nhiên vì sự thua kém đột ngột của họ ở giai đoạn hiện nay. ứng cử viên Cộng hòa đang dẫn đầu trong cuộc lựa chọn ứng viên cho cuộc bầu cử John McCain chỉ quyên góp được 12,5 triệu USD. Trong khi người có uy tín thấp hơnlà Mitt Romney lại quyên góp được số tiền 25 triệu USD. ứng cử viên Cộng hòa thứ 3 là Rudy Giuliani cũng thu hút được một khoản tài trợ là 15 triệu USD. Từ nhiều thập kỷ nay các ứng viên Cộng hòa luôn thu hút được nhiều tiền tài trợ hơn, nhưng cho tới cuộc bầu cử sắp tới các ứng viên Dân chủ đang dẫn trước với số tiền nhiều gấp đôi.

Các ứng cử viên của hai đảng sẽ cùng một lúc phải cạnh tranh quyết liệt trong nhiều cuộc bầu cử sơ bộ được tổ chức sớm, cùng với việc di chuyển liên tục bằng máy bay thuê bao tới địa điểm vận động tranh cử. Các chuyến bay này kéo dài trong nhiều tuần lễ. Ông Bill Clinton trong chiến dịch trước kia của mình cũng đã từng phải ngủ dọc dường và ăn đồ ăn nguội trong cuộc bầu cử đầu tiên do kinh phí rất hạn hẹp của ông. Giống như lời ông Ross Baker, giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị tại trường Đại học Rutgers, một chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ cũng giống như một cuộc chiến tranh thế giới. Giao tranh diễn ra trên rất nhiều mặt trận, trong đó ứng cử viên phải triển khai thật sự các lực lượng của mình trên một địa bàn rộng lớn. Đây là lý do giải thích vì sao các ứng viên cần càng nhiều tiền càng tốt cho chiến dịch tranh cử của họ.

Đối với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008, nhiều bang đã triển khai mạnh các cuộc thăm dò ý kiến cử tri và trì hoãn kế hoạch gút lại danh sách để buộc các ứng cử viên phải di chuyển qua lại giữa các bang cách xa nhau. Gần một nửa số bang ở Mỹ sẽ tổ chức bầu cử sơ bộ vào ngày 5-2-2008 hoặc vẫn đang cân nhắc về thời điểm, gồm cả các bang có nhiều phiếu bầu như Niu Yoóc và New Jersey ở miền Đông, và California ở miền Tây. Để ứng phó, các ứng cử viên sẽ thuê những chiếc máy bay lớn để đưa đội ngũ nhân viên tới tham dự những sự kiện diễn ra ở nhiều nơi khác nhau, đăng ký khách sạn và duy trì liên tục hoạt động tranh cử tại một số bang quan trọng. Các ứng cử viên cũng phải dựa nhiều vào hoạt động quảng báở những khu đô thị lớn để giành được số phiếu bầu tối đa. Các công ty cung cấp dịch vụ truyền hình thường tăng giá khi ứng cử viên có tiềm lực tài chính mạnh hơn thuê bao trọn gói thời lượng phát sóng tại những khu đô thị đắt đỏ.

Những năm 1970 của thế kỷ trước, giới lập pháp Mỹ đã cố gắng thay đổi vai trò ngày càng quan trọng của tài chính trong các cuộc bầu cử bằng cách áp dụng một cơ chế có giới hạn về việc chính quyền cấp tiền cho bầu cử, trong đó chính phủ liên bang cấp những khoản ngân sách hợp lý cho các ứng cử viên mà cam kết sẽ phát huy hiệu quả chi tiêu khoản ngân sách này ở một mức nhất định. Tuy nhiên, các ứng cử viên hàng đầu đã quyết định không tham gia vào cơ chế này với lập luận rằng họ có thể huy động được nhiều tiền hơn nhiều so với mức mà chính phủ đưa ra. Tổng số tiền gây quỹ tranh cử ban đầu cho thấy cần thiết phải đáp ứng được với những hy vọng lớn lao. Các ứng cử viên vẫn đang cố gắng chứng tỏ sức cạnh tranh của họ thông qua những con số trung thực. Vẫn theo lời Giáo sư Ross Baker, “điều này đã trở thành một kiểu bầu chọn ứng cử viên thông qua sổ sách... Những con số tài chính có khả năng mang nhiều ý nghĩa hơn các cuộc thăm dò dư luận”.

TRÀ GIANG

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao tranh cử tổng thống Mỹ cần rất nhiều tiền?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.