Đã ngừng lưu hành song loại tiền cotton 100 đồng đang là
Nếu như gần một tháng trước, phí đổi các loại tiền mệnh giá nhỏ như 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng dao động 10-12% thì nay, tỷ lệ đổi đã tăng lên tới 15% cho tờ 1.000, 2.000, 5.000 đồng và 70-80% cho tờ 500 đồng. Cụ thể, 1 triệu đồng tiền 1.000, 2.000 và 5.000 đồng chỉ đổi được 850.000 đồng. Riêng với mệnh giá 500 đồng, tỷ lệ đổi là 1 triệu "ăn" 600.000-650.000 đồng. Thị trường "chợ đen" cũng ghi nhận mức đổi cao kỷ lục dành cho tờ 100 đồng, được coi là "hàng hiếm" năm nay, với "phí" lên tới 15.000 đồng/tờ.
Theo chia sẻ từ nhiều mối đổi tiền, tuy giá đổi cao là vậy nhưng không phải có cầu là đủ cung. Anh Nguyễn Huy H., chủ mối đổi tiền qua mạng tại Hà Nội cho biết, phí đổi tiền ngày một tăng là do khan hiếm. "3 năm nay, Ngân hàng nhà nước đã không còn phát hành tiền giấy mệnh giá nhỏ. Năm nay lại cấm đổi tiền tại các khu di tích, lịch sử, chùa chiền nên tất cả các loại tiền này đều không có nguồn đổi miễn phí từ ngân hàng. Tờ 100 đồng hiếm nhất, giá 12.000-15.000 đồng/tờ cũng bình thường", anh H. chia sẻ.
Phí đổi tiền 100 đồng hiện được "hét giá" lên mức cao kỷ lục 15.000 đồng/tờ, gấp 150 lần giá trị thực tế. Ảnh: Duy Hiếu. |
Nếu khách lấy cả 10 thếp 100 đồng, giá sẽ giảm từ 15 triệu đồng xuống còn 13 triệu đồng (tương đương 13.000 đồng/tờ). Cũng theo lời anh H., có rất nhiều người đang hỏi loại tiền này trong khi anh chỉ còn 1.000 tờ. Tuy nhiên, sau đó, chính anh này lại cho biết sẽ bán số tiền này nếu như khách trả cao hơn so với mức 11.000 đồng/tờ mà anh này đang rao bán.
Không chỉ được rao đổi trên chợ mạng (thực chất là bán với mức giá "cắt cổ"), loại tiền cotton 100 đồng đã ngừng lưu hành cũng được chào bán với giá rất cao tại nhiều điểm đổi tiền lẻ ở Hà Nội. Chủ một gian hàng duy nhất trong dãy ki-ốt đổi tiền lẻ tại cổng chùa Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết bà cũng nhận đổi tờ 100 đồng với giá lẻ 15.000 đồng/tờ.
Theo khẳng định của chủ hàng, loại 100 đồng cotton là tiền mới nguyên seri và bà cũng sẵn sàng cung cấp số lượng nhiều cho khách có nhu cầu. "Đây là những tập tiền mới nguyên chứ không phải tiền giọt dầu - loại tiền lẻ do người dân đem đi lễ chùa sau đó được lưu thông ra bên ngoài cũng mới, nhưng không nguyên thếp và nguyên seri. Mức giá có thể thấp hơn nếu như khách đổi với số lượng nhiều", chủ hàng tiết lộ.
Tập 100 tờ 100 đồng mới, nguyên seri được rao đổi với giá 1,5 triệu đồng (trong khi giá trị lưu thông chỉ 10.000 đồng). Ảnh: Duy Hiếu. |
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, từ vài năm trở lại đây, vào các dịp giáp Tết Nguyên đán, đơn vị này hầu như không in thêm tiền mệnh giá thấp dưới 5.000 đồng mà chỉ cung ứng một lượng tiền vừa đủ cho nhu cầu của người dân. Do đó, những loại tiền mệnh giá nhỏ 100, 200 hay 500 đồng rất khan hiếm."Ngay cả mình làm trong ngân hàng mà năm nào cũng phải giành giật tiền 500 đồng mới để đi lễ, không hiểu vì lý do gì mà bên ngoài lại có nhiều loại tiền này đến thế. Chưa kể, tiền 100 đồng mà còn nguyên seri thì rất lạ", chị Nguyễn Thanh Thủy, nhân viên ngân hàng tại quận Đống Đa chia sẻ.
Anh Đỗ Tuấn Anh (Hoài Đức, Hà Nội), một người sưu tầm tiền cổ lâu năm cũng cho biết đúng là một số loại tiền giấy tiêu biểu như tờ 100 đồng hiện đã khan hiếm. Tuy nhiên, mức giá đổi cũng không thể cao tới mức 15.000 đồng/tờ như nhiều địa chỉ "hét giá". Bởi phần lớn những người đổi tiền mệnh giá nhỏ vào dịp cận Tết thường dùng tiền này để cúng lễ đền chùa, đình miếu... Còn với những trường hợp tiền quá khan hiếm như tờ 100 đồng, người đổi phần lớn là dân sưu tầm tiền cổ, tiền hiếm, nhu cầu đổi không nhiều về số lượng.
"Không loại trừ khả năng dân chợ đen om hàng để thổi giá chứ tiền có khan hiếm cũng không thể có mức phí cao gấp 150 lần giá trị thực tế như vậy. Bởi, dù tờ 100 đồng có hiếm đi nữa thì theo luật, hiện vẫn có giá trị lưu thông trên thị trường", anh Tuấn Anh chia sẻ.
Anh Đức, chủ một điểm kinh doanh tiền mới vào dịp Tết trên phố Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình, Hà Nội) dự đoán loại tiền 100 đồng đang được rao bán trên thị trường với giá gấp cả trăm lần mệnh giá thực có khả năng là tiền sưu tầm. "Thật ra dân buôn cũng có nhiều chiêu trò để nâng giá trị món hàng. Còn về bản chất, nhu cầu của thị trường năm nào cũng thế, ít biến động, nên rao giá cao cứ rao, nhưng chỉ khi có nhu cầu thật, khách mới bỏ tiền ra mua", anh Đức chia sẻ và cho hay hầu như năm nào cũng sẽ có hiện tượng "làm giá" tiền mới trên thị trường, đặc biệt là các mệnh giá nhỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.