Trong thời gian này, các rạp chiếu phim đã bắt đầu rầm rộ chuẩn bị giới thiệu chương trình phim tết. Các hãng phim truyện (nhà nước và tư nhân) cũng háo hức tung ra những bộ phim “nén” sẵn từ trong năm. Nhưng có một thể loại phim - được sản xuất với mục đích đề cao tính sáng tạo của một loại hình nghệ thuật – lại gần như đang bị lãng quên: Phim hoạt hình.
Từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2-2007, Trung tâm Điện ảnh hoạt hình quốc tế giới thiệu với công chúng Hà Nội một tuyển chọn những phim hoạt hình ngắnđoạt giải tại Liên hoan phim Annecy (một liên hoan tầm cỡ quốc tế về lĩnh vực điện ảnh hoạt hình). Một số rạp chiếu phim ở Hà Nội dự định chiếu trong dịp tết những phim hoạt hình đang ăn khách của nước ngoài... nhưng tuyệt nhiên không thấy tên một bộ phim hoạt hình “made in Việt Nam”. Nào. Phim hoạt hình bên cạnh giá trị nghệ thuật còn mang tính thương mại cao vì đây là một thể loại phim hấp dẫn và sinh động với những đặc thù riêng. Khán giả của nó không chỉ là trẻ em mà còn thu hút được số lượng đông đảo người lớn. Hình tượng những nhân vật hoạt hình cũng có thể “sống mãi với thời gian” như “Mèo hoang Felix” của nhà sản xuất Otto Messmer - nhân vật hoạt hình đầu tiên gây được tiếng vangtrong thể loại phim này. Khán giả Việt Nam cũng như khán giả nhỏ tuổi trên toàn thế giới có thể thuộc làu làu tên tuổi của các hãng sản xuất lớn cùng những nhân vật đặc trưng của họnhư chuột Mickey (Walt Disney), Tom và Jerry (MGM), “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” (Warners Bros)... nhưng có vẻ như chưa bao giờ nghe và nhớ được tên một bộ phim hoạt hình của Việt Nam.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này ?
Winsor McCay, cha đẻ của phim hoạt hình đã từng tiết lộ: “Để thành công trong lĩnh vực nghệ thuật không chỉ đòi hỏi tính sáng tạo mà còn cần sự kiên trì. Đối với phim hoạt hình, tính sinh động và hấp dẫn được đặt lên hàng đầu. Một nhân vật hoạt hình ra đời, người ta đánh giá cao vai trò của người họa sĩ hơn là đạo diễn, thực tế thì họa sĩ hoạt hình thường kiêm luôn vai của đạo diễn, nhà sản xuất. Họ không chỉ tạo ra mô hình nhân vật, mà còn là người thổi hồn cho nhân vật”. Vậy phim hoạt hình Việt Nam không “nổi” được là do họa sĩkhông sáng tạo được những nhân vật ăn khách hay kĩ thuật làm phim của Việt Nam còn lạc hậu?
Thời đại “Internet hóa”, những phim hoạt hình có tiết tấu nhanh, ly kì, hồi hộp... (có ở khắp mọi nơi) sẽ không còn chỗ cho nhữngbộ phim cắt dán, mô phỏng y nguyên từ những câu chuyện “xưa như trái đất” hay thỉnh thoảng cũng có bộ phim làm từ kĩ thuật 3D thì “mãi mới thấy chiếu được một tập”.
Cái mà hoạt hình Việt Nam hiện nay đang thiếu là kĩ thuật. Cụ thể - theo nhiều khán giả có tâm huyết là hình ảnh kém, chất lượng phim không tốt, nét vẽ và phần lồng tiếng chưa thật chuẩn.
Về mặt nội dung, Việt Nam cũng có rất nhiều truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện thần thọai, truyền thuyết về những nàng tiên, ông Bụt, truyền thống dân tộc... Nội dung có thể không mới nhưng nếu được sử dụng một cách sáng tạo thì có thể trở thành đặc trưng của hoạt hình Việt Nam. Thực tế là chưa một bộ phim hoạt hìnhnào của Việt Nam thực sự truyền tải được một cách sáng tạo những nội dung mang đầy tính giáo dục như thế. Thêm nữa, kinh phí cũng là một vấn đề cần quan tâm.
Như vậy, có nên đào tạo lại một đội ngũ tác giả, họa sĩ và người sản xuất cho thể loại phim hoạt hình Việt Nam, để có thể tạo nên những bộ phim hoạt hình vừa mang tính giáo dục từ những truyện cổ tích có sẵn, vừa sáng tạo nên những hình tượng nhân vật với những cách vẽ mới, nét vẽ mới của riêng mình?
Hy vọng trong tương lai không xa, hoạt hình Việt Nam có thể có được những nhân vật ghi dấu ấn trong lòng khán giả.
Nguyên Thảo
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.