Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận “khủng”?

Hà Linh| 13/02/2018 07:12

(HNM) - Sau các “đại gia” như Vietcombank, VietinBank, BIDV... hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần cũng công bố đạt lợi nhuận “khủng” trong năm 2017. Vì sao các ngân hàng có được kết quả này?


Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng VietinBank.Ảnh: Hải Anh


Ngân hàng báo lãi, tăng vốn điều lệ

Mang lại sự ngạc nhiên lớn, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 8.126 tỷ đồng và sau thuế 6.438 tỷ đồng. Đến nay, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng này lên tới 277.750 tỷ đồng, tăng 21% so với cuối năm 2016. Với việc niêm yết trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh, phát hành cổ phiếu riêng lẻ, VPBank đã tăng vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu lần lượt lên 15.706 tỷ đồng và 29.693 tỷ đồng, tăng hơn 70%.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) cũng có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh ở hầu hết các chỉ tiêu. Ông Lê Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc HDBank cho biết, năm 2017 đánh dấu một năm kỷ lục của ngân hàng từ trước đến nay, với 2.417 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 110% so với năm 2016 và hoàn thành 186% kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua đầu năm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng không kém phần thành công, với lợi nhuận trước thuế đạt 1.938 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2016, vượt 11% kế hoạch đề ra. Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc SHB cho biết, tổng tài sản của SHB đạt 277.994 tỷ đồng, tăng 19% so với thời điểm đầu năm, tiếp tục khẳng định vị thế top 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lớn nhất Việt Nam. Vốn điều lệ ở mức 11.196 tỷ đồng và tới đây sẽ tăng lên hơn 12.036 tỷ đồng từ việc phát hành cổ phiếu. Vốn tự có đạt 17.829 tỷ đồng, tăng 9%. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ và tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức 1,9%.

Với hàng nghìn điểm giao dịch trên cả nước, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienViet PostBank) cũng có một năm lạc quan. Theo Tổng Giám đốc LienVietPostBank Phạm Doãn Sơn, tính đến hết tháng 11-2017, ngân hàng đã đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.700 tỷ đồng, vượt hơn 10% so kế hoạch (1.500 tỷ đồng). Như vậy, lợi nhuận trước thuế cuối cùng cho cả năm 2017 của ngân hàng này có thể tiến sát đến 2.000 tỷ đồng. Các chỉ tiêu như vốn điều lệ, tổng tài sản, tổng huy động vốn, tổng dư nợ của LienViet PostBank đều tăng mạnh. LienViet PostBank dự kiến tăng tỷ lệ trả cổ tức từ 12% lên 15%.

Bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ

Lý giải về lợi nhuận "khủng", ông Lê Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc HD Bank cho biết, khoản 1.954 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của HD Bank (gấp 2,2 lần năm 2016) chủ yếu nhờ hoạt động cho vay truyền thống tăng trưởng giúp thu nhập lãi thuần tăng 34%. Cùng với đó, dịch vụ, mua bán chứng khoán đầu tư cũng tăng lần lượt 61% và 221%. Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đạt 27%, cao nhất trong khối ngân hàng, trong khi nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,5%. Còn với VPBank, ngoài việc trích lập hơn 8.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro, tương đương 30% tổng thu nhập hoạt động thuần, VPBank đã áp dụng hiệu quả các biện pháp thu hồi nợ, hoàn tất thu gần 3.000 tỷ đồng, từ đó tối đa hóa lợi nhuận. Trong khi, Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê cũng cho biết, kết quả lợi nhuận đạt được do SHB tăng trưởng ở hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng, xây dựng các gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu riêng cho từng phân khúc khách hàng.

Theo Báo cáo tổng quan ngành Ngân hàng của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi thuần từ hoạt động tín dụng của ngành Ngân hàng năm 2017 tăng 33,1% so với năm trước và chiếm tới 79,1% tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh. Đồng thời, các hoạt động kinh doanh khác cũng đạt kết quả khả quan. Trong đó, thu nhập từ hoạt động góp vốn mua cổ phần tăng khoảng 3,4 lần. Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 34,7%. Ngoài các khoản tăng phí từ dịch vụ thanh toán, một số tổ chức tín dụng ký kết hợp đồng hợp tác độc quyền, toàn diện đối với những công ty bảo hiểm lớn, kỳ hạn lên tới 10-15 năm dự kiến đem lại nguồn thu dịch vụ lớn trong thời gian tới.

Một yếu tố khác giúp lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng mạnh trong năm qua đến từ việc xử lý nợ xấu. Lợi nhuận nhiều năm trước được dùng trích lập dự phòng xử lý nợ xấu, nay phần đã trích lập được hoàn nhập, tạo nên lợi nhuận cho ngân hàng.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trong năm 2018 là bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát dưới 4%, hỗ trợ tăng trưởng 6,7% và tiếp tục thực hiện lộ trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô. Định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng khoảng 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng; nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được gắn với xử lý căn bản nợ xấu và tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường, thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận “khủng”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.