Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao Khoa học sức khỏe là nghề nghiệp quan trọng cho tương lai?

Lâm An| 01/04/2020 09:28

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư… cũng ngày một gia tăng, vai trò của việc đào tạo nhân lực ngành Khoa học sức khỏe càng trở nên quan trọng và cần thiết.

Khoa học sức khỏe là một trong ba khối ngành học trụ cột đầu tiên của Trường Đại học VinUni, trong đó chương trình đào tạo có sự hợp tác chặt chẽ của Đại học Pennsylvania (Penn) - một trong 8 trường đại học hàng đầu nước Mỹ (Ivy League).

Học y khoa “chuẩn” Mỹ

“Chúng tôi đang hoạt động trên hàng chục quốc gia và có chương trình đào tạo uy tín trên toàn cầu, gồm cả đào tạo bác sĩ và điều dưỡng” - Glen Gaulton, Giáo sư bộ môn Giải phẫu bệnh và Xét nghiệm của Trường Y khoa Perelman, Đại học Pennsylvania chia sẻ. Ông cũng cho biết, tỷ lệ chọi tại Trường Y khoa Perelman, Đại học Pennsylvania rất cao, lên tới 1/60. Ở Penn, mỗi năm có 8.000 - 9.000 ứng viên đăng ký cho 150 suất nhập học. Ngành điều dưỡng cũng rất cạnh tranh, tỷ lệ chỉ thấp hơn hệ bác sĩ một chút.

Kể từ ngày ký hợp tác chiến lược với VinUni (tháng 4-2018), các chuyên gia của trường đại học hàng đầu thế giới này đã làm việc không ngừng nghỉ nhằm hỗ trợ VinUni trên nhiều mảng quan trọng như: Chương trình đào tạo, hệ thống kiểm định, tuyển dụng, đào tạo phát triển năng lực đội ngũ giảng viên, xây dựng mô hình bệnh viện thực hành để đào tạo lâm sàng theo chuẩn quốc tế...

Tại VinUni, ngành Khoa học sức khỏe được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, trang bị cho sinh viên đầy đủ các kiến thức, kỹ năng tích hợp ngay trong chương trình đào tạo chính khóa. Mục tiêu hướng đến của VinUni là nhằm bảo đảm cho sinh viên có kiến thức y học thực chứng thấu đáo, nền tảng khoa học, hiểu biết về hệ thống chăm sóc sức khỏe, kỹ năng thực hành y khoa, áp dụng nhiều công nghệ trong học tập, bao gồm mô phỏng y khoa.

VinUni áp dụng nhiều công nghệ trong học tập, bao gồm mô phỏng y khoa.

Để làm được điều này, VinUni liên kết với hệ thống y tế Vinmec, xây dựng năng lực giảng dạy lâm sàng và nghiên cứu y khoa. Điều này rất quan trọng bởi sinh viên ngành Y phải được thực hành, có môi trường bệnh viện, đa dạng bệnh nhân và chủng bệnh thì mới nắm bắt được nguyên tắc tư duy, hiểu biết và có bằng chứng khoa học chặt chẽ (y học thực chứng).

Giảng viên khối ngành Khoa học sức khỏe của VinUni tham gia các hoạt động chuyên môn tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec.

Về phương pháp, VinUni sẽ đưa vào dạy các phương pháp học có tính tương tác cao như: Học theo nhóm (team-based learning), học mô phỏng (simulation based learning). Ngoài ra, VinUni cũng xây dựng các nội dung ảo, học qua giảng đường ảo (virtual learning) nhằm giúp việc học tập của sinh viên đạt hiệu quả, thú vị và sâu sắc hơn.

Sau khi hoàn thành chương trình tại Đại học VinUni, học viên có thể tham dự kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề bác sĩ (USMLE) và điều dưỡng (NCLEX) theo chuẩn Mỹ - một trong những tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới. Đồng thời, họ cũng sẽ được tham gia theo học chương trình cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ...) tại Đại học Pennsylvania.

“Cánh cửa” nghề nghiệp rộng mở

Gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam nhiều thập kỷ trước chủ yếu liên quan đến tình trạng thai sản, tử vong của trẻ em, bệnh truyền nhiễm... Giờ đây, mô hình bệnh lý tại Việt Nam không khác biệt nhiều so với các nước phát triển. Nếu trước đây, tai biến mạch máu não, tiểu đường, ung thư và các bệnh mạn tính chỉ xuất hiện ở các quốc gia giàu có, thì giờ đây các bệnh này đang gia tăng tại Việt Nam. Mặt khác, nhóm bệnh truyền nhiễm, tưởng chừng như đã được kiểm soát tốt, thì nay lại bùng phát và trở nên khó lường, điển hình là Covid-19.

Trong khi đó, theo thống kê của ngành Y tế, hiện cả nước có khoảng 345.000 nhân viên y tế, trong đó số lượng bác sĩ là trên 55 nghìn người, tương ứng với tỷ lệ 7,2 bác sĩ/1 vạn dân, còn số y tá và hộ lý là 105 nghìn người, tương ứng 13 y tá, hộ lý/1 vạn dân. Những con số này đã phần nào phản ánh sự thiếu hụt nhân sự làm việc trong khối ngành Khoa học sức khỏe. Điều đáng nói là, theo một khảo sát nhanh, tỷ lệ học sinh trung học quan tâm đến lĩnh vực khoa học sức khỏe chỉ khoảng 5-7%.

Ngành Khoa học sức khỏe của Trường Đại học VinUni với sự hợp tác của các trường đại học hàng đầu thế giới sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Y tế Việt Nam.

Các giáo sư, giảng viên ngành Khoa học sức khỏe trong một buổi trao đổi chuyên môn với các chuyên gia Cộng hòa Liên bang Đức.

Giáo sư, bác sĩ Gail Morisson, Giám đốc Chương trình bác sĩ, Liên minh chiến lược Vingroup - Penn khẳng định, cánh cửa nghề nghiệp sẽ rộng mở với các sinh viên sở hữu tấm bằng bác sĩ và điều dưỡng của VinUni. Họ có thể lựa chọn trở thành điều dưỡng, bác sĩ hay nhà khoa học... Hơn nữa, với các kiến thức y khoa và năng lực toàn diện, học viên sau tốt nghiệp cũng có thể trở thành nhà lãnh đạo, tham gia xây dựng các chính sách y tế khoa học tiên tiến, giúp người dân khỏe mạnh, đất nước an toàn hơn.

Với khát vọng xây dựng đại học tinh hoa, sinh viên VinUni sẽ được đào tạo bài bản, trang bị kiến thức sâu rộng, nuôi dưỡng tình yêu nghề nghiệp, khả năng thấu cảm, cùng sự nhạy cảm lâm sàng tinh tế. “Sinh viên tốt nghiệp VinUni vì thế được kỳ vọng sẽ có năng lực để có thể phát triển con đường nghề nghiệp ở bất kỳ nơi nào trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam” - Giáo sư Glen Gaulton nhấn mạnh.

Theo thống kê, có tới 68 tỷ phú đã theo học tại Penn, trong đó có đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà sáng lập Tesla - ông Elon Musk. Các giáo sư và cựu sinh viên của trường cũng sở hữu tới 28 giải Nobel. Theo xếp hạng QS, Trường Y khoa của Penn hiện đứng thứ 15 và Trường Điều dưỡng được xếp hạng nhất thế giới trong nhiều năm liên tiếp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao Khoa học sức khỏe là nghề nghiệp quan trọng cho tương lai?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.