Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao hàng chục hộ dân xã Việt Long bị mất sổ đỏ? (tiếp theo)

Nhóm PV phóng sự điều tra| 29/07/2013 06:47

(HNM) - Vụ hàng chục hộ dân ở xã Việt Long, huyện Sóc Sơn bị mất sổ đỏ thông qua việc cho mượn, cầm cố thế chấp là có thật. Đây không đơn thuần là các giao dịch dân sự mà có dấu hiệu lừa đảo.

Trong khi chờ cơ quan chức năng điều tra làm rõ, các chuyên gia pháp lý khuyến cáo người dân cần có đơn gửi Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Sóc Sơn đề nghị tạm dừng ngay các giao dịch liên quan đến chuyển quyền sở hữu nhà ở, đất ở, đồng thời khởi kiện ra tòa để đòi lại sổ đỏ...

Ngôi nhà của ông Sùng - bà Oanh đã bị sang tên cho người khác.



Sự thật về những cuốn sổ đỏ bị thất lạc

Như chúng tôi đã đề cập trong số báo trước, theo lý giải của bà Nguyễn Thị Hậu - nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Việt Long và một số hộ dân thôn Tiên Tảo, nguyên nhân khiến hàng chục hộ dân phải gom "sổ đỏ", sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân đưa cho bà Hậu "nhờ" vay tiền với lãi suất cao xuất phát từ việc ngân hàng chính sách xã hội ngừng cho vay và thu hồi vốn khiến người dân gặp khó khăn. Không chỉ riêng bà Hậu, cả ông Nguyễn Văn Sỏi và Nguyễn Văn Được - Phó Trưởng Công an xã Việt Long cũng xác nhận với phóng viên việc ngân hàng chính sách xã hội "đóng cửa", ngừng cho vay vốn từ năm 2007. Cũng theo bà Hậu, trên thực tế, trong quá trình mang 28 cuốn sổ đỏ và hộ khẩu của các hộ dân "đặt" cho một số đối tượng để nhờ vay vốn làm ăn, bà Hậu chỉ vay được số tiền 50 triệu đồng của bà Nguyễn Thị Hội (Đông Anh) thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất của vợ chồng ông Nguyễn Đức Sùng và bà Lã Thị Oanh cho bà Hội, với mức lãi suất "siêu khủng" 30%/tháng và một lần nhận của bà Nguyễn Thị Lý 50 triệu đồng.

Để làm rõ nội dung bà Hậu và chính quyền xã cung cấp, chúng tôi đã có buổi làm việc với bà Đỗ Thanh Hiền - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hà Nội. Bà Hiền khẳng định: Hoàn toàn không có chuyện Ngân hàng Chính sách xã hội thu hồi vốn để đóng cửa vào năm 2007. Từ trước năm 2007 đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách tại Sóc Sơn vẫn hoạt động bình thường, các khoản vay vẫn được giải ngân, hoạt động tín dụng không hề gián đoạn. Mặt khác, như chúng tôi đề cập tại số báo trước, liên quan đến việc thất lạc sổ đỏ của các hộ dân, thông tin giữa các hộ dân và bà Hậu cũng bộc lộ nhiều mâu thuẫn cần được làm rõ. Theo anh Nguyễn Văn Đáng - Đội 5, thôn Tiên Tảo, từ năm 2007 trở về trước, gia đình anh nhiều lần phải vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua Hội Phụ nữ xã. Mỗi lần vay như vậy, bà Hậu thường "cài cắm" vào khoản vay của gia đình anh một khoản tiền, khi là 5 triệu đồng, lần thì 10 triệu đồng. Còn bà Lã Thị Oanh - thôn Tiên Tảo cho biết, khi mượn sổ đỏ của gia đình, bà Hậu chỉ nói mục đích vay là để giúp Hội Phụ nữ xã do không thu hồi được nợ từ các hội viên. Do tin bà Hậu là con cháu trong nhà nên khi bà Hậu dẫn đến Phòng Công chứng số 5 làm thủ tục, vợ chồng bà đã không mảy may nghi ngờ, ký ngay vào giấy tờ công chứng. Chỉ đến khi có người đến đòi nhà, bà mới tá hỏa khi biết giấy tờ ông bà đặt bút ký hôm đó thực chất là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà cho người khác (!). Ngay sau khi phát hiện sự việc, gia đình bà đã gọi bà Hậu đến nhà, yêu cầu viết bản cam kết. Tại bản cam kết này, bà Hậu thừa nhận: "Ngày 6-11-2008 tôi có nhờ ông Nguyễn Đức Sùng và bà Lã Thị Oanh, người cùng thôn, cho mượn sổ đỏ và đứng ra làm hợp đồng chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Hội ở Đông Trù - Đông Hội - Đông Anh (Hà Nội) vay số tiền là 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng chẵn). Số tiền trên bản thân tôi trực tiếp nhận với bà Hội còn gia đình ông Sùng không sử dụng và không liên quan đến số tiền đó...". Tuy nhiên, bà Hậu cho biết, hầu hết các trường hợp đưa sổ đỏ nhờ bà vay tiền đều đang nợ bà những khoản tiền khá lớn. Để chứng minh, bà Hậu trưng ra một cuốn sổ nợ viết tay, trong đó có ghi chằng chịt tên người vay và từng khoản nợ. Song, khi được hỏi về nội dung do chính bà viết trong bản cam kết với gia đình bà Oanh, bà Hậu lại không đưa ra được lý do hợp lý.

Đặc biệt, trong tập tài liệu bà Hậu cung cấp cho phóng viên Hànộimới, chúng tôi chú ý đến một bản hợp đồng vay tiền viết tay, được lập ngày 3-3-2008 giữa bà Vũ Hoài Phương, địa chỉ số 11 Hoàng An, Lê Duẩn, Đống Đa với bà Nguyễn Thị Hậu, số CMTND 012078608, cấp ngày 18-8-2007, địa chỉ thôn Tiên Tảo, xã Việt Long, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Theo bản hợp đồng này, ngày 3-3-2008 bà Phương có vay của bà Hậu số tiền 320,5 triệu đồng, đến ngày 8-6-2008, bà Phương phải trả cho bà Hậu số tiền 600 triệu đồng với lãi suất thỏa thuận từ 30% đến 36%/tháng.

Như vậy có thể thấy, phía sau vụ thất lạc sổ đỏ của các hộ dân tại xã Việt Long còn rất nhiều tình tiết cần được làm sáng tỏ. Vì sao đại diện chính quyền xã Việt Long và bà Nguyễn Thị Hậu đều khẳng định việc Ngân hàng Chính sách xã hội thu hồi vốn để đóng cửa năm 2007 trong khi thực chất không hề có chuyện này? Tại sao các giao dịch vay, cho vay của bà Hậu xác lập đều vào năm 2007 - thời điểm bà nhận chức Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Việt Long, liệu có việc lạm dụng tín nhiệm ở đây? Số tiền các hộ dân vay nợ bà Hậu như trong cuốn sổ nợ là có thật? Có hay không việc chính bà Hậu là người chuyên tổ chức cho vay lãi với lãi suất khủng?...

Việc cần làm ngay

Thực tế, vụ việc tại xã Việt Long chỉ là một trong số hàng loạt vụ việc xảy ra tại các xã Minh Trí, Mai Đình, Bắc Sơn... thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn thời gian qua. Tại xã Minh Phú, có tới hơn 90 trường hợp các hộ dân bị thất lạc sổ đỏ cũng do những nguyên nhân tương tự. Theo bà Vũ Thị Bích Thủy - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Sóc Sơn, chỉ tính từ tháng 11-2012 đến đầu tháng 7-2013, Phòng TNMT huyện đã nhận được tổng cộng 27 đơn đề nghị ngừng giao dịch để tìm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) và tạo điều kiện cho gia đình được nhận lại giấy chứng nhận với nhiều lý do khác nhau. Bước đầu xác minh cho thấy, một số cá nhân lợi dụng nhu cầu vay vốn và sự cả tin, thiếu hiểu biết của người dân để cho vay tiền thông qua hình thức chuyển nhượng QSDĐ có thời hạn. Tinh vi hơn, một số cá nhân còn lợi dụng nhu cầu vay vốn ngân hàng và sự thiếu hiểu biết của người dân để "thuê" giấy chứng nhận QSDĐ trong thời hạn từ 3 đến 5 năm với giá khoảng 10 triệu đồng bằng hình thức đưa các hộ gia đình, cá nhân có đất đến phòng công chứng để lập "Hợp đồng ủy quyền toàn quyền" cho một cá nhân khác. Theo đó, người được ủy quyền có toàn quyền thế chấp, tặng, cho, chuyển nhượng đối với các thửa đất đã được ủy quyền, có toàn quyền định đoạt đối với khối tài sản đó. Hậu quả là người dân có nhu cầu vay số tiền nhỏ nhưng số tiền vay theo hợp đồng lại lớn gấp nhiều lần; hoặc không vay được vốn nhưng bị mất giấy chứng nhận QSDĐ; hoặc người được ủy quyền đã chuyển nhượng QSDĐ mà người ủy quyền không hề hay biết...

Trao đổi với phóng viên, các chuyên gia pháp lý cho rằng vụ việc của các hộ dân ở thôn Tiên Tảo sẽ rất phức tạp. Về ý chí chủ quan, khi các hộ dân đã ký công chứng việc chuyển nhượng nhà đất có nghĩa là giao dịch hoàn thành, đúng thủ tục trình tự pháp luật. Ngay bây giờ, các hộ dân cần làm đơn gửi Phòng TNMT huyện Sóc Sơn đề nghị tạm dừng tất cả các giao dịch liên quan tới việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhà và sử dụng đất ở, sau đó khởi kiện ra tòa để đòi lại quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn cần khẩn trương điều tra, làm rõ và thu hồi những cuốn "sổ đỏ" đang bị thất lạc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao hàng chục hộ dân xã Việt Long bị mất sổ đỏ? (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.