(HNM) - Từ ngày 1-3, Saigon Petro công bố giá gas của hãng tăng 4.333 đồng/kg (tăng 52.000 đồng/bình 12kg). Một số công ty khác như MT Gas, Vinagas cũng cho biết sẽ tăng ở mức tương tự. Người tiêu dùng đang "choáng" trước thông tin này…
Thế là chỉ sau khi báo chí và dư luận xã hội lên tiếng gay gắt về việc giá gas tăng quá cao, Bộ Tài chính tuyên bố sẽ thanh tra, một số hãng gas lớn thực hiện giảm khoảng 10.000 đồng/bình 12kg để "hỗ trợ người tiêu dùng" (!), giá gas lại tăng và tăng ở mức kỷ lục. Có thể nói, chưa có mặt hàng tiêu dùng nào lại tăng giá nhiều và liên tục như gas.
Giá gas như phi mã khiến người tiêu dùng choáng váng. Ảnh: Thái Hiền |
Các doanh nghiệp kinh doanh gas vẫn "ca" bài ca cũ rích: Giá gas trong nước tăng là do giá hợp đồng nhập khẩu (CP) thế giới tăng! Đương nhiên giá nhập khẩu tăng thì giá bán lẻ phải tăng theo, nhưng điều đáng nói là cái sự tăng theo nhau này lại luôn "nhỉnh" hơn về phía giá bán lẻ. Cụ thể, tháng 1 giá CP tăng 85 USD/tấn (tương đương gần 1.800 đồng/kg) thì giá bán lẻ tăng 2.000 đồng/kg; tháng 2 giá CP tăng 145 USD/tấn (tương đương khoảng 3.000 đồng/kg) thì giá bán lẻ tăng 3.500 đồng/kg; tháng 3 giá CP tăng 180 USD/tấn (tương đương gần 3.800 đồng/kg) thì giá bán lẻ tăng hơn 4.300 đ/kg. Mức "nhỉnh" trên cứ lũy tiến theo thời gian thì giá bán lẻ cách biệt càng xa so với giá gốc, lợi nhuận của nhà phân phối cũng ngày càng cao hơn.
Tuy nhiên, đây là mức tăng giá phi lý. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng trước, các doanh nghiệp đầu mối đã tăng giá đón đầu trong khi lượng gas bán ra thị trường đều được nhập khẩu từ tháng 1, thậm chí từ cuối năm 2011, khi mà giá gas thế giới chỉ từ 800- 900 USD/tấn. Có nghĩa là nhập khẩu được giá thấp, nhưng "dự đoán" giá gas thế giới sẽ lên, các doanh nghiệp kinh doanh gas đã tự ý nâng giá bán, để đến tháng 3 này, nếu tiếp tục tăng giá thì đã là tăng được 3 đợt, trong khi giá thế giới mới chỉ tăng 1 đợt và doanh nghiệp thì vẫn không sai khi đưa ra nguyên nhân "tăng giá gas do giá thế giới tăng"!
Số liệu của Tổng cục Hải quan còn chỉ ra rằng, lượng hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu mối gas Việt Nam trong hai tháng qua tăng đột biến tới 142.000 tấn, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Lạ một điều là các doanh nghiệp này tăng mạnh lượng hàng nhập giữa lúc mà giá gas thế giới đang được chính họ "kêu" là lên quá cao và giá bán lẻ gas trong nước đang ở "đỉnh". Nghịch lý "tăng mua lúc đắt" của doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu gas nhằm vì cái gì nếu không phải là tạo thêm áp lực cho các đòi hỏi về thuế, phí… với Nhà nước, duy trì được lợi nhuận cao mà không đếm xỉa gì đến quyền lợi của hàng triệu người tiêu dùng?
Các doanh nghiệp kinh doanh gas thường "giãy nẩy" lên khi có ai đó nói đến sự độc quyền, thế nhưng đó lại là sự thật bởi nguồn cung của mặt hàng thiết yếu này chủ yếu đến từ nước ngoài thông qua một số nhà nhập khẩu trong nước. Nghĩa là, với mặt hàng gas, nhà nhập khẩu vẫn đang được quyền quyết định tương lai của người tiêu dùng hơn là chính họ. Như thế, chẳng cần đến "độc quyền nhóm" hay "lợi ích mẹ - con" mà chỉ cần có một sự liên kết giữa các nhà nhập khẩu về giá cả, phân phối thì quyền lợi của người tiêu dùng sẽ là thứ bị hy sinh đầu tiên! Giá gas thế giới lên, người tiêu dùng phải chịu mức giá cao song nếu giá gas thế giới có xuống họ cũng khó được hưởng mức giá thấp bởi lượng hàng nhập giá cao doanh nghiệp chưa tiêu thụ hết.
Hy vọng, mức tăng kỷ lục ngay ngày đầu tháng 3 này sẽ khiến các cơ quan có trách nhiệm thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc minh bạch giá gas và nghiên cứu kỹ hơn việc bình ổn giá mặt hàng này. Hiện cả nước có 24 đầu mối được nhập gas, gần 100 đơn vị kinh doanh, trong đó có 10 doanh nghiệp nước ngoài. Với sự phụ thuộc vào nhập khẩu nặng nề như hiện tại, vấn đề kiểm soát giá gas trong nước là hết sức khó khăn. Vì tuy thuộc danh mục 14 mặt hàng bình ổn giá, nhưng về cơ chế kinh doanh, gas đã hoàn toàn theo thị trường. Mặc dù về nguyên tắc, các doanh nghiệp gas muốn tăng - giảm giá đều phải kê khai, đăng ký giá với Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, các tổng đại lý cũng phải kê khai đăng ký giá với sở tài chính trên địa bàn. Trên cơ sở này, Bộ Tài chính sẽ giám sát việc hình thành giá gas như các chi phí nhập khẩu, hao hụt, chi phí vận chuyển... Nếu việc tăng giá bất hợp lý, Bộ Tài chính sẽ xử lý về vi phạm lĩnh vực giá, Cục QLTT- Bộ Công thương có thể xử lý về hành vi găm hàng, đầu cơ... Tuy nhiên, hiện các sở tài chính, công thương địa phương chỉ quản lý ở mức giám sát, kiểm tra việc đăng ký, kê khai giá của doanh nghiệp, tổng đại lý và đại lý, còn dựa trên cơ sở chi phí nhập khẩu, hao hụt, cước vận chuyển... các doanh nghiệp đầu mối gas có quyền định giá, Nhà nước cũng không thể mạnh tay can thiệp sâu được. Bộ Tài chính cũng xác nhận việc tăng giá trên thị trường bán lẻ là do giá nhập khẩu tăng quá cao song do Vụ Chính sách thuế chưa trình ý kiến về thuế nhập khẩu gas nên Bộ cũng chưa thể xem xét giảm thuế hay không. Ngay cả việc từ giữa tháng 2, Bộ đã có chỉ đạo kiểm tra về giá gas nhập khẩu nhưng đến nay vẫn chưa thấy công bố kết luận gì cũng cho thấy sự còn "lấn cấn" này.
Thực tế là, trong khi các cơ quan quản lý còn đang loay hoay với bài toán kiểm soát giá thì trên thị trường đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất lợi. Các doanh nghiệp gas phải thừa nhận, mức giá tăng cao khiến lượng tiêu thụ gas tháng 2 giảm khá mạnh (khoảng 20-30%). Còn về phía người tiêu dùng, nhiều người ở thành phố đã chọn mua, sử dụng các loại bếp điện, bếp từ, còn người dân vùng nông thôn thì chuyển sang đun củi, than để thay thế. Việc "quay lưng" lại với gas đã không chỉ là dấu hiệu nữa. Thực tế này liệu có khiến gas, như con ngựa bất kham lại được thả lỏng dây cương thời gian qua, thuần thục trở lại?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.