Đầu tư

Vì sao chậm triển khai Cụm công nghiệp Chàng Sơn?

Hoàng Sơn 31/10/2023 11:05

Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn giai đoạn 2 tại xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) có tổng diện tích gần 16,36ha. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của xã Chàng Sơn nói riêng và huyện Thạch Thất nói chung. Song, vì nhiều lý do, dự án vẫn chưa thể triển khai.

Để kịp thời khởi công trong quý IV-2023, huyện Thạch Thất đang khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và triển khai dự án.

1-chang-son.jpg
Lãnh đạo xã Chàng Sơn cùng các ban, ngành vào từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn giai đoạn 2 được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2026/QĐ- UBND ngày 23-4-2019 và yêu cầu khởi công từ quý III-2019 đến quý I-2021. Dự án có tổng diện tích gần 15,3ha, liên quan đến 529 thửa đất. Trong đó, 459 thửa đất nông nghiệp, diện tích khoảng 13,97ha, giao cho 355 hộ dân sản xuất nông nghiệp và 70 thửa đất công...

Theo Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn Nguyễn Trần Vượng, đến ngày 25-10, xã đã quy chủ được 401 thửa đất của 262 hộ dân, trên diện tích 12ha, đạt 75,8%. Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất áp giá bồi thường được 350 thửa đất của 221 hộ, với số tiền dự kiến chi trả hơn 60 tỷ đồng.

“Ở dự án này còn 93 hộ dân gặp vướng mắc, do chưa kê khai đầy đủ hồ sơ, sai thông tin về diện tích hoặc chưa phối hợp kê khai kiểm đếm", ông Nguyễn Trần Vượng thông tin.

2-ccn.jpg
Một phần diện tích Cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn giai đoạn 2 chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Theo UBND huyện Thạch Thất, dự án Cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn giai đoạn 2 được triển khai trong giai đoạn các cấp, ngành, địa phương đang lấy ý kiến sửa đổi Luật Đất đai 2013, nên người dân có ý muốn chờ luật mới để được đền bù giá cao. Bên cạnh đó, một số người dân có biểu hiện lôi kéo, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng dự án. Một số gia đình chưa nắm rõ chính sách, đòi giá bồi thường cao hơn quy định hoặc đòi quyền sau này được thuê đất trong dự án. Mặt khác, không ít ô đất mà hồ sơ địa chính thiếu, không thống nhất với bản đồ đất nông nghiệp… đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Đẩy nhanh tiến độ dự án

Ngày 26-10, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền về tình hình triển khai và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Trong thông báo này có nội dung đề nghị huyện Thạch Thất tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, chính quyền xã Chàng Sơn đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích đến người dân chủ trương, chính sách của Nhà nước và thành phố trong phát triển cụm công nghiệp. Các ban, ngành trong huyện thuyết phục người dân đồng thuận và tuân thủ quy định về đầu tư, chính sách đất đai, xây dựng… Đồng thời, yêu cầu huyện Thạch Thất đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 các dự án cụm công nghiệp trên địa bàn theo quy định.

Thực hiện kết luận này, huyện Thạch Thất chỉ đạo UBND xã Chàng Sơn phối hợp với chủ đầu tư triển khai các giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và khởi công dự án. UBND xã Chàng Sơn đã lập 3 tổ công tác đến từng hộ dân có đất thu hồi nhưng chưa đồng thuận để tuyên truyền, vận động, giải thích.

Bà Chu Thị Liên, Trưởng thôn 1, xã Chàng Sơn cho biết, cả thôn còn 45 hộ chưa đồng ý với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng vì nhiều lý do khác nhau. “Chúng tôi phải gặp gỡ nhiều lần để phân tích, nói rõ các chế độ, chính sách đền bù phải thực hiện theo quy định của pháp luật; điều kiện thuê đất trong cụm công nghiệp phải đợi sau khi xây dựng hạ tầng kỹ thuật mới thống kê được nhu cầu các hộ trong làng nghề để người dân hiểu và đồng thuận”, bà Liên nói.

Còn anh Nguyễn Văn Bảo, chủ cơ sở sản xuất đồ mộc ở thôn 1, xã Chàng Sơn chia sẻ: “Nhà nước thu hồi đất xây dựng cụm công nghiệp là chủ trương đúng, nên gia đình tôi đã sớm chấp thuận phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng do xã thông báo. Tôi mong rằng, dự án nhanh được triển khai để các cơ sở sản xuất trong làng nghề được ra thuê đất, mở rộng nhà xưởng; đồng thời, giãn mật độ sản xuất trong khu dân cư, giảm ô nhiễm môi trường và bảo đảm công tác phòng, chống cháy nổ cho làng nghề”.

1-ccn.jpg
Hiện xã Chàng Sơn có khoảng 1.700 cơ sở sản xuất đồ mộc trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ gây cháy nổ cao.

Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án, lãnh đạo UBND xã Chàng Sơn kiến nghị UBND huyện Thạch Thất chỉ đạo Công an huyện có biện pháp giáo dục, răn đe những trường hợp cố tình lôi kéo, kích động nhân dân chống đối. Cùng với đó, chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, các trung tâm, đơn vị liên quan ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc 30 thửa đất của 24 hộ gia đình.

"Trong quá trình thực hiện, chúng tôi luôn lắng nghe, chia sẻ và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận của người dân. Song, chúng tôi cũng kiên quyết hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND huyện cưỡng chế những trường hợp cố tình không di dời phục vụ giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp”, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn Nguyễn Trần Vượng nhấn mạnh.

Mong rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, công tác giải phóng mặt bằng dự án Cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn giai đoạn 2 sẽ bảo đảm tiến độ và đủ điều kiện khởi công trong quy IV-2023 theo yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao chậm triển khai Cụm công nghiệp Chàng Sơn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.