Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vị quan thanh liêm hai lần “vinh quy bái tổ”

Văn Ngọc Thủy| 30/11/2014 05:46

(HNM) - Hương Ngải, Thạch Thất - ngôi làng cổ nằm cách trung tâm Hà Nội chừng hơn 30km, điểm trung chuyển của con đường từ phủ Sơn Tây đến kinh thành Thăng Long xưa, hiện vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lịch sử.



Người Hương Ngải tự hào vì nơi đây có quán Nghinh Hương - một kiến trúc cổ "độc nhất vô nhị" của vùng Đồng bằng Bắc bộ, biểu tượng cao đẹp cho tinh thần hiếu học của người Việt. Nơi đây còn là quê hương của Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân (1804-1837), vị quan rất mực thanh liêm với cuộc đời ngắn ngủi nhưng vô cùng đặc biệt - hai lần "vinh quy bái tổ" và hàng trăm nhân sĩ đỗ đạt, học rộng, tài cao…

Quán Nghinh Hương tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất.


Tiếng thơm muôn thuở

Chúng tôi về Hương Ngải vào một ngày đầu đông hanh hao. Đường làng giờ lát gạch, thảm bê tông phẳng lỳ, không còn dấu tích của cây ngái - loài cây dại từng mọc ở khắp đầu làng cuối ngõ, mỗi mùa hoa hương thơm bay ngạt ngào. Cũng vì thế, ban đầu làng có tên Hương Ngái, lâu ngày đọc chệch thành Hương Ngải. Những ngày này, dân làng và con cháu dòng họ Nguyễn Đăng náo nức chuẩn bị cho ngày giỗ và kỷ niệm 210 năm Ngày sinh của Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân. Danh tiếng và đức độ của cụ là niềm tự hào không chỉ đối với người dân Hương Ngải - nơi cụ sinh ra, thác về mà cuộc đời làm quan rất mực thanh liêm của cụ còn là tấm gương cho lớp lớp hậu sinh.

Ông Nguyễn Đăng An - hậu duệ đời thứ 5 dòng họ Nguyễn Đăng, năm nay đã 78 tuổi hào hứng kể những giai thoại về "cụ Hoàng" - con cháu Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân thường kính cẩn gọi cụ bằng cái tên thân thiết đó. Ông An cho biết, năm nào dòng họ Nguyễn Đăng cũng tổ chức giỗ cụ vào ngày 12-10 Âm lịch. Năm nay, ngày 25-10 Âm lịch là dịp kỷ niệm 210 năm Ngày sinh của cụ, các vị cao niên đã báo cho con cháu dòng họ trên khắp mọi miền Tổ quốc để sắp xếp công việc về quê. Những ngày này, khu mộ cụ táng tại cánh đồng đầu làng, trên tuyến đường từ làng đi đến phủ Sơn Tây xưa đã được sửa sang sạch đẹp - một công việc mà năm nào thanh niên trong làng cũng "xung phong" làm chu đáo…

Theo ghi chép của một số thư tịch cổ, Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân sinh ngày 25 tháng 10 năm Giáp Tý (1804), từ nhỏ đã nổi tiếng ham học, học rất giỏi và tỏ rõ chí khí. Suốt những năm đi học, Nguyễn Đăng Huân luôn để trong người một thẻ bài ghi hai chữ Trung - Hiếu. Học tập cần cù, chăm chỉ nhưng nhà nghèo không đủ tiền mua dầu, Nguyễn Đăng Huân bèn bắt đom đóm cho vào lọ lấy ánh sáng để học. Năm 26 tuổi Nguyễn Đăng Huân được vào dự thi Đình và đỗ đầu. Khoa thi này không có tam khôi đệ nhất giáp (tức là không lấy Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa), nên cụ tuy đỗ nhưng là đệ nhị Giáp chánh Tiến sĩ, đệ nhất danh Hoàng giáp Tiến sĩ.

Sau khi thi đỗ, Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân được nhận chức Hàn lâm viện ty soạn, sau bổ là tri phủ Điện Bàn (Quảng Nam). Cụ có lòng nhân ái bao dung và nổi tiếng là người làm quan công bằng, liêm chính, vì vậy rất được dân chúng trong vùng kính yêu. Khi về nhà lo tang cha, người dân đưa đến nhiều tặng vật nhưng cụ đều từ chối. Đoạn tang cha, cụ được triệu về kinh thành Huế giữ chức Hàn lâm viện thị giảng. Năm sau, cụ được thăng Lang trung bộ Lễ, Thanh lại tư viên ngoại lang, phụng chỉ vua soạn bộ "Minh Mệnh chính yếu".

Cụ luôn sống một cuộc đời thanh bạch, chỉ một mình tại nhiệm sở, còn vợ con vẫn ở quê nhà. Trong thời gian ở kinh thành Huế, cụ vẫn quan tâm đến công việc làng xã. Cụ là người viết bài văn chuông tạc trên chuông chùa Thượng Phúc của làng Hương Ngải (đúc năm 1835 và hiện còn lưu giữ tại chùa) và một số câu đối được lưu lại tại các nơi thờ phụng chung của làng. Cụ cũng là người xây dựng nên hương ước của làng thời bấy giờ, trong đó coi trọng việc học hành, giữ gìn truyền thống quê hương.

Năm Đinh Dậu, Minh Mệnh thứ 18 (1837), cụ mất tại bộ Lễ khi mới 34 tuổi. Nhà vua cử các quan khoa đạo và quan nội các vào lễ chỉ thấy một cái túi trong đó đựng vài bộ quần áo cũ và một chiếc áo ấm mới được vua ban, không có đồng tiền nào và cũng không có thứ gì quý giá. Sự thanh liêm, trong sáng của cụ đã được sử sách ghi chép lại. Theo "Đại Nam liệt truyện", khi Ngự sử đài tấu lên, vua rất thương tiếc nói rằng: "Đáng giận là lúc Nguyễn Đăng Huân còn sống không có ai đề cử đến". Sau đó vua truy tặng Thị Lang và phong Trung Thuận đại phu, tước Hương Đình Bá, ban tặng 8 chữ: "Thanh bạch tự trì, thế chi liêm lại" (Nghĩa là: Giữ được thanh bạch nên người đời không nguôi nhớ tới ông quan liêm khiết), lại ban thêm 300 quan để giúp đỡ mẹ già và vợ con. Nhà vua còn truyền chỉ cho các địa phương nơi xe đưa thi hài cụ về quê mai táng phải ra nghênh đón và quan sở tại phải thường xuyên đến thăm hỏi mẹ già. Từ kinh thành Huế về đến quê nhà Hương Ngải, thi hài đi đến đâu đều được các nơi tổ chức đón và đưa trọng thể. Vì thế cho đến nay, người đời vẫn truyền tụng về vị quan thanh liêm của đất Hương Ngải hai lần "vinh quy bái tổ". Ở quê nhà, người dân thương tiếc, tổ chức lễ tang trọng thể, khắc bia ghi lại công đức của cụ, tấm bia hiện nay vẫn còn tại khu mộ. Tại khu Văn Thánh, TP Huế, hiện nay vẫn còn bia tiến sĩ ghi tên cụ. Sách "Đại Nam nhất thống chí" trang 241 cũng ghi riêng một mục về thân thế, sự nghiệp của cụ.

Địa linh, nhân kiệt

Hương Ngải là vùng đất thuần nông, đồng ruộng làng Ngái phù sa cổ bạc màu, nhiều chỗ bị đá ong hóa. Làng không gần đường giao thông nên nghèo khó. Tuy nhiên, người dân nơi đây từ thế hệ này đến thế hệ khác đều cần cù lao động và đặc biệt các gia đình, dòng họ dốc lòng cho con em học hành đến nơi đến chốn. Qua các triều đại, nơi đây đã có 6 người thi đỗ Thái học sinh và Tiến sĩ, 53 người đỗ cử nhân, tú tài.

Trải qua thời gian, Hương Ngải vẫn bảo tồn được những dấu ấn lịch sử, văn hóa. Làng còn giữ được quán Nghinh Hương, nơi có 7 cây muỗm cổ thụ ứng với 7 ngôi trong chòm sao Bắc Đẩu. Theo kiểu thức liên kết và dấu vết của hệ thống ván sàn trên các thân cột, có thể đoán định quán Nghinh Hương được xây dựng theo phong cách kiến trúc thời Lê. Còn theo các cụ cao niên trong làng thì quán được xây dựng từ lâu trên một dải gò hình cây bút. Ngôi quán ẩn hiện trong những lùm cổ thụ, bên phải là một giếng cổ, tương truyền đây là huyệt "mắt rồng" quanh năm nước đầy ăm ắp.

Người nào thi đỗ cử nhân trở lên sẽ được làng đón tại quán Nghinh Hương và coi đó là hiền tài của đất Hương Ngải. Quán Nghinh Hương không đồ sộ, nguy nga nhưng hàm chứa một khát vọng về sự phát triển và đã được UBND TP Hà Nội xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật từ năm 2009. Nét độc đáo là lối kiến trúc khác lạ, bốn mặt để trống với 4 mái đao cong hình rồng vươn về bốn hướng. Bên trong 4 cột đá xanh vững chãi và 16 cột gỗ, đơn sơ nhưng giàu ý nghĩa về văn hóa, hàm chứa khát vọng vươn tới tri thức của người Hương Ngải xưa.

Cùng với sự nổi tiếng về truyền thống hiếu học, với nhiều đại khoa, tiến sĩ, sang thời cận đại có danh nhân Nguyễn Tử Siêu… Hương Ngải còn được nhiều nơi biết tiếng về việc dựng nhà gỗ theo lối cổ, với đôi bàn tay tài hoa, óc sáng tạo truyền từ đời này sang đời khác, trai làng nơi đây đã xây dựng, trùng tu hàng trăm ngôi nhà, đình chùa… góp phần gìn giữ và tỏa sáng tinh hoa văn hóa Việt. Tiêu biểu là việc phục hồi một số công trình cấp quốc gia: Nhà Thái Học - Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng cổ Đường Lâm, Yên Tử (Quảng Ninh)… Bên cạnh đó, người dân Hương Ngải còn nổi tiếng trong việc tạo tác đồ thờ như: hoành phi, câu đối, cuốn thư, án gian, khám và đồ nội thất: sập gụ, tủ chè, bàn ghế, tủ bếp, giường... Từ sự phát triển của nghề mộc với việc tạo nên những sản phẩm thủ công độc đáo, làng nghề truyền thống Hương Ngải đã được UBND TP Hà Nội phong danh hiệu "Làng nghề truyền thống Hà Nội" năm 2014.

Và đúng như ý nghĩa của bức đại tự do vua Tự Đức ban tặng làng năm 1874 với 4 chữ: "Mỹ tục khả phong" (Phong tục tốt đẹp), truyền thống hiếu học, vượt khó vươn lên của quê hương Hương Ngải đang được những người con tài hoa, cần cù ngày đêm vun đắp; đóng góp cho sự phát triển của quê hương đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vị quan thanh liêm hai lần “vinh quy bái tổ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.