Thời gian qua, UBND huyện Đông Anh đã chỉ đạo, phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn xử lý được hàng trăm trường hợp vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng.
Phần lớn diện tích sau khi thu hồi được sử dụng để thực hiện xây dựng các dự án phục vụ nhu cầu dân sinh, như điểm sinh hoạt cộng đồng, cây xanh, bãi đỗ xe... Thế nhưng, trái ngược với sự quyết liệt và hiệu quả trong công tác lập lại trật tự trong quản lý đất đai ở các địa phương cùng huyện, trên địa bàn các xã Đại Mạch, Việt Hùng vẫn tồn tại một số vi phạm, gây bức xúc dư luận.
Qua kiểm tra, trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện Đông Anh đã phát sinh khoảng 1.500 vi phạm về đất đai. Trước tình hình này, trong năm 2023, UBND huyện Đông Anh đã tổ chức cưỡng chế, xử lý 389 trường hợp vi phạm; trong đó có những vụ việc tồn tại nhiều năm tại khu cổng C, Khu công nghiệp xã Võng La và các vi phạm trên địa bàn các xã Tiên Dương, Vĩnh Ngọc. Sau đó, chính quyền huyện Đông Anh và một số xã tiếp tục vào cuộc quyết liệt, nghiêm túc và đến tháng 12-2024, xử lý thêm gần 500 trường hợp vi phạm về đất đai.
Tuy vậy, tại hai xã Đại Mạch và Việt Hùng, do chính quyền cơ sở buông lỏng công tác quản lý nên tình trạng san lấp, xây dựng trái phép công trình, nhà xưởng trên đất nông nghiệp chưa được xử lý dứt điểm.
Đơn cử, tại khu vực Đầm Sen (xã Đại Mạch), năm 2024, cơ quan chức năng của huyện Đông Anh đã lập biên bản hiện trạng đối với các công trình vi phạm của 17 hộ gia đình, cá nhân; tại xứ đồng Cống Đá (xã Đại Mạch) có một số hộ dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xây dựng công trình trên đất thuê thầu. Trong đó phải kể đến trường hợp hộ ông Hà Văn Thức có hành vi đổ đất, xây dựng công trình trên diện tích 276m2, không đúng với phương án sản xuất nông nghiệp và hợp đồng thuê đất nông nghiệp với chính quyền từ năm 2016.
Tương tự, tại xứ đồng Nách Quán (xã Đại Mạch), hộ gia đình ông Vương Văn Tuyết tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình không đúng với phương án sản xuất nông nghiệp và Hợp đồng thuê đất nông nghiệp số 23/HĐTĐ-TNMT ngày 2-5-2016. Nghiêm trọng hơn là việc hộ gia đình ông Nguyễn Thế Cường đã tự ý đổ đất phế thải xây dựng với diện tích 2.957m2 trên đất ao đã được UBND huyện phê duyệt trang trại nông nghiệp…
Tuy nhiên, đến thời điểm này, UBND xã Đại Mạch chưa hoàn thiện hồ sơ và đề xuất xử lý việc sử dụng đất đối với các hộ gia đình và cá nhân vi phạm nêu trên.
Trong khi đó, ngày 19-12-2024, quan sát trên địa bàn xã Việt Hùng, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, hơn 42.000m2 đất đầm Lìm bị biến thành nhà hàng, khu vui chơi và các dịch vụ phụ trợ. Đáng nói, trong phần diện tích trên có đến 2.000m2 là đất nông nghiệp công ích và 38.000m2 là đất nông nghiệp chính quyền giao cho 53 hộ gia đình theo Nghị định số 64-CP ngày 27-9-1993 của Chính phủ.
Sau khi thuê lại đất của các gia đình, ông Nguyễn Văn Hối đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vi phạm Điều 9, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo Chủ tịch UBND xã Việt Hùng Nguyễn Hữu Sáng, vi phạm của ông Nguyễn Văn Hối diễn ra trong những tháng gần đây. Ngày 21-10-2024, UBND huyện Đông Anh đã ban hành Quyết định số 10625/ QĐ-KPHQ buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với chủ đầu tư. Do ông Hối chưa chấp hành, ngày 9-12-2024, UBND huyện Đông Anh tiếp tục có Văn bản số 3500/UBND-TNMT đôn đốc việc chấp hành quyết định cưỡng chế, xử phạt vi phạm hành chính số 12834/QĐ-XPHC ngày 2-12-2024 của Chủ tịch UBND huyện Đông Anh. "Căn cứ theo nội dung văn bản này, trong thời gian 360 ngày, nếu ông Hối không khôi phục lại đất theo tình trạng ban đầu và nộp lại số lợi bất hợp pháp theo quy định, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định", ông Nguyễn Hữu Sáng nói.
Đối với những vi phạm tại xã Đại Mạch, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng cho biết, ngày 11-8-2023, UBND huyện đã có Thông báo kết quả giải quyết tố cáo số 2355/TB-UBND. Theo nội dung thông báo, việc người dân phản ánh chính quyền xã buông lỏng quản lý, không thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm về lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng tại khu Đầm Sen, Ao Đình, Cổng Bắc và Công Tây; xứ đồng Nách Quán và Cống Đá là tố cáo đúng một phần, trách nhiệm thuộc về UBND xã Đại Mạch. Lý giải cho việc hơn một năm chưa xử lý được vi phạm, theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh Hoàng Anh Tuấn là do hiện nay, UBND huyện đang tiến hành thanh, kiểm tra, làm rõ thời điểm vi phạm của các cá nhân, hộ gia đình.
Rõ ràng, việc xử lý vi phạm đất đai ở hai xã Đại Mạch và Việt Hùng cần sự vào cuộc trách nhiệm và quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng huyện Đông Anh cũng như chính quyền hai địa phương này, qua đó góp phần cùng các xã, thị trấn khác đưa công tác quản lý, sử dụng đất đai đi vào nền nếp, hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.