Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vi phạm pháp luật bảo vệ đê điều: Không để lũ đến nơi mới... xử!

Kim Nhuệ| 30/03/2020 06:34

(HNM) - Dù được coi là công trình đặc biệt quan trọng, thế nhưng nhiều tuyến đê sông của Hà Nội đang bị xâm hại, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố đê điều... Để giảm rủi ro thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân và Nhà nước trong mùa mưa, bão sắp tới, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội cần phải tập trung xử lý vi phạm, bảo vệ an toàn hệ thống đê điều…

Tháo dỡ công trình vi phạm pháp luật đê điều tại xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ).

Nhiều vi phạm nghiêm trọng

Chỉ còn hơn một tháng nữa, Hà Nội chính thức bước vào mùa mưa, bão năm 2020. Tuy nhiên, đi dọc các tuyến sông: Hồng, Đà, Đuống, Đáy, Cà Lồ… chảy qua địa bàn thành phố không khó để bắt gặp những đoạn đê, tuyến kè, bờ sông đang suy yếu do những vi phạm.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, trên tuyến sông Hồng, tại xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên) có gia đình ông Lê Đức Trịnh đã xâm phạm hàng nghìn mét vuông bãi sông nằm trong hành lang thoát lũ để xây dựng công trình, vườn hoa tiểu cảnh làm "Vườn trải nghiệm sáng tạo ong vàng"… Hay như gia đình ông Nguyễn Văn Bình ở xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ) đã đóng cọc bê tông cốt thép trên cơ kè Sen Chiểu - Phương Độ để làm mố đặt máy cẩu hàng hóa từ tàu, thuyền lên bãi sông… Tương tự, trên tuyến sông Cà Lồ, đoạn thuộc địa bàn huyện Đông Anh, gia đình ông Trần Đình Thanh (ở xã Nguyên Khê), ông Nguyễn Trọng Thư (ở xã Xuân Nộn), ông Lê Quang Hùng (ở xã Thụy Lâm) đổ hàng nghìn mét khối phế thải xây dựng xuống lòng sông để tạo mặt bằng trồng cây, dựng lều lán, chuồng trại chăn nuôi, cản trở trực tiếp dòng chảy tiêu thoát lũ, đe dọa an toàn tuyến đê Cà Lồ, gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai…

Trưởng phòng Quản lý đê điều (Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội) Phạm Quang Đông cho biết: Những vi phạm trên không chỉ đe dọa trực tiếp đến an toàn hệ thống đê điều mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố công trình của chính người vi phạm. Do vậy, các hạt quản lý đê đã lập biên bản, tạm đình chỉ hành vi vi phạm và chuyển hồ sơ đề nghị cấp xã, cấp huyện xử lý theo thẩm quyền…

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các địa phương mới chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính, chưa giải tỏa, xử lý triệt để các vi phạm, hoặc đã giao các chủ vi phạm tự giải tỏa nhưng tiến độ rất chậm… Trước tình hình đó, ông Phạm Quang Đông lo ngại: Nếu các địa phương không kiên quyết xử lý, tuyến đê hữu Hồng (đoạn qua xã Sen Phương), đê tả Cà Lồ (đoạn qua xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm)... khó có thể chống đỡ trong mùa mưa bão. Đặc biệt, đoạn đê đi qua xã Sen Phương nằm trên nền của lòng sông cổ và thường xuyên xuất hiện mạch đùn, mạch sủi khi mực nước sông Hồng đạt từ mức báo động cấp I trở lên.

Ông Nguyễn Văn An, người dân xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ) bày tỏ: “Đê điều là công trình phòng, chống thiên tai đặc biệt quan trọng, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân… Không thể vì lợi ích của một vài tập thể, cá nhân mà tạo ra rủi ro thiên tai với cả cộng đồng”.

Tình trạng vi phạm như trên cũng diễn ra ở các quận, huyện, thị xã như: Hoàng Mai, Sơn Tây, Ba Vì, Đông Anh, Phú Xuyên…

Kiên quyết xử lý vi phạm

Công trình “Vườn trải nghiệm sáng tạo ong vàng” tại xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên) xâm phạm hàng nghìn mét vuông nằm trong hành lang thoát lũ sông Hồng.

Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội cho biết, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 116 vụ vi phạm pháp luật đê điều. Tuy nhiên, tính đến ngày 28-3, các địa phương mới xử lý được 33 vụ, chưa xử lý dứt điểm 83 vụ.

Ba Vì là huyện dẫn đầu thành phố với 23 vụ vi phạm pháp luật đê điều. Đến nay huyện mới xử lý dứt điểm được 4 vụ, tồn đọng 19 vụ. Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân trong bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai còn hạn chế; chính quyền cấp xã còn nể nang, né trách nhiệm xử lý vi phạm... Đây cũng là nguyên nhân chung dẫn đến vi phạm đê điều tại các địa phương của thành phố hiện nay.

Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều phục vụ công tác phòng, chống thiên tai năm 2020, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội Trần Thanh Mẫn cho biết, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có nhiều văn bản đề nghị các quận, huyện, thị xã khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ vi phạm trước ngày 15-5. Các hạt quản lý đê đã chủ động phối hợp với các địa phương thiết lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm…

“Nhận được hồ sơ vi phạm của gia đình ông Nguyễn Văn Bình, huyện đã nghiêm khắc phê bình Chủ tịch UBND xã Phương Độ (thời điểm chưa hợp nhất với xã Sen Chiểu thành xã Sen Phương) để xảy ra vi phạm nhưng chậm xử lý theo thẩm quyền; đồng thời, quyết định đình chỉ hoạt động bến bãi tại khu vực này từ ngày 14-2 cho đến khi hoàn thành công tác giải tỏa các công trình vi phạm. Hiện tại, gia đình ông Nguyễn Văn Bình đã tự tháo dỡ được 60% khối lượng công trình. Nếu sau ngày 15-4, ông Nguyễn Văn Bình chưa hoàn thành, huyện sẽ cưỡng chế để xử lý dứt điểm...”, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho biết.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh thông tin: Huyện đã phê bình Chủ tịch UBND xã Hồng Thái chưa tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm của gia đình ông Lê Đức Trịnh; đồng thời, yêu cầu xã Hồng Thái khẩn trương hoàn thành công tác xử lý trước ngày 31-3… Cùng với đó, huyện Phú Xuyên giao Phòng Nội vụ thanh tra công vụ, xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm nếu phát hiện cán bộ bao che để vi phạm tồn tại…

Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết đã giao cơ quan quản lý đê phân loại vi phạm và tham mưu với các quận, huyện, thị xã lập kế hoạch xử lý dứt điểm, hoàn thành trước ngày 15-4 đối với những vụ việc xâm hại trực tiếp đến thân, mái, hành lang bảo vệ đê, kè; xử lý dứt điểm và hoàn thành trước ngày 15-5 đối với những vi phạm ảnh hưởng đến dòng chảy… Cùng với việc khắc phục tình trạng xâm hại công trình phòng, chống thiên tai, hạn chế tình trạng “đá bóng trách nhiệm”…, Sở sẽ tăng cường thanh tra công vụ để kịp thời ngăn chặn và xử lý các tập thể, cá nhân có dấu hiệu bao che vi phạm… Mặt khác, Sở NN&PTNT Hà Nội đang tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi những bất cập của Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai sát với thực tiễn, phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô…

Mùa mưa bão không còn xa, biến đổi khí hậu ngày càng khó lường. Vậy nên rất cần khẩn trương xử lý triệt để các vi phạm pháp luật về đê điều để chủ động giảm rủi ro thiên tai, không nên để đến khi mưa lũ đến nơi mới tiến hành.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm pháp luật bảo vệ đê điều: Không để lũ đến nơi mới... xử!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.