Góc nhìn

Vì người dân và doanh nghiệp

Đình Hiệp 17/07/2024 - 07:02

Cải cách hành chính là một trong ba nhiệm vụ đột phá chiến lược (thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng) được Chính phủ đặt trọng tâm ưu tiên để xây dựng nền hành chính theo hướng dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.

Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể cho mọi cải cách, thời gian qua, công tác cải cách hành chính nhận được sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó, đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ, tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, các bộ, ngành thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 168 quy định kinh doanh tại 16 văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, các cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa 40 thủ tục hành chính nội bộ và phê duyệt theo thẩm quyền phương án đơn giản hóa 151 thủ tục; phê duyệt phương án đơn giản hóa 861 thủ tục.

Là một trong những địa phương đi đầu về cải cách hành chính, đến nay, Hà Nội đã phân cấp gần 40% thủ tục hành chính (vượt chỉ tiêu so với Chính phủ đề ra) cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã để tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, thành phố đã rà soát chức năng, nhiệm vụ của 21 sở, ngành, các cơ quan tương đương, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và phân cấp, ủy quyền.

Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều điểm nghẽn, vướng mắc, hạn chế, gây cản trở cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Một số bộ, ngành phản ứng chính sách còn chậm; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức xử lý văn bản, công việc chậm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ảnh hưởng đến việc giải quyết hồ sơ, công việc của người dân và doanh nghiệp, việc huy động các nguồn lực phát triển.

Trên tinh thần đó, tại phiên họp thứ tám của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ diễn ra sáng 15-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong cải cách hành chính. Trong đó, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần xác định “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả”, với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm của cải cách hành chính.

Để làm tốt nhiệm vụ trên, trước hết các cấp, ngành phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục hằng ngày. Trước mắt, cần tập trung rà soát các quy định, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn đang cản trở hoạt động cải cách hành chính; đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ; giải quyết ngay những vấn đề nóng, cấp bách, gây bức xúc trong nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số gắn với phân cấp, ủy quyền để tạo thuận lợi cho người dân khi giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Đồng thời, sớm chấm dứt việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ, ngành, cơ quan, giữa trung ương với địa phương; dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền; phản ứng chính sách, xử lý các vướng mắc về thủ tục hành chính nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả hơn nữa.

Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện tốt cơ chế khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đối thoại, kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề phát sinh một cách linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì người dân và doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.