(HNM) - Nhìn lại 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu đặc biệt, có ý nghĩa lớn lao trên chặng đường xây dựng, phát triển nước nhà phồn thịnh.
Huy động mọi nguồn lực phát triển giáo dục
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu rõ, nhìn lại 30 năm đổi mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành quả quan trọng, GD-ĐT tiếp tục phát triển. Quan điểm "GD-ĐT là quốc sách hàng đầu" tiếp tục được quán triệt. Chủ trương đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho con người đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, chỉ đạo thực hiện và nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội. Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy rõ, dù ở trong giai đoạn khó khăn nào, ngân sách đầu tư cho GD-ĐT vẫn luôn tăng và luôn được đặt ở vị trí ưu tiên; chỉ tính trong 15 năm trở lại đây đã tăng từ 15%, lên mức 20%.
Đây cũng là giai đoạn hệ thống cơ sở GD-ĐT các cấp học, bậc học phát triển và phân bố rộng khắp ở mọi vùng miền. Tính đến hết năm học 2014-2015, tổng số trường học từ mầm non đến đại học trên cả nước là gần 44 nghìn trường; chỉ so với năm học trước đó, số lượng này cũng đã tăng hơn 400 trường. Hệ thống giáo dục ngoài nhà trường cũng phát triển mạnh trong giai đoạn này, với hơn 10 nghìn trung tâm học tập cộng đồng, đạt tỷ lệ gần 99% số xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng và gần 800 trung tâm giáo dục thường xuyên. Sự quan tâm, đầu tư phát triển hệ thống giáo dục trong và ngoài nhà trường đã tạo cơ hội cho mọi người dân, ở mọi tầng lớp được học tập thường xuyên, suốt đời, góp phần thực hiện hiệu quả đề án xây dựng xã hội học tập đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Giờ học tin học của học sinh trường THCS Cao Viên, Thanh Oai. Ảnh: Thái Hiền |
Để có được mạng lưới trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước, việc tăng cường đầu tư xây dựng và bố trí quỹ đất được đặc biệt quan tâm. Đề án kiên cố hóa trường, lớp học được triển khai trong nhiều năm với hàng trăm nghìn phòng học, nhà công vụ được bổ sung, thay thế các phòng học tạm, học nhờ. Nhiều địa phương đã ban hành các chính sách ưu đãi, huy động mọi nguồn lực để phát triển giáo dục. Tại Hà Nội, riêng năm học 2014-2015 có 78 dự án xã hội hóa với tổng mức đầu tư đăng ký trên 5.600 tỷ đồng, diện tích dành cho xây dựng trường lên tới hơn 1 triệu mét vuông; TP Hồ Chí Minh huy động tài trợ gần 1.500 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất trường lớp.
Đòi hỏi tất yếu
Để "phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của GD-ĐT; giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân" như phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới tại Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, việc đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT là đòi hỏi tất yếu từ cả nội lực ngành và yêu cầu khách quan. Nhìn lại chặng đường đã qua, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành GD-ĐT còn nhiều hạn chế cần khắc phục, đáng kể là cách dạy, cách học còn nặng về truyền thụ một chiều, nặng hình thức, chưa chú ý nhiều đến việc rèn kỹ năng thực hành cho học sinh.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhận định: Qua 3 lần cải cách giáo dục, nhưng hầu như chưa lần cải cách nào động chạm đến phương pháp, mà chỉ tăng hoặc giảm lượng kiến thức. Lần đổi mới căn bản này đã đề cập đến cách tiếp cận, cách thức, phương pháp giáo dục, nói như nguyên lý của chủ nghĩa Mác- Lênin, đó là "Quan trọng không phải sản xuất ra cái gì, mà sản xuất như thế nào", còn theo ngôn ngữ khoa học, là "chuyển từ phương thức truyền thụ kiến thức một chiều sang phát triển kỹ năng và năng lực". Sự điều chỉnh này làm thay đổi triết lý: Giáo dục vì sự phát triển của học sinh theo lộ trình để trở thành người lao động tốt, chứ không phải cứ trang bị nhiều kiến thức, nhớ được nhiều kiến thức là được đánh giá giỏi. Trước đây, chúng ta chú ý trang bị cho học sinh kiến thức, còn nay tập trung truyền tải phương pháp, cách thức để học sinh biết tự học, rồi dần tự nghiên cứu, hình thành thói quen tự học thường xuyên, suốt đời.
Với mong muốn giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT" đã đề ra 9 nhiệm vụ, cũng là giải pháp cốt lõi cần triển khai giai đoạn tới. Toàn ngành đã và đang tích cực đổi mới công tác thi, kiểm tra, coi đây là khâu đột phá của lộ trình đổi mới GD-ĐT. Kết quả triển khai kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 bước đầu cho thấy có hiệu ứng tích cực đến nhiều mặt của quá trình giáo dục. Làm tốt công tác đổi mới thi, kiểm tra sẽ tác động mạnh mẽ, làm thay đổi cách dạy, cách học; ảnh hưởng đến việc xây dựng chương trình GD-ĐT; cải thiện dần những tồn tại của ngành như dạy thêm, học thêm, bệnh hình thức... Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đang được hoàn thiện; Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông đang tích cực được triển khai, trong đó có việc định hướng cho 7 trường đại học sư phạm lớn nhất cả nước xây dựng dự án đầu tư thiết bị phục vụ đào tạo với tổng kinh phí 250 tỷ đồng.
Với sự chung sức, quyết tâm của ngành, cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân, mục tiêu phát triển con người Việt Nam toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước chắc chắn sẽ thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.