Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì một thế giới không vũ khí hạt nhân

Thùy Dương| 05/05/2010 06:02

(HNM) - Đó là "ưu tiên cao nhất của Liên hợp quốc, là khát khao cháy bỏng của nhân loại" vừa được Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định trong diễn văn khai mạc Hội nghị xem xét thực hiện Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) tại New York, Mỹ ngày 3-5.

Hơn 100 nước tham gia sự kiện kéo dài gần một tháng (từ ngày 3 đến 28-5) với mong đợi sẽ có những hành động kiên quyết để xây dựng một thế giới an toàn hơn.

Toàn cảnh phiên khai mạc hội nghị tại New York (Mỹ).

Từ khi hai quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản (ngày 6-8 và 9-8-1945) làm hơn 350.000 người chết và bị thương, nỗi ám ảnh vũ khí hạt nhân đã trở thành bóng ma đe dọa sự an bình của loài người. Vì thế, 40 năm trước, NPT được ký kết (ngày 1-7-1968) đánh dấu một bước tiến lớn của nhân loại trong nỗ lực tiến tới một thế giới không có vũ khí hủy diệt, một thế giới thanh bình hơn cho mọi dân tộc.

Đến nay, đã có 188 quốc gia thành viên LHQ tham gia NPT, trong đó có 5 cường quốc hạt nhân là Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc. Ấn Độ, Pakistan và Israel vẫn từ chối ký NPT; còn CHDCND Triều Tiên đã rút khỏi NPT từ ngày 10-1-2003.

Diễn ra định kỳ 5 năm một lần, Hội nghị NPT là cơ hội để các quốc gia trên thế giới cùng nhìn nhận lại và thảo luận các giải pháp tiến tới hạn chế để cuối cùng là loại bỏ loại vũ khí giết người hàng loạt này. Hội nghị gần đây nhất được tổ chức năm 2005, đã thất bại khi NPT không thông qua được một tuyên bố nào do bất đồng lớn giữa các nước. Từ khi tiếp quản Nhà Trắng, ý tưởng của Tổng thống Mỹ Barack Obama về thế giới không có vũ khí hạt nhân, chiến lược hạt nhân mới của Mỹ, thỏa thuận mới Mỹ - Nga về cắt giảm vũ khí hạt nhân... đã khiến dư luận quốc tế hy vọng cuộc gặp "hạt nhân" này không để khách dự "trắng tay" như 5 năm trước. Tuy nhiên, dù có một tiền đề thuận lợi hơn, nhưng mối hoài nghi về một thành công vẫn còn đó. Thách thức mà các nước phải cùng vượt qua trong những ngày tới là làm cho NPT có hiệu lực hơn và sử dụng năng lượng hạt nhân vào các mục đích hòa bình.

Thực tế, thực thi NPT đã trở nên khá căng thẳng trong vài năm gần đây, khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đối mặt với những thất bại trong vấn đề xác định và đốc thúc thực hiện các quy tắc hạt nhân, đặc biệt là tại các khu vực lâm vào bất ổn trên thế giới. Trong khi đó, các nhóm khủng bố chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ sở hữu vũ khí hạt nhân. Đây là hiểm họa chết người của cả thế giới.

Tâm điểm trong những giờ đầu cuộc xem xét thực hiện NPT của các nước đã hướng vào Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, đại diện cho Iran tham dự Hội nghị NPT năm nay, khi người có quyền "nhấn nút" của Iran tuyên bố Tehran không cần phải lấy lòng tin của phương Tây về chương trình hạt nhân của mình. Cùng với đó là phản ứng được cho là cứng rắn và lạnh nhạt của phương Tây với bài phát biểu hiếm hoi của Tổng thống Iran tại diễn đàn này của LHQ. Ngoài ra, một trong những khiếm khuyết lớn nhất của NPT là không có chế tài xử phạt nào dành cho các quốc gia không tuân thủ các quy định cũng được các nước đặc biệt quan tâm...

Để thể hiện bước đi cụ thể và tiên phong trong "minh bạch" hạt nhân trước cộng đồng quốc tế, lần đầu tiên (ngày 3-5), ngay sau khi khai mạc Hội nghị NPT, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công khai tiết lộ con số 5.113 đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí của Mỹ. Đây là một bí mật được giữ kín trong suốt nhiều thập kỷ qua. Lầu Năm Góc còn "tiết lộ" số liệu thống kê hằng năm về số vũ khí chiến lược tầm xa và phi chiến lược tầm ngắn có từ năm 1962 tới nay. Rõ ràng, với sự kiện công khai số liệu về kho vũ khí nguyên tử, Washington muốn thuyết phục các quốc gia tăng cường khả năng ngăn ngừa phổ biến vũ khí hủy diệt; đồng thời nhằm hối thúc Triều Tiên trở lại với NPT và hơn tất cả, Tổng thống Barack Obama muốn một kết thúc có hậu cho Hội nghị NPT lần này.

Thế nhưng, kể từ khi thế giới chứng kiến sức hủy diệt của vũ khí nguyên tử, cuộc theo đuổi mục tiêu vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân chưa bao giờ là điều dễ dàng. Với nhiều quốc gia, ước mơ về một cuộc sống bình yên gần như không tưởng, vì Trái đất chưa lúc nào thực sự ngưng tiếng súng. Đây là mối quan tâm lớn mà các nước mang tới Hội nghị NPT lần này nhằm nỗ lực phấn đấu vì một thế giới bình yên trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì một thế giới không vũ khí hạt nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.