(HNM) - Chuyện tiền bạc lại một lần nữa dấy lên trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Trực tiếp đề cập đến tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 19 (APEC-19) ở Hawaii cuối tuần qua lập tức trở thành một chủ đề nóng.
Tỷ giá đồng NDT/USD gây căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung. |
Tuyên bố với ngôn từ thẳng thắn chưa từng có của ông chủ Nhà Trắng rằng: "Chúng tôi muốn Trung Quốc tôn trọng các quy định và tỷ giá" đã phát đi thông điệp về cuộc đối đầu tiền tệ dai dẳng Mỹ - Trung vừa được đẩy lên một cấp độ mới. Không chỉ còn giới hạn trong những đề xuất, thảo luận và bỏ phiếu của các nghị sỹ tại lưỡng viện, vấn đề NDT đã được đích thân Tổng thống Mỹ nhắc tới. Theo đó, NDT phải được vận hành nhằm bảo đảm công bằng thương mại song phương Mỹ - Trung cũng như tái cơ cấu kinh tế thế giới. Lập trường cứng rắn nhất từ trước tới nay của Tổng thống B.Obama về NDT cho thấy Washington đang sốt ruột trước tốc độ được cho là chậm chạp của đối tác phương Đông về cải thiện tỷ giá hiện nay (đang ở mức 6,35NDT/1USD).
Sự khác biệt về tỷ giá vốn là một trở ngại khó vượt giữa hai nền kinh tế; song, chưa khi nào ông chủ Nhà Trắng lại công khai bày tỏ quan điểm về chính sách tiền tệ của Trung Quốc thay vì lựa chọn thảo luận tại các cuộc họp kín như thường diễn ra. Động thái này không phải là ngẫu nhiên. Với nền kinh tế đang chập chờn giữa hồi phục và suy thoái cùng tỷ lệ thất nghiệp chưa thấp hơn con số kỷ lục 9%, ông Obama hiện đang phải chịu sức ép ghê gớm từ dư luận trong nước hối thúc nền kinh tế thứ hai thế giới phải là một sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp Mỹ tại thị trường đầy hấp dẫn này. Vòng đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ đã vận hành cũng là một lý do khiến nhà lãnh đạo Mỹ tung lá bài tiền tệ từng được nhiều người tiền nhiệm sử dụng trên đường đua vào Nhà Trắng ở những thời điểm quyết định.
Vậy là, yếu tố chính trị lại được nhắc tới trong "cuộc chiến" mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mặc dù đã tỏ rõ không khoan nhượng với người khổng lồ bên kia Thái Bình Dương nhưng thực chất, Mỹ chưa có một cơ chế khả dĩ để "nắn" chủ nợ lớn với số trái phiếu lên đến khoảng 1.100 tỷ USD. Trừng phạt thương mại chắc chắn kéo theo sự trả đũa như một tất yếu từ đối phương không phải là một lựa chọn trong bối cảnh 300 triệu người tiêu dùng trung lưu Trung Quốc - tương đương với dân số Mỹ - đang là mỏ vàng tiềm năng để các doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm tăng trưởng. Washington cũng hoàn toàn hiểu rằng Bắc Kinh không dễ dàng tăng nhanh giá đồng nội tệ vốn vẫn thấp hơn đến 20% so với thực tế - vì như thế sẽ đồng nghĩa với việc đánh tụt lợi thế của nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu thế giới. Trong điều kiện, lạm phát ở Trung Quốc đã giảm xuống 5,5% giữa lúc tăng trưởng quý III chỉ đạt 9,1%, thấp nhất từ năm 2009 do nhu cầu xuất khẩu suy yếu và thắt chặt tiền tệ, thì khả năng nền kinh tế thứ hai hành tinh nhanh chóng nới rộng tỷ giá NDT so với USD là không thể.
Vì thế, dù có kịch tính đến mức nào thì trong thời gian tới, tranh chấp giữa giá trị USD và NDT như một góc khuất của sự cách biệt Mỹ - Trung Quốc sẽ chưa thể khiến hai bên từ bỏ hợp tác để đi về hai hướng khác nhau. Mỹ vẫn chưa thôi hối thúc đối tác lớn là một dự báo rõ ràng nhưng sẽ không thể quá mạnh tay; trong khi đó, Trung Quốc sẽ không thể không theo đuổi cải cách chính sách tiền tệ như từng cam kết; song, cũng không vì thế mà dễ bị dẫn dắt trong cuộc chơi nguy hiểm này. Về tổng thể, cơ hội vẫn nhiều hơn trở ngại với cả hai; nhưng, cuộc đối đầu tiền tệ theo đúng bản chất của nó là sự xung đột lợi ích sẽ là vết rạn nứt khó lành trong quan hệ Mỹ - Trung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.