Việc có hay không tiếp tục để duy trì hệ trung học cơ sở trong trường trung học phổ thông chuyên ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, nhất là với cha mẹ học sinh có con đang học lớp 5. Nhiều trăn trở cũng đặt ra từ đây...
Thông tin Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam có thể không tuyển sinh lớp 6 năm học 2024-2025 đang khiến nhiều phụ huynh hoang mang, thậm chí tiếc nuối và cả bức xúc vì bị động. Tuy nhiên, việc bỏ hệ trung học cơ sở trong trường chuyên cũng thu hút ý kiến trái nhiều, cho rằng con trẻ sẽ bớt áp lực khi phải chạy sô, ròng rã tới 2-3 năm ở cấp tiểu học để ôn luyện vào lớp 6.
Nguyện vọng của phụ huynh
Hai ngày nay, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo “tuýt còi” tuyển sinh trung học cơ sở ở trường trung học phổ thông chuyên, trong đó có tuyển sinh lớp 6 Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam khiến nhiều phụ huynh có con đang học lớp 5 đứng ngồi không yên.
Bà Nguyễn Phương Anh, phụ huynh có con đang học lớp 5 Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết, cả nhà rất bất ngờ và hoang mang trước thông tin Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam có thể không tuyển sinh lớp 6 năm học tới. Gia đình có định hướng cho con thi vào trường từ khi con còn học lớp 3 và đang nỗ lực đồng hành cùng con thực hiện ước mơ này. Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là tới kỳ thi, nếu dừng đột ngột như này sẽ khiến con hụt hẫng, gia đình cũng bị động trong việc chuẩn bị phương án khác.
Ông Trần Minh Long, có con đang học lớp 5 Trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm) cũng bày tỏ băn khoăn: "Việc tuyển sinh lớp 6 Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã duy trì ba mươi năm nay và có uy tín với chất lượng đào tạo tốt, rất nhiều gia đình mong muốn con được vào trường từ cấp trung học cơ sở để sau này có nền tảng học tiếp ở trung học phổ thông, nếu dừng tuyển sinh thì rất lãng phí và đáng tiếc. Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là tới kỳ tuyển sinh, việc dừng đột ngột thế này khiến các gia đình hoang mang và bị động. Tôi mong cơ quan chức năng sớm có thông tin chính thức về kế hoạch cũng như phương án tuyển sinh năm học tới với tinh thần giữ ổn định và xét tới nguyện vọng của phụ huynh, học sinh".
Thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang nghiên cứu tham mưu thành phố đề xuất cơ chế đặc thù với những giải pháp phù hợp trong công tác tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông chuyên nhận được sự đồng thuận.
Theo các chuyên gia, trong khi chờ phương án chính thức, phụ huynh học sinh cũng cần sẵn sàng tâm thế linh hoạt để ứng phó. Nguyện vọng gửi con theo học ở các trường tốt là nguyện vọng chính đáng của phụ huynh học sinh. Trên địa bàn thành phố hiện có nhiều trường trung học cơ sở chất lượng cao đáp ứng nguyện vọng học tập của học sinh. Các em vốn đã vững kiến thức, kỹ năng chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội, đồng thời, cũng sẽ phát huy tốt năng lực khi học ở cấp trung học cơ sở, dù ở bất kỳ loại hình trường nào.
Trăn trở về áp lực của học sinh tiểu học
Câu chuyện trong một nhóm phụ huynh Hà Nội về một bà mẹ bật khóc, mất ngủ cả đêm trước thông tin Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam có thể dừng tuyển sinh lớp 6 vì thương con suốt 5 năm qua không có nghỉ hè đặt ra nhiều trăn trở.
Bà Trần Thị Bích Hằng, phụ huynh học sinh một trường tư thục chia sẻ: "Đọc những tâm sự này, càng thương các con còn nhỏ tuổi đã bị áp lực học hành chiếm hết thời gian tuổi thơ, lại càng giận bà mẹ. Hành trang của những cô, cậu học trò chưa tròn 10 tuổi bình thường vốn đã không ít vất vả, lại gánh thêm bao kỳ vọng, mong muốn của bố mẹ thì thực sự đáng thương".
Để được vào lớp 6 Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, hàng nghìn gia đình học sinh tiểu học đã chuẩn bị cho hành trình này từ khi các con còn học lớp 3, thậm chí từ lớp 1, 2. Tiêu chí xét tuyển vào trường không chỉ thông qua bài thi, mà còn cần có một học bạ thật trọn vẹn. Năm lớp 5, nhiều gia đình còn chạy sô đưa con đến các “lò luyện” để các con tập dượt với các bài kiểm tra được cho là của thầy, cô giáo uy tín của Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam phụ trách. Điều này dần trở thành bình thường, bởi chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 hằng năm của trường chỉ khoảng 200, nhưng số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển thường là 2.000, thậm chí có năm lên đến 3.000 hồ sơ.
Ông Trần Hoài Nam, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) cho rằng, với tỷ lệ chọi 1/10, thậm chí 1/15, thì việc học sinh phải dồn sức để ôn luyện là điều đương nhiên, nếu không sẽ không bao giờ “có cửa” để vào trường. Chưa kể, các con phải luôn gồng mình suốt những năm học tiểu học để có một học bạ đẹp từ lớp 1. Việc bỏ hệ trung học cơ sở trong trường trung học phổ thông chuyên là thực hiện theo Luật Giáo dục và cũng đã được xới xáo nhiều lần và tôi cho rằng lúc này cần có sự dứt khoát để việc thực hiện được thống nhất trên cả nước. Nếu thực hiện được việc này cũng nhằm góp phần giảm gánh nặng học hành cho trẻ tiểu học.
Theo các chuyên gia, Điều 62 Luật Giáo dục đã nêu rõ, trường chuyên được thành lập ở cấp trung học cơ sở, vì vậy không có cấp trung học cơ sở trong trường chuyên. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có chỉ đạo rõ về nội dung này. Không chỉ ở Hà Nội, tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác cũng đang có hệ trung học cơ sở trong trường trung học phổ thông chuyên.
Với vị thế và đặc thù của Thủ đô, ngành Giáo dục thành phố có thể xem xét, nghiên cứu đề xuất thực hiện theo cơ chế đặc thù trên căn cứ pháp lý chặt chẽ và hiệu quả thực tế triển khai những năm qua. Phương án này cũng cần tính đến sự ổn định lâu dài và bảo đảm thuận lợi cho gia đình người học, tránh đẩy phụ huynh học sinh vào thế bị động. Phương án tuyển sinh cụ thể cần được công bố rộng rãi trước ít nhất 1 năm để gia đình có con em học chủ động có kế hoạch phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.