Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẻ vang một chặng đường

Thống Nhất| 13/11/2014 06:59

(HNM) - 20-11 năm nay, các nhà giáo Hà Nội kỷ niệm ngày lễ trọng của mình trong một dịp đặc biệt: Tròn 60 năm thành lập ngành GD-ĐT Thủ đô và đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Huân chương Độc lập hạng Nhất.


Cách đây 60 năm, vào những ngày đầu tháng 10-1954 lịch sử, trong niềm hân hoan phấn khởi của nhân dân sau ngày Thủ đô được giải phóng, những người làm công tác giáo dục (GD) đã khẩn trương bắt tay vào việc "hồi sinh" một nền GD còn nhiều hạn chế. Cả Hà Nội khi ấy chỉ có 104 cơ sở GD, đáp ứng cho khoảng 20% số trẻ trong độ tuổi đến trường. Dù bộn bề công việc, song chỉ 10 ngày từng đoàn quân chiến thắng tiến về Thủ đô, các trường học của Hà Nội đã tổ chức khai giảng, chính thức bước vào năm học đầu tiên sau giải phóng.

Cô trò trường Tiểu học Thăng Long. Ảnh: Ngọc Châu



Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt", 60 năm qua, đội ngũ nhà giáo Thủ đô đã không ngừng nỗ lực, góp phần xây dựng ngành GD-ĐT phát triển mạnh về quy mô, giữ vững vị thế "đầu tàu" về chất lượng. Xuất phát điểm với một "cơ ngơi" nghèo nàn, đến nay, GD Thủ đô đã có gần 2.500 cơ sở ở mọi cấp học, ngành học, thu hút hơn 1,5 triệu HS. Tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp ngày càng cao với hơn 30% trẻ độ tuổi nhà trẻ, 90% trẻ độ tuổi mẫu giáo, riêng trẻ 5 tuổi đạt 100%. Mạng lưới các trường phổ thông nhiều năm nay đã đáp ứng nhu cầu học tập cho 100% HS đến tuổi vào lớp 1, lớp 6 và lớp 10 ở mọi loại hình.

Với các giải pháp mạnh mẽ trong đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, chất lượng GD toàn diện của HS Hà Nội có nhiều chuyển biến, góp phần tô thắm bảng vàng thành tích của ngành GD Thủ đô và cả nước. Chất lượng GD đại trà luôn ổn định, điểm trung bình thi tuyển vào ĐH hằng năm luôn đứng trong tốp đầu của cả nước. Chất lượng GD "mũi nhọn" có nhiều tiến bộ, khẳng định vị thế của GD Thủ đô với bạn bè trong nước và quốc tế. 5 năm gần đây, Hà Nội có 640 HS đoạt giải quốc gia, 26 HS đoạt giải quốc tế. Năm học 2013-2014, Hà Nội tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về số lượng và chất lượng giải trong kỳ thi HS giỏi quốc gia với 137 giải, tăng 7 giải so với năm học trước.

8 đơn vị, 2 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 20 tập thể, cá nhân được tặng Huân chương Độc lập; 287 đơn vị, cá nhân được tặng Huân chương Lao động; 344 tập thể, cá nhân được tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 252 đơn vị được UBND thành phố tặng Cờ "Đơn vị thi đua xuất sắc" dẫn đầu; 4 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, 234 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 1 nhà giáo đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua" toàn quốc; 1 nhà giáo được tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú…

Vững nền, bền chất lượng

Năm 2008 đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của ngành GD Hà Nội khi mở rộng địa giới hành chính, quy mô GD Thủ đô tăng gấp đôi, là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng cơ sở GD và giáo viên, HS. Đây cũng là giai đoạn Hà Nội tập trung tăng cường đầu tư nhằm giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng GD ở mọi vùng miền. Mục tiêu "Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài" được kiên trì triển khai với nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ và quyết liệt nhằm tăng chất lượng, giảm khoảng cách về điều kiện và chất lượng GD ở các nhà trường.

Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng GD của Thủ đô. Thành phố đã ban hành Kế hoạch 111/KH-UB về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giai đoạn 2011-2016. Kinh phí dành cho công tác bồi dưỡng giáo viên lên tới hơn 20 tỷ đồng/năm, tăng 2,5 lần so với 5 năm trước, góp phần tích cực hoàn thiện về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho hơn 80 nghìn giáo viên các cấp học. Phát huy tinh thần trách nhiệm và nêu gương sáng về phẩm chất đạo đức, đội ngũ nhà giáo Thủ đô đã để lại dấu ấn với đồng nghiệp cả nước khi tham gia nhiều cuộc vận động lớn của ngành như "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", "Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực"… Hà Nội cũng là nơi khởi nguồn của nhiều cuộc vận động có ý nghĩa xã hội sâu sắc như "Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu HS nghèo, HS có hoàn cảnh khó khăn", cuộc vận động xây dựng "Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm", "Nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, HS thanh lịch".

Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ và hiện đại. Trước yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn mới, thể hiện sự quan tâm thiết thực cho sự nghiệp "trồng người", Hà Nội đã ban hành quy hoạch mạng lưới trường học và quy hoạch phát triển hệ thống GD mầm non, GD phổ thông, GD thường xuyên, GD chuyên nghiệp Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Với việc xây dựng thêm hơn 1.200 trường học, xác lập cơ chế ưu tiên dành đất xây trường, hoàn thiện về chuyên môn, phẩm chất cho đội ngũ nhà giáo, Hà Nội đã và đang xây dựng nền móng vững chắc, tạo đà cho ngành GD Thủ đô ngày càng khởi sắc cả về lượng và chất, xứng đáng với vị thế "đầu tàu".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẻ vang một chặng đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.