Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về Tây Nguyên uống rượu cần

ANHTHU| 19/03/2006 08:54

Đến Tây Nguyên bạn sẽ có dịp thưởng thức rượu cần được ủ từ các loại lúa, mỳ, bo bo, hạt kê, hạt gạo... với hương vị đặc biệt và cách uống độc đáo, rượu cần là một phần tạo nên sắc thái văn hóa Việt Nam. Đó là văn hóa rượu cần, một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Thiếu nữ Tây Nguyên

Đến Tây Nguyên bạn sẽ có dịp thưởng thức rượu cần được ủ từ các loại lúa, mỳ, bo bo, hạt kê, hạt gạo... với hương vị đặc biệt và cách uống độc đáo, rượu cần là một phần tạo nên sắc thái văn hóa Việt Nam. Đó là văn hóa rượu cần, một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Rượu cần là sản vật, nghi vật, lễ vật có mặt ở mọi lúc, mọi nơi trong đời sống sinh hoạt, tình cảm và tâm linh của mọi thành viên trong gia đình và cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Các dân tộc Bah Nar, Jơ Rai, Giẻ-Triêng, Brâu, Xơ Đăng... đều có rượu cần. ở đây chúng tôi xin giới thiệu vài nét về rượu cần - văn hóa rượu cần của dân tộc Xơ Đăng.

Rượu cần được làm thường xuyên, liên tục trong năm nhưng sử dụng chủ yếu vào những ngày lễ của gia đình hay cộng đồng như: Lễ cúng Giàng, lễ làm nhà rông, lễ tang, lễ cúng bến nước, ăn lúa mới... Khi một gia đình hay cộng đồng chuẩn bị làm lễ, các gia đình trong làng mang những ghè rượu to nhất, ngon nhất theo khả năng của mình để góp phần chung vui, tạo nên không khí cộng đồng. Men rượu cần của người Xơ Đăng chỉ được làm duy nhất vào một ngày trong năm là ngày “Hai Pro Bloo”. Nguyên liệu gồm có bột gạo nếp, củ, quả, vỏ cây rừng. Người Xơ Đăng đến tuổi trưởng thành ai cũng biết làm men, song mỗi người tạo ra hương vị đặc biệt riêng theo sở thích của mình. Có một điều kiêng cữ mà ai cũng phải tuân theo: Phải giữ cho thân thể sạch sẽ, nhất là không được ngủ chung với vợ hoặc chồng trong thời gian làm men hay ủ rượu.

Nguyên liệu làm rượu chính ngon nhất là gạo nếp, sau đó mới đến gạo tẻ, sắn... Quy trình ủ rượu cũng giống như cách làm của người Kinh: Nấu cơm chín, để nguội, giã men nhỏ, trộn đều sau đó ủ kín trong gùi. Khoảng 3-4 ngày sau khi đã dậy mùi thơm, người ta bỏ cơm rượu vào ghè. Trong ghè được lót sẵn một lớp trấu, trên lại được phủ một lớp trấu nữa. Miệng ghè được đậy kín bằng lá chuối để khỏi bay mất mùi. Công việc làm rượu đến đây là hoàn tất. Rượu cần được đem chôn hoặc cất kín trong góc nhà sàn, khoảng 3 tháng trở lên thì uống rất ngon. Khi uống người ta chế nước sạch vào ghè (chế trước khi uống khoảng 7 đến 10 giờ để rượu ngấm).

Nước uống rượu phải là thứ nước suối ban mai giữa rừng hay nước giọt gianh để đảm bảo sự tinh khiết. Cần uống rượu làm bằng cây trúc, nứa nhỏ như ống xe điếu của ngườiKinh gọi là Tri - ang (cần). Trước khi uống chủ lễ đặt những miếng gan gà còn sống lên những tai ghè và đọc lời khấn, xin phép Giàng để mọi người được uống rượu.

Cũng như nhiều dân tộc anh em khác người Xơ Đăng uống rượu cần không phải do ngẫu hứng mà đều gắn với nghi thức, nghi lễ nhất định. Tùy theo từng nghi lễ cụ thể mà cách dâng rượu có phần khác nhau nhưng mục đích bao giờ cũng mong muốn đạt được ba ý chính: Thông báo, dâng mời và cầu xin. Khi nghi lễ đã hoàn thành mọi người uống theo nhu cầu, sở thích của mình nhưng không bừa bãi mà phải tuân theo quy định của văn hóa rượu cần. Người ta uống hết lòng, vui hết mình nhưng tuyệt đối không mang tính mưu cầu, lợi lộc, không tranh giành, ghen tỵ thách đố. Người lớn uống hết ghè rượu của mình chuyển mời người bên cạnh... cứ như thế họ uống trong bầu không khí trao đổi, chuyện trò, cùng tận hưởng hương vị của từng ghè rượu với sự phục vụ tận tình, chu đáo của những người phụ nữ. Phụ nữ cũng uống nhưng chỉ để khích lệ, động viên, chế nước và quán xuyến tất cả những gì xảy ra trong cuộc vui, buồn. Vít cần rượu xuống, từ cách cầm tay, tư thế ngồi đến kề vành môi vào cần rượu... cũng phải chú ý ngồi làm sao vừa trông hướng, vừa để mọi người thưởng thức, chứng kiến sự hiện diện và điệu nghệ của mình, vừa tiện cho người phục vụ.

Trong dịp lễ, người Xơ Đăng thường dùng ghè rượu một cần. Các già làng giải thích: “Mọi người cùng chung sống trong một PLei (làng), cùng uống chung giọt nước, cùng sống chết có nhau nên phải uống chung một cần thì mới đoàn kết, thương yêu nhau”.

Đối với khách, người Xơ Đăng càng quý trọng và đề cao, khi được tiếp rượu cần, khách phải biết mời già làng và người cao tuổi dùng trước, sau đó xin phép mọi người rồi mới uống. Khi men rượu đã thấm, tiếng cồng như vang xa hơn, tiếng chiêng dập dìu, vòng xoang như xoắn quyện, trai gái gần kề, anh sô khố dài, em khoe váy ngắn, những bắp chân trần cọ sát... Đêm hội say nồng lúc này chỉ có trời, đất, cỏ cây chứng kiến hết được hơi thở cuộc sống trên cao nguyên với men rượu tình người hòa quyện.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về Tây Nguyên uống rượu cần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.