Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về quê “chị Dậu”

TUANDIEP| 26/01/2009 15:39

(HNM) - “Những giọt mưa ngâu rả rích như khêu gợi cơn buồn cho kẻ xa nhà. Cảnh khổ cực của chồng và con tự nhiên kéo về đầy trước mắt chị... Buông tay, chị vội choàng dậy, mở cửa chạy té ra sân. Trời tối như mực và như cái tiền đồ của chị”.

(HNM) - “Những giọt mưa ngâu rả rích như khêu gợi cơn buồn cho kẻ xa nhà. Cảnh khổ cực của chồng và con tự nhiên kéo về đầy trước mắt chị... Buông tay, chị vội choàng dậy, mở cửa chạy té ra sân. Trời tối như mực và như cái tiền đồ của chị”.

Tôi đọc đến nát nhàu từng trang cuốn “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố, và hình ảnh cuối cùng về chị Dâu luôn là nỗi ám ảnh đeo đuổi tôi suốt những năm ngồi trên ghế giảng đường. Và, một sáng cuối năm, những ám ảnh cũ thôi thúc tôi tìm về làng Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội,mảnh đất được dân nơi đây gọi bằng cái tên: “Quê hương chị Dậu”...

Sáng cuối Đông, những tia nắng hanh hao trườn dài, rắc một màu vàng nhạt trên khắp cánh đồng ngô xanh ngút ngát. Con đường độc đạo dẫn vào làng Lộc Hà nằm lọt thỏm giữa màu xanh của cây cối, như những vòng tay dang rộng, ôm ấp lấy ngôi làng. Làng Lộc Hà bây giờ tìm mỏi mắt không ra một gian nhà tre, mái lá. Nằm san sát dọc đường làng là những ngôi nhà cao tầng bề thế xen lẫn sân vườn, cây cảnh... “nhìn chẳng khác khu biệt thự bên Hồ Tây”- cô bạn thời sinh viên đi cùng tôi nắc nỏm. Khu lăng mộ của Nhà văn - Nhà báo - Nhà văn hóa Ngô Tất Tố nằm bề thế trên một khuôn viên rộng gần 100m2, với không gian kiến trúc do chính ông Ngô Hoành Trù - người con trai của cụ thiết kế.

Cách đó không xa, ba ngôi nhà của các cháu nội cụ Ngô được bố trí theo thế chân kiềng, hướng thẳng ra mộ phần của cụ. Ngôi nhà nào cũng rộng thênh thang, vườn tược um tùm, trái ngược hẳn với cái vẻ chật chội, ồn ào nơi phố xá. Dẫn chúng tôi đến thăm gia đình anh Ngô Tất Hiểu, cháu đích tôn của cụ Ngô, nét mặt ông Hoàng Văn Thưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Mai Lâm không giấu nổi tự hào. Ngay trên nền ngôi nhà cũ, nơi cụ Ngô từng sinh sống, nay đã mọc lên một ngôi nhà 4 tầng khang trang, bề thế. Gia đình anh Hiểu không ai nối nghiệp văn chương, nhưng cái tình với quê hương thì bao đời vẫn nguyên vẹn. Mang theo niềm tự hào là con cháu cụ Tố, nhiều người trong gia đình đã không ngừng lao động và học tập, trở thành những cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, có người hiện đang hoàn tất đề án tiến sĩở nước ngoài.

Trong ngôi nhà cổ gần trăm năm tuổi, ông Ngô Hoành Trù, một trong 7 người con của cụ Ngô tỏ ra rất kiệm lời khi nói về những thăng trầm của gia đình. Dường như với ông, những kỷ niệm về phụ thân - nhà văn hóa lớn của thế kỷ XX, được cất giữ thật sâu trong tâm khảm, chỉ cho riêng mình. Năm nay 63 tuổi, đeo đuổi nghề chế tạo máy suốt bao năm, khi về hưu ông quyết định rời xa những ồn ào phố xá để trở về với gian nhà cổ, với cảnh làng quê yên bình. Chẳng nói xa xôi, chỉ mươi năm trở lại đây, đời sống của người dân Lộc Hà đã có sự đổi thay rõ rệt. Cả làng hiện có hơn 2.000 nhân khẩu với 547 hộ gia đình, trong đó hơn 90% các hộ đều có nhà ngói, có điện thoại, còn số có ô tô riêng cũng lên đến vài chục hộ. Không chỉ giỏi nghề nông, làng Lộc Hà còn nhiều người “phất” lên nhờ làm các nghề phụ.

Ông Thưởng nói vui: “Xưa, chị Dậu nghèo đến mức phải bán con lấy tiền nộp sưu thuế, phải bán sữa nuôi chồng con, còn ở Lộc Hà bây giờ, nhiều chị em phụ nữ giỏi làm kinh tế hơn cả cánh nam giới”. Gia đình bà Chử Thị Triệu là một ví dụ. Để có tiền nuôi 6 người con, từ một nhân viên y tế xã, bà lần hồi buôn bán đủ thứ nghề, và cuối cùng trụ lại với nghề chế biến lâm sản. Đến nay, ba người con của bà lần lượt nối nghiệp mẹ, trở thành những chủ doanh nghiệp thành đạt, làm ăn giỏi có tiếng khắp vùng, ai cũng có nhà lầu xe hơi.

Hơn 20 năm sau đổi mới, từ một vùng đất nghèo “có tiếng”, Lộc Hà nay đã trở thành làng có nhiều hộ giàu nhất nhì toàn xã, toàn huyện. Trong số 500 hộ giàu của xã Mai Lâm, làng Lộc Hà đóng góp một số lượng kha khá. Tiếng là làng nhưng nơi đây có hơn 400 cán bộ hưu trí với 3 tổ hưu. Sức vươn trên “quê hương chị Dậu” đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo của cả vùng đất Mai Lâm. 7/8 khu dân cư trong xã được bê tông hóa đường sá, 100% số trẻ được đến trường, các công trình phúc lợi, dân sinh được bảo đảm. Đời sống được nâng cao, dân trí mở mang, công việc của các cấp chính quyền vì thế cũng phần nào bớt đi “gánh nặng”. Với 8 tổ hòa giải, công tác giải quyết đơn thư tại Mai Lâm được giải quyết tốt ngay từ cơ sở, không có tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.

Nhưng điều đáng quý ở cái mảnh đất này là dù đời sống có nhiều đổi thay, người dân vẫn giữ nguyên được không gian làng quê rất đậm nét. Vẫn những bức tường gạch đỏ au, vẫn những bụi tre, những khóm dứa dại... Nhà cửa khang trang là thế nhưng cổng nhà không bao giờ khóa, khách đến có thể tự mở cổng rồi đi từ nhà nọ sang nhà kia. Phần lớn các gia đình đều giữ nguyên phần đất cha ông để lại, mỗi ngôi nhà đều có một mảnh vườn, một bờ ao, chứ không cắt xén, mua đi, bán lại như một số làng lân cận.

Rời làng Lộc Hà trong ánh hoàng hôn, chúng tôi không quên thắp một nén nhang trên mộ phần cụ Ngô Tất Tố. Gió chiều Đông se lạnh nhưng trong lòng chúng tôi thật ấm áp. Có lẽ, chính sức xuân đã làm nên những đổi mới diệu kỳ trên mảnh đất Lộc Hà, trên “quê hương chị Dậu” hôm nay...

Bảo Nga - Ngọc Thanh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về quê “chị Dậu”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.