(HNM) - Thời gian có thể khỏa lấp nhiều ký ức, song ký ức về chiến tranh, ký ức về những đồng chí, đồng đội đã anh dũng ngã xuống dọc theo những nẻo đường chiến trận năm xưa vẫn luôn khắc đậm trong tim chúng tôi, những người lính một thời xông pha lửa đạn...
Vào nhanh với các anh
- A lô! Mười phải không?
- Vâng, chào thủ trưởng, em đây...
- Sắp đến kỷ niệm 40 năm Ngày đơn vị mình chiến đấu trận đầu trong chiến dịch đánh địch phản kích, bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Cậu có thể tổ chức một số anh em vào thắp nén hương cho đồng đội còn nằm lại trong đó được không? Cánh tớ lớn tuổi rồi, sức khỏe lại không tốt lắm, nên việc này trông vào các cậu đấy…
Trung tuần tháng sáu, qua điện thoại tôi nhận được "chỉ thị" trên của Trưởng ban Liên lạc Bạn chiến đấu Trung đoàn 64 - Sư đoàn 320B, Đại tá Nguyễn Tất Thịnh, nguyên Tham mưu trưởng E64-F320B, Chánh Thanh tra Lục quân, nay nghỉ hưu tại phường Điện Biên, quận Ba Đình - Hà Nội. Từ khi nhận "lệnh" cho đến ngày lên đường, mấy chiếc điện thoại của tôi, cả điện thoại để bàn và điện thoại cầm tay không mấy lúc ngưng nghỉ. Đồng đội từ Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang… liên tục gọi về, có đồng đội mãi tận Sóc Trăng cũng gọi ra hỏi thăm chuyến hành hương. Nhiều thân nhân liệt sĩ cũng điện thoại, đề nghị cho tham gia đoàn vào Quảng Trị… Công tác chuẩn bị thật gấp gáp. Anh Nguyễn Tiến Lực (cán bộ Sở LĐ,TB&XH, hiện nghỉ hưu tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội), anh Nguyễn Đoàn Ngư (huyện Thường Tín), anh Lê Văn Trân (Ngân hàng NN&PTNT), anh Vũ Văn Bính (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cùng tôi vội nhóm họp, phân công nhau mỗi người một việc. Người lo phương tiện, người lo nơi ăn chốn ở cho đoàn, người liên hệ với các địa phương trong Quảng Trị, nơi đơn vị chiến đấu năm xưa…
Đúng "giờ G", 5h sáng 26-6, đoàn hành hương của chúng tôi gồm 36 người là CCB, thân nhân liệt sĩ từ các tỉnh, thành: Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Sóc Trăng và Hà Nội có mặt tại phía trước Ga Hà Nội. 5h10, Trưởng đoàn Nguyễn Tiến Lực, nguyên Đại đội trưởng thế hệ thứ 4 (tính từ ngày đơn vị chiến đấu trận đầu tại Quảng Trị 28-6-1972 đến ngày Hiệp định Pari được ký kết 27-1-1973) của Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B dõng dạc "hạ" mệnh lệnh: "Mục đích hành quân: thăm chiến trường xưa, tri ân đồng đội; hướng hành quân: Hà Nội - Quảng Trị; đường hành quân: Quốc lộ 1; phương tiện hành quân: cơ giới...". Từng tràng pháo tay nổ ran, rộn ràng một góc sân ga. Nhiều hành khách đi tàu, nhân viên nhà ga, người lái tắcxi… chứng kiến không khí sôi động đó cũng lại gần, chúc đoàn lên đường may mắn... 5h20, chiếc ô tô khách cỡ lớn do một doanh nghiệp tại quận Hoàng Mai "tài trợ", đoàn lăn bánh ra đường Lê Duẩn rồi nhằm hướng Nam thẳng tiến...
Cựu chiến binh Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B dâng hương tri ân đồng đội. Ảnh: Quách Mạnh Hùng
Vượt chặng đường hơn nửa ngàn cây số, 10h30 sáng 27-6, đoàn chúng tôi có mặt tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Trường (huyện Hải Lăng, Quảng Trị), khẩn trương thực hiện công việc đã xác định. Mặc dù đã nhiều lần trở lại chiến trường xưa, nhiều lần thắp hương tưởng nhớ đồng đội, nhưng lần này tôi vẫn không thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất, vì không kìm nén được cảm xúc của mình. Ban tổ chức phân công tôi đọc "Văn khấn anh linh liệt sĩ". Bài "khấn nôm" do chính tôi biên soạn nhưng khi đứng trước tượng đài và mộ phần đồng đội, tôi đã "ấp a ấp úng" đến mấy lần vì có cái gì đó cứ trào lên, nghẹn ngào… Giữa trưa hè nắng cháy, bất chấp những ngọn gió phơn phả hơi nóng hầm hập, mấy chục con người già có, trẻ có vẫn tỏa đi thắp hương lên hàng trăm ngôi mộ của đồng chí, đồng đội trong nghĩa trang. 11h30 đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hải Lăng, 12h30 Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thượng; 14h30 viếng, dâng hương, hoa tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị; chiều 28-6, đoàn viếng Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Hòa (huyện Triệu Phong), thắp hương tưởng nhớ các đồng đội hy sinh trong trận chiến đấu đầu tiên của đơn vị tại bãi cát Phương Lang Đông, cao điểm 16 thuộc làng Phú Hải (xã Hải Ba, Hải Lăng); chốt cây Ba chạc ở Long Quang (xã Triệu Trạch, Triệu Phong)… Lịch thăm viếng dày đặc, nhưng ở tất cả những nơi đi qua, đoàn đều tiến hành nghi lễ theo "kiểu nhà binh": Toàn đoàn đứng trang nghiêm thành hai hàng ngang, một người đọc văn khấn, rồi các thành viên cùng tỏa đi dâng hương lên mộ phần của thân nhân, đồng đội. Chứng kiến không khí trang nghiêm mà sâu đậm nghĩa tình, mấy cán bộ địa phương "tháp tùng" đoàn đều trầm trồ: Các anh bộ đội giải phóng có khác, mấy chục năm rồi mà vẫn không quên nền nếp chính quy…
Những ký ức bi hùng
Những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7-1972, trên toàn tỉnh Quảng Trị nói chung, địa bàn huyện Hải Lăng nói riêng diễn ra nhiều trận chiến đấu vô cùng ác liệt giữa các đơn vị quân giải phóng và lực lượng phản kích của địch hòng tái chiếm Quảng Trị. Tròn 40 năm sau, một ngày cuối tháng 6, chúng tôi - những người lính năm xưa lại có dịp trở về Hải Lăng để tìm về một thời ký ức. Đang rảo bước trên con đường rợp bóng cây xanh để trở lại nơi đơn vị chiến đấu trận đầu tiên trong "Mùa hè đỏ lửa", bãi cát Phương Lang Đông (thuộc thôn Phương Lang Đông, xã Hải Ba, Hải Lăng), bất chợt anh Nguyễn Đoàn Ngư vừa giơ tay chỉ về phía trước vừa nói khá to: Chỗ kia! Chỗ kia… đúng rồi! Dải cát này bây giờ cây cối đã phủ kín, nhưng tôi vẫn nhận ra, đó là nơi đơn vị mình đánh địch trận đầu… Rồi không chờ ai hỏi lại, anh Ngư say sưa kể về trận chiến đấu của đơn vị cách nay tròn 40 năm, trận đánh ngày 28-6-1972: Lúc đó khoảng 10 giờ sáng, Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 đang trên đường hành quân thì gặp địch đổ bộ. Anh em mình đều rất trẻ, chỉ 19, 20 tuổi, chưa có kinh nghiệm tác chiến ở vùng biển, bãi cát toàn cây lúp xúp, rất nguy hiểm… Trung đội 2 của tôi ở bìa làng, trực thăng nó đổ quân cách mấy chục mét, chúng tôi nổ súng đánh địch luôn. Trung đội 1 đi trước trung đội 2 khoảng năm, sáu trăm mét, bị địch vây kín, anh em hy sinh toàn bộ… Máy bay trực thăng địch có tới 40, 50 cái bay như trong phim Cánh đồng hoang sau này. Ở cửa mỗi máy bay trực thăng có hai tên bắn đại liên. Đại liên nó quét, anh em mình không xuống hầm, cứ núp dưới cây lúp xúp là hy sinh ngay…
- Trời!... Chả bù cho chỗ chúng tôi, trực thăng mà bay như vậy chúng tôi bắn rớt liền! - Trần Đức Mai (quê Thanh Chương, Nghệ An), cựu khẩu đội trưởng 12ly7, Đại đội 16 (Đại đội hỏa lực của Trung đoàn) thốt lên vẻ tiếc rẻ. "Hôm ở thôn Tri Bưu, một tốp trực thăng quần đi đảo lại khu vực nhà thờ, bọn tôi chờ cho nó xuống thấp, quét liền hai loạt, chỉ mất có 17 viên đạn, chúng tôi đã "vít cổ" hai chiếc xuống bãi cát. Khẩu 12ly7 ấy hiện giờ vẫn được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Quân sự tại đường Điện Biên Phủ, Hà Nội…" - anh Trần Đức Mai kể.
Nghe đồng đội hồi tưởng về những ngày tháng gian khó và anh dũng năm xưa, anh Vũ Văn Bính (quê Thái Bình, chiến sĩ hỏa lực Đại đội 6, Tiểu đoàn 8) cũng "góp chuyện": Ngày 2-7 là ngày không thể quên đối với tôi. Ngay từ sáng sớm chúng tôi đã chuẩn bị xong súng đạn chờ lệnh, vừa căng thẳng, vừa hồi hộp. Cả mặt trận im ắng như chưa hề có chiến tranh, sự vắng lặng không bình thường báo hiệu một sự kiện không bình thường! Được lệnh lên đường, chúng tôi lặng lẽ tiến quân, mũi tôi đi có cả Tiểu đoàn phó Nguyễn Đức Long. Khi phát hiện địch lố nhố phía trước, chỉ cách không đầy 200m chúng tôi báo cáo Tiểu đoàn phó, anh Long bảo một đồng đội đi cạnh tôi là anh Đoàn Tất Liệu giữ càng súng trung liên (anh Liệu được trang bị trung liên RPD) để anh Long bắn, tiếng súng nổ diệt địch của anh Long đồng thời là hiệu lệnh tấn công. Tất cả anh em chúng tôi cùng ào lên và đồng thanh hô xung phong, xe tăng của ta cũng ầm ầm lao tới, địch bị đánh bật ra khá xa. Đột nhiên tôi thấy phía trước một quầng lửa rất lớn trùm lên một chiếc xe tăng của ta và tiếng đạn nổ rất gắt, một bụi cây sim rất to trước mặt tôi biến mất, tiếng đạn cối cá nhân (M79) cạch - đùng liên tục xung quanh, tôi phải vừa bắn vừa di chuyển liên tục. Bỗng tôi nghe một tiếng nổ chát chúa phía trước mặt. Trời đất tối sầm. Đầu và ngực tôi rát bỏng. Một lát sau máu trên đầu tôi chảy xuống ướt hết nửa mặt, rất khó thở, lúc ấy tôi mới biết mình bị thương… Nghe tiếng tôi gọi, anh Hồng y tá chạy băng băng từ tuyến sau lên gỡ băng gạc để buộc vết thương cho tôi, nhưng tay anh run quá không gỡ được, tôi phải dùng răng cắn ra để lấy miếng gạc đắp lên ngực. Băng bó xong, tôi đứng lên để di chuyển thì bị ngã ngồi xuống, một phần do thắt lưng của tôi đeo mấy băng đạn trung liên và mấy quả lựu đạn nên không thể đứng dậy được. Tôi đành phải tháo thắt lưng bỏ lại. Dù mất nhiều máu, tôi vẫn còn tỉnh táo để vùi bao đạn, ổ đạn, ổ quy lát và nòng súng vào cát ướt, một tay giữ gạc để thở, mặc cho vết thương trên đầu máu vẫn chảy ròng ròng, một tay tôi cầm quả lựu đạn giật nổ tức thì. Thấy tôi đứng lên khó khăn, anh Túy (Cao Hữu Túy), Trung đội trưởng Trung đội 1 Đại đội 6 cõng tôi chạy được một lúc thì nghe trong bụi cây lúp xúp có tiếng kêu "anh Túy ơi cứu em với, em bị gẫy đùi rồi…". Nghe tiếng kêu và phát hiện thấy anh Túy cõng tôi, địch hò nhau lên định bắt sống. Lúc này tôi đã khỏe hơn nên bảo anh Túy: "Anh cho em xuống, em tự đi được rồi, anh để súng lại em yểm hộ, anh vào cõng thằng Luận ra", sau đó tôi một mình rút về đơn vị, được anh Hùng (Quách Mạnh Hùng) chính trị viên phó đại đội gọi mọi người ra băng bó cho tôi. Anh Hùng nói "cậu Liệu bị thương vào tay, nếu cậu đi được thì tiếp tục hỗ trợ nhau lên bệnh xá tiểu đoàn". Chúng tôi vừa ra khỏi thôn Phương Lang Đông thì B52 đến ném bom, khói lửa mịt mù… Đến bệnh xá tiểu đoàn cùng lúc đội vận tải khiêng Tiểu đoàn phó Long vào cấp cứu, anh vừa bị thương vừa bị bỏng rất nặng. Nằm kề nhau tôi nghe anh Long gọi anh Hợi, y sĩ: "Hợi ơi mày cho tao phát đạn đi tao đau quá không chịu được nữa", rồi anh lại cầm tay tôi bảo "cậu nào đây, bảo thằng Hợi nó cho tôi phát đạn đi, đau quá không chịu được nữa rồi"… anh cứ nói liên tục, liên tục cho đến lúc lịm đi. Tôi nằm cạnh mà không cầm được nước mắt. Thương thủ trưởng, thương đồng đội mà bất lực không giúp gì được. Vết thương quá nặng, cuối cùng anh Long mãi mãi ra đi, lúc đó chừng hơn 7 giờ tối…
- Nhanh lên mấy "ông Giải phóng" ơi, cứ thũng thẵng kiểu ấy thì cả tháng cũng không đi hết được các điểm, còn nhiều chỗ chờ đợi các ông lắm đấy…" - câu chuyện của chúng tôi đang lên cao trào thì bị "phanh" lại vì lời nhắc của đồng chí Lê Văn Thạnh, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Trạch, người tháp tùng đoàn chúng tôi trong những ngày thăm lại Mặt trận cánh Đông năm xưa. Nghe "lệnh" của "cán bộ giao liên", đoàn hành hương vội lên xe, tiếp tục lộ trình…
(Còn tiếp)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.