(HNMCT) - Hiện thực trong văn chương không phải là câu chuyện mới mẻ, cũng lại chưa bao giờ cũ, nhất là trong bối cảnh nhiều thể nghiệm nghệ thuật mới đang làm giãn nở khái niệm hiện thực, đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này một cách mềm mại hơn, đầy đủ hơn, và quan trọng là phù hợp với đặc thù của loại hình văn học - nghệ thuật ngôn từ.
Có thời chúng ta đã đề cao hiện thực như là một tiêu chí, tiêu chuẩn của văn học nghệ thuật. Hiện thực đó được hiểu như là một dạng mô phỏng, phản ánh, kiến tạo thực tại trong văn học, sao cho nó vừa khít với thực tại khách quan. Mô hình phản ánh luận kéo dài trong văn học nghệ thuật là cơ sở cho lối viết, lối biểu tả này. Ở một khía cạnh nào đó, trong những đòi hỏi thiết thực với các nhiệm vụ cụ thể mà văn học nghệ thuật tham gia, mô hình phản ánh luận đã có hiệu quả rõ rệt trong việc khắc họa chân dung cuộc sống, chân dung con người. Tuy nhiên, đó chưa phải là toàn bộ hiện thực trong văn chương - hiểu theo nghĩa đầy đủ nhất của khái niệm này.
Hiện thực trong văn chương (có thể mở rộng ra là trong nghệ thuật) là hiện thực của tư tưởng, hiện thực của tinh thần. Hiểu như thế, nghĩa là chúng ta đã nới rộng các đường biên, ranh giới, để thâu tóm, bao quát các diễn biến dù là trừu tượng nhất, tinh vi nhất hay phi lý, kỳ lạ nhất của trí tưởng con người, được định hình trong văn chương. Khi A.Einstein nói: “Thế giới như tôi thấy”; khi P.Picasso bày tỏ “tôi vẽ cái mà tôi thấy, không vẽ cái mà người khác thấy”; khi F.Kafka viết về một thế giới phi lý, giăng đầy các biểu tượng, các lớp nghĩa chồng lấn, văn chương nghệ thuật đã cất tiếng một cách mạnh mẽ về việc nó không chép lại, mô phỏng hiện thực một cách máy móc. Hiện thực của văn học nghệ thuật là hiện thực bên trong, là trí tưởng tượng vô biên của con người. Ở Việt Nam, Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) đã từng kêu lên, chiêm bao là hiện thực, bạn có thấy hai dòng nước mắt của tôi hay không. Đó là những giọt nước mắt chảy từ chiêm bao - vậy sao lại bảo chiêm bao không thực. Những giấc mơ, những vùng tối siêu hình, những chân trời lạ lẫm, ấy là hiện thực mà nghệ sĩ đã du hành, mang về dâng tặng loài người...
Một nhận thức rất quan trọng, nhất là đối với loại hình nghệ thuật ngôn từ (văn học), đó là không có gì nằm ngoài ngôn ngữ. Cụ thể hơn, ngôn ngữ tạo ra hiện thực, tạo ra thế giới, tạo ra nhà văn. Bởi thế, đặt vấn đề hiện thực trong văn chương là một cách để hình dung về sự vận hành và biểu đạt của ngôn ngữ. Nghĩa là, ngôn ngữ hiện thực hóa kinh nghiệm, trí tưởng, hiểu biết, suy tư, cảm xúc của con người. Tuy nhiên, mỗi người, mỗi nhà văn có một cách biểu đạt riêng, vì thế, cái cách thế giới hiện ra không hoàn toàn giống nhau qua các ngôn ngữ.
Có thể, không bao giờ chúng ta nhìn thấy những thực tại ấy, nhưng ngôn ngữ thi ca đem đến cho chúng ta “cảm niệm triết học về thực tại” (Chu Văn Sơn) để có cái nhìn linh hoạt hơn, tiệm cận với những gì không thể giải thích, không thể định hình trong thực tại. Một thi sĩ đương đại khác của Việt Nam là Mai Văn Phấn cũng có cách kiến tạo hiện thực đầy giá trị biểu tượng trong bài Hoang tưởng năm 2000, ông viết: “Thế rồi xe tới Hoàn Nguyên/ Họ vụt òa lên nức nở/ Nước mắt thành đầu còn cỗ xe thành chân trẻ nhỏ/ Khi gửi xiêm y vào gió/ Họ ôm chầm lấy nhau”. Đó có phải là hiện thực? Dĩ nhiên, đó là một hiện thực tinh thần với niềm hòa ái và bao dung.
Tất cả rồi sẽ đến “Hoàn Nguyên”, rồi sẽ trở về cái điểm khởi đầu. Nước mắt là biểu tượng của cảm xúc đã thay cho cái đầu - biểu tượng của lý trí; cỗ xe - biểu tượng của văn minh đã thay bằng bàn chân trẻ nhỏ - biểu tượng của nguyên sơ; gửi xiêm y vào gió là hình ảnh tượng trưng của việc rũ bỏ các kiến tạo bên ngoài, trở về với hình hài nguyên thủy. Họ - con người, ôm chầm lấy nhau, khi nhận ra mọi thứ mà con người tạo ra ngày càng làm con người xa nhau. Bài thơ của Mai Văn Phấn quả thực đã đem lại cho chúng ta cái nhìn nhân văn hơn về đời sống, cũng như những khát vọng đưa con người đến gần nhau hơn.
Hiện thực trong văn chương chấp nhận mọi khả năng mà con người - chủ thể sáng tạo, có thể liên tưởng, suy tưởng, tưởng tượng nên. Trong những sáng tác của Nguyễn Đình Tú (Bãi săn I - Giếng cổ; Bãi săn II - Phản đồ), Uông Triều (Tưởng tượng và dấu vết), Đinh Phương (Nhụy khúc, Mơ Lam Kinh), Nhật Phi (Người ngủ thuê)..., chúng ta có thể nhận ra những diễn biến tinh vi, xa lạ với kinh nghiệm, tri thức của bản thân cũng như những thực tại biểu kiến. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thế giới được kiến tạo trong văn chương không thực, phi thực. Đó là kinh nghiệm của chủ thể sáng tạo, là thực tại mà chủ thể sống, lâm vào, trải qua.
Thực tại đó có thể còn thực hơn những gì chúng ta biết qua các giác quan. Không có sự tưởng tượng nào bắt nguồn từ hư vô, cũng như, mọi hư cấu đều xuất phát từ một nền tảng thực tại nhất định. Bởi vậy, tựa như chiếc kính lúp, kính hiển vi, văn chương mang đến cho con người một góc nhìn có tính phân tích, giải phẫu, phóng đại, nhận thức lại hay dự đoán về thực tại. Hiện thực của văn chương, dù hoang đường đến bao nhiêu, vẫn gắn chặt với thực tại qua kinh nghiệm, tri kiến của nhà văn. Ai có thể hình dung được, trong thực tại khách quan tồn tại chiếc cầu dải yếm: “Ước gì sông rộng một gang/ Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi” (Ca dao). Nhưng đó là hiện thực của tâm hồn những chàng trai, cô gái đang tuổi yêu đương. Chiếc cầu dải yếm kia là tất cả nỗi hoài mong, trông đợi, ân cần, đắm đuối mà người con gái dành cho người mình yêu. Nỗi niềm ấy, thực hóa mọi ước ao, dù là hoang đường, phi lý nhất. Ai bảo dải yếm kia chẳng thể là chiếc cầu?
Ngôn ngữ tạo nên tất cả đó là một thực tại. Khi nào, ngôn ngữ còn có thể biểu đạt, khi đó chúng ta vẫn phải nhìn nhận rằng, từ ngôn ngữ nói chung và ngôn ngữ nghệ thuật (văn học) nói riêng, hiện thực được kiến tạo. Hiện thực trong văn chương, trên những khả năng kỳ diệu của ngôn ngữ nghệ thuật, đem đến cho chúng ta cái nhìn sinh động hơn, đa dạng, phong phú hơn về thực tại, làm đầy đủ hơn những chiều kích của thực tại.
Đến bây giờ, có lẽ ít ai đòi hỏi một cách ngây thơ rằng, hiện thực trong văn chương phải giống đúc, vừa khít với thực tại khách quan. Lý luận văn học, mỹ học và nhận thức chung về nghệ thuật đã giúp con người đương đại nhận ra tính chất “đặc thù” của văn học nghệ thuật trong việc tiếp cận, chiếm lĩnh, biểu đạt về thực tại. Sẽ đến lúc nào đó, chúng ta nhận thức thêm rằng, văn học chính là một biến dạng đầy sinh động của triết học. Khi ấy, câu chuyện hiện thực đời sống, hiện thực văn chương sẽ có cơ hội được xem xét một cách kỹ lưỡng hơn nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.