(HNM) - Kết quả đấu tranh với tội phạm về môi trường từ đầu năm đến nay đã cho thấy, tình trạng buôn lậu hàng hóa thực phẩm, gia súc gia cầm và thủy hải sản không rõ nguồn gốc đang diễn ra rất nghiêm trọng.
Vì thế, Bộ CA đã chính thức đề xuất quy định cảnh sát môi trường là lực lượng chuyên trách, thực hiện các chức năng xử lý về vi phạm tài nguyên, môi trường, an toàn thực phẩm trong Dự án Pháp lệnh cảnh sát môi trường. Quy định này có tạo ra sự chồng chéo nhiệm vụ với cơ quan, đơn vị quản lý hành chính không là vấn đề cần xem xét kỹ.
Tạo cơ sở pháp lý
Được thành lập từ năm 2006, qua 7 năm hoạt động lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện, xử lý hơn 43.000 vụ vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường và an toàn thực phẩm; xử phạt vi phạm hành chính 413 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự hơn 1.000 vụ, 1.800 đối tượng, trong đó có những vụ vi phạm nghiêm trọng được Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Cảnh sát thu giữ lô hàng cá quả lậu |
Mặc dù được giao nhiệm vụ xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, an toàn thực phẩm, song đến nay, tổ chức và hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường chỉ được quy định bằng nghị định của chính phủ và văn bản hướng dẫn của Bộ CA, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định đầy đủ, toàn diện nên thiếu chế tài hoạt động bài bản, không thể tạo ra sự khác biệt với các đơn vị có nhiệm vụ gần tương tự. Vì vậy, Bộ CA đề xuất xây dựng Dự án Pháp lệnh Cảnh sát môi trường là cơ sở pháp lý cho hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường và an toàn thực phẩm.
Tránh tình trạng chồng chéo
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 15 diễn ra trong 2 ngày 4 và 5-9, Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội nhất trí với chủ trương trên nhằm tạo tiền đề đấu tranh có hiệu quả với tội phạm về môi trường đang diễn biến ngày càng phức tạp. Song không ít thành viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội nêu vấn đề, liệu đề xuất quy định lực lượng cảnh sát môi trường chuyên trách thực hiện các chức năng xử lý về vi phạm tài nguyên, an toàn thực phẩm trong Dự án Pháp lệnh Cảnh sát môi trường của Bộ CA có gây chồng chéo nhiệm vụ với cơ quan quản lý hành chính trong lĩnh vực này không? Theo phản ánh của bà Trần Thị Hoa Sinh (Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn), việc xử lý vi phạm về lĩnh vực trên thời gian qua ở nhiều địa phương còn rất bất cập, có sự chồng chéo nhiệm vụ giữa các lực lượng chức năng do chưa có quy định đầy đủ, cụ thể. Vì vậy, khi xây dựng dự án, điều quan trọng nhất phải có nghiên cứu, đánh giá tổng kết thật kỹ để rạch ròi về nhiệm vụ các cơ quan liên quan, có sự phân công cụ thể hoạt động lực lượng cảnh sát môi trường ứng với những yêu cầu từ thực tiễn về tội phạm môi trường. Cũng theo bà Trần Thị Hoa Sinh, Dự án Pháp lệnh Cảnh sát môi trường chưa đụng đến vấn đề khó cần giải quyết hiện nay là hiện các lực lượng cảnh sát môi trường không được trực tiếp điều tra, nên hầu như không thể xử lý về hình sự các vụ vi phạm.
Một vấn đề nữa đang khiến các đơn vị được thanh tra về lĩnh vực này không khỏi e ngại, băn khoăn là công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường còn nhiều chồng chéo và thiếu sự thống nhất. Tại không ít địa phương, các doanh nghiệp bị "đau đầu" vì một năm phải tiếp hàng chục đoàn thanh tra, từ thanh tra Bộ TN&MT tới thanh tra sở, ban quản lý khu công nghiệp, rồi cảnh sát môi trường với nội dung thanh tra, kiểm tra giống nhau đến 60-80%, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh. Không ít ý kiến đề nghị phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa thanh tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường, tránh tình trạng chồng chéo, nhập nhằng về thẩm quyền gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm ở vùng giáp ranh giữa hai địa bàn cũng là vấn đề phức tạp chưa có lời giải. Không lấp khoảng trống này sẽ gây khó khăn cho việc khắc phục và xử lý vi phạm khi xảy ra ô nhiễm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.