Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về “đất dừa” nghe kể chuyện bánh gai

Nguyễn Mai| 25/12/2011 08:44

(HNM) - Cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 20km về phía tây, có một ngôi làng cổ trồng rất nhiều dừa, đó là làng Giá, dân gian thường gọi là làng Dừa, xã Yên Sở (Hoài Đức).


Cùng với đặc trưng này, người dân Yên Sở còn được "trời phú" cho đôi bàn tay khéo léo, làm ra thứ bánh đặc sản đi vào câu ca: Bánh gai làng Giá thơm ngon/Con gái làng Giá tươi giòn sắc xuân/Giã lá, xay bột chuyên cần/Khéo tay gói bánh, người ăn tìm về...


Ảnh minh họa

Đất dừa...

Ở Yên Sở, dừa có mặt khắp nơi, dọc hai bên đường làng, quanh các công trình văn hóa, bên cầu ao, vườn nhà… Bà Nguyễn Thị Lan, người dân Yên Sở nói rằng, bởi có nhiều dừa mà trước kia, Yên Sở được các đoàn làm phim về lấy cảnh quay cho nhiều bộ phim nổi tiếng cần bối cảnh ở miền Nam như: Nổi gió, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm… Theo các cụ cao niên trong làng, cây dừa có mặt ở Yên Sở vào thế kỷ thứ VI, dưới triều vua Lý Nam Đế. Sau khi chiến thắng quân Lâm Ấp, hàng ngàn tù binh Chiêm Thành cùng dừa phương Nam được võ tướng Phạm Tu - Lý Phục Man đem về đất này trồng. Từ đó đến nay, cây dừa phát triển, sinh sôi gắn bó mật thiết với người dân.

Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở Nguyễn Đăng Hoan cho biết, đã có một thời kinh tế ở đây ổn định nhờ dừa. Nay, do tác động của đô thị hóa, cây dừa ở làng có giảm đi đôi chút nhưng hàng trăm hộ dân trong xã lại xoay nghề "lái dừa" kiếm sống. Họ đi khắp vùng Thanh Hóa, Nha Trang, Bến Tre thu gom dừa quả về làng rồi mang đi tiêu thụ khắp các nhà hàng, khách sạn, các quán nước từ bình dân tới cao cấp ở Hà Nội. Anh Nguyễn Đắc Bình, người thường xuyên đánh xe tải lớn đi Bến Tre, Nha Trang lấy dừa, cho biết, một tháng anh vào Nam lấy hàng 5 - 7 chuyến. Càng đến gần Tết, dừa càng đắt vì đây là thứ "gia vị" không thể thiếu được của bánh gai - đặc sản ngày Tết ở đây.

... Và hương vị thơm ngọt của bánh gai

Giới thiệu nghề làm bánh gai làng Giá, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đăng Hoan ngâm nga ca: Quê tôi có một triền đê/ Có dòng sông Đáy có nghề bánh gai/ Bánh này vừa dẻo vừa dai/ Bánh đi khắp cả vùng ngoài, vùng trong/ Ăn vào mát dạ, mát lòng/ Vừa thơm vừa ngọt ăn xong lại thèm… Truyền thống làm bánh gai ở Yên Sở có tự bao giờ, người cao tuổi nhất trong làng cũng không còn nhớ. Chỉ biết rằng, đã hàng trăm năm nay, thứ bánh này không thể thiếu trong đời sống, đặc biệt dịp lễ, tết ở địa phương.

Tháng cận Tết, không khí ở Yên Sở chộn rộn hẳn lên khi người người, nhà nhà chuẩn bị lá gai cho mùa bánh Tết. Ở nhiều gia đình, lá gai được phơi khô, nhặt sạch; những tầu lá chuối đẹp nhất được chọn lọc cẩn thận từ những vườn chuối ngoài bãi Đáy. Chủ tịch xã Nguyễn Xuân Kiểm cho biết: Tết đến, dù giàu nghèo gì, mỗi gia đình ở Yên Sở cũng phải tự tay làm cho bằng được vài chục bánh. Trước là dâng lên ban thờ tổ tiên, sau để ăn và làm quà cho người thân ở xa về. Thông thường dịp Ông Công, Ông Táo chầu trời là những mẻ bánh đầu tiên trong làng đã ra lò kéo dài tới tận Ba mươi Tết. Dịp này, ở làng tiếng máy nghiền và lèn bột chạy xình xịch cả ngày. Lá dừa làng Giá không đủ để gói bánh, nhiều "lái dừa" đã "đánh" hẳn ô tô tải chở toàn lá về phục vụ bà con.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Xuân Hùng ở đội 7, đúng lúc các thành viên trong nhà đang tất bật với công việc làm bánh thường nhật. "Tôi đã làm bánh tròn 20 năm. Nhà cửa, đất đai, con cái học hành cũng từ nghề này. Ngôi nhà làm năm ngoái, hết 800 triệu đồng cũng là tiền tiết kiệm sau bao năm làm bánh" - anh Hùng bộc bạch. Nguyên liệu làm bánh quan trọng nhất là phải dùng lá gai trồng ngay trên đất làng, mật mía mua ở Tuyên Quang và gạo phải mềm, dẻo, thơm. Quy trình làm bánh khá công phu và tốn nhiều thời gian làm vỏ bánh, nhân bánh và gói, luộc... Vỏ bánh thì vẫn là công thức gia truyền: Gạo nếp, lá gai và mật mía nhưng thành phần nhân bánh thì được thay đổi chút ít cho phù hợp với nhu cầu ẩm thực ngày nay như thêm mứt bí, hạt sen tạo cảm giác ngọt ngào, tươi mát quyện với hương vị đậu xanh, dừa thái sợi nên dẻo thơm và bùi ngậy hơn xưa. Đặc biệt, thứ không thể thiếu ở bánh gai Yên Sở là lá dừa gói bánh. Những chiếc lá dừa bé tẹo, dài, mềm được xếp thành hình vuông, xinh xắn úp lại vào nhau như những chiếc hộp, được ghim bằng chiếc tăm nứa bé xíu.

Tiếng thơm đồn xa, ngày lễ, ngày Tết, khách từ các nơi lại tìm đến Yên Sở "đặt" làm bánh gai gói lá dừa. Ngoài 29 hộ làm bánh gai chuyên nghiệp quanh năm, Tết về, mỗi gia đình ở Yên Sở trở thành một "xưởng" sản xuất nhỏ. "Tuy mất nhiều công, nhưng sau một năm làm lụng vất vả, được thưởng thức bánh gai cũng như được phục vụ những người yêu thích món ăn này thì đó thực sự là niềm vui lớn. Chẳng thế mà năm nào cũng vậy, ngoài làm cho gia đình, cả làng lại tất bật làm hàng trăm nghìn chiếc bánh phục vụ bà con gần xa" - ông Kiểm nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về “đất dừa” nghe kể chuyện bánh gai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.