(HNM) - Về việc thương thảo bản hợp đồng hai năm giữa HLV Goetz với LĐBĐ Việt Nam (VFF), người ta thấy giữa "có" (ký) và "không" có bóng dáng chiếc HCV SEA Games 26 của đội tuyển U23 Việt Nam. Người cho rằng đưa mục tiêu ấy vào hợp đồng là cần thiết, người lại cho rằng điều đó chứng tỏ quan điểm "mỳ ăn liền", không phù hợp.
Khát vọng SEA Games
Quả thật, trong bộ sưu tập huy chương khu vực Đông Nam Á của VFF chỉ còn thiếu mỗi tấm HCV môn bóng đá nam ở SEA Games. Tấm huy chương này là nỗi chờ đợi khắc khoải của những người làm bóng đá Việt Nam (BĐVN) qua nhiều thời kỳ.
Thời BĐVN còn bao cấp, tấm HCV SEA Games giành cho ĐTQG là mục tiêu số 1. Sau đó, giới thể thao khu vực coi tấm huy chương SEA Games chỉ là "uy tín thứ hai", dành cho các ĐT U23 QG. Còn tấm huy chương AFF Cup mới là huy chương "uy tín thứ nhất". BĐVN đã có được "uy tín thứ nhất" vào năm 2008 và với tư duy thời kỳ hội nhập, tấm huy chương "uy tín thứ hai" có hay không chưa hẳn là quan trọng. Tuy nhiên, lãnh đạo VFF đã tỏ ra quyết lấy bằng được cái "uy tín thứ hai", coi đó là "sự trả nợ" đối với người hâm mộ. Trong trường hợp này, thật khó nói là cổ động viên Việt Nam không muốn có chiếc HCV ấy.
Danh hiệu "nhỏ" hay chiến lược dài hạn?
Cũng có thể nói vì món nợ ấy mà VFF muốn ông Goetz gật đầu đưa tấm huy chương "uy tín thứ hai" vào nội dung hợp đồng(?). Trên thế giới, khi đàm phán hợp đồng với HLV, người ta thường không đưa mục tiêu thành tích cụ thể vào nội dung ký kết mà đưa mức thưởng cho HLV nếu đội bóng thành công. Đó là cách gây áp lực với HLV một cách nhẹ nhàng nhưng không ai lạ gì sự thật nghiệt ngã chờ đợi HLV một khi đội bóng thất bại, mà số phận của các HLV ở Chelsea (Anh) trong những năm qua là ví dụ điển hình. Bởi vậy, xét cho cùng thì việc VFF đưa mục tiêu HCV bóng đá SEA Games 26 vào hợp đồng cũng không phải chuyện lạ. Vấn đề là có cần đặt sự tồn tại của HLV trong mối liên hệ ràng buộc với tấm HCV ấy?
Ở ta, nếu không thành công (mà về khả năng này thì ông Goetz đã nghĩ đến khi nói rằng có quá ít thời gian chuẩn bị), quá lắm là ông Goetz ra đi. BĐVN sẽ chẳng được lợi gì quanh sự ra đi này, HCV SEA Games không được là một chuyện, mục tiêu dài hơi, ít nhất là giành lại tấm huy chương "uy tín thứ nhất" ở AFF Cup năm 2012 cũng có thể bị ảnh hưởng. Với một HLV như Goetz, việc gây dựng đội tuyển phục vụ mục tiêu dài hạn mới là cách "dùng" ông đúng đắn, chứ không phải kiểu "mì ăn liền".
Cách đây hai nhiệm kỳ, lãnh đạo VFF đã đưa ra chỉ tiêu "năm 2020 BĐVN sẽ có mặt ở VCK BĐ châu Á, còn năm 2024 sẽ có mặt ở VCK World Cup". Đã dám đặt mục tiêu đường dài, sao còn phải bận bịu quá nhiều với danh hiệu "nhỏ"?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.