(HNM) - Vừa qua, tôi đi xe máy đến ăn trưa tại một nhà hàng. Nhân viên của nhà hàng nhận và trông xe cho khách (lúc giao xe tôi có lấy vé trông giữ xe của nhà hàng và trả tiền gửi xe là 2.000 đồng). Khi về, phát hiện xe của mình bị mất, tôi yêu cầu bồi thường thì chủ nhà hàng và nhân viên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Trần Văn Hùng
Luật gia Trần Anh Dũng (Chi hội Luật gia Công ty Luật số 5 quốc gia, website: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:
Hành vi giao, nhận xe máy giữa anh Trần Văn Hùng và nhân viên của nhà hàng đã làm phát sinh quan hệ gửi giữ tài sản giữa hai bên (bên gửi tài sản, bên giữ tài sản, gọi tắt là bên gửi và bên giữ). Điều 559 Bộ luật Dân sự hiện hành (Bộ luật Dân sự 2005) quy định: "hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công". Trong việc gửi xe máy của anh Hùng, chiếc vé trông giữ xe là căn cứ chứng minh một "hợp đồng gửi giữ tài sản" giữa nhà hàng (bên giữ) và khách là anh Hùng (bên gửi), ngoài ra, anh Hùng còn trả 2.000 đồng (là tiền công cho bên giữ).
Căn cứ quy định tại Điều 622 Bộ luật Dân sự 2005: "Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật", anh Trần Văn Hùng, có quyền yêu cầu chủ nhà hàng bồi thường cho anh chiếc xe máy bị mất. Trường hợp chủ nhà hàng không thực hiện nghĩa vụ bồi thường, anh có thể làm đơn kiện lên tòa án cấp quận, huyện (nơi nhà hàng kinh doanh) để đề nghị xem xét, giải quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.