(HNM) - Trong khi dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) đang bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố (TP) trong cả nước, ngay tại TP Hà Nội đã xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ.
Thịt gia cầm bán ở các chợ phần nhiều chưa được kiểm soát tốt về nguồn gốc và ATVSTP. Ảnh: Nhật Nam
Điếc không sợ súng
Khảo sát tại nhiều chợ trên địa bàn TP Hà Nội như chợ Văn Quán, chợ Vồ (Hà Đông), Phùng Khoang (Từ Liêm), Tứ Hiệp (Thanh Trì)… mặt hàng thịt gà, vịt làm sẵn hay GC sống bày bán la liệt. Đặc biệt gà, vịt sống được nhốt chung trong lồng sắt bên cạnh các vật dụng dùng để giết mổ rất bẩn và mất vệ sinh. Tại chợ Hà Đông vào ngày 22-2 (mùng 1 tháng 2 âm lịch) cảnh mua bán ở đây nhộn nhịp hẳn bởi sức mua tăng gấp đôi lần so với ngày thường. Chị Nguyễn Thị Thơm, chủ bán gà ở đây cho biết, hằng ngày chị vẫn lấy gà sống ở các nơi về bán, số lượng ổn định. Hơn nữa, gà đều lấy từ các vùng quê, an toàn, không cần nhờ cơ quan kiểm dịch.
Mặc dù người bán đều nói gà của họ bảo đảm chất lượng, nhưng quan sát điểm bán GC sống ngay tại chợ, ai cũng phải rùng mình vì chỉ có một chậu nước và nồi nước sôi nhỏ nhưng mỗi ngày họ phải thịt từ 15-20 con; lông, nước thải sau khi giết mổ tuồn luôn xuống cống rãnh. Ngay cả người tiêu dùng cũng thờ ơ với vấn đề ATVSTP, ít quan tâm đến dịch CGC đã xuất hiện ở các tỉnh liền kề Hà Nội. Theo họ, ra chợ nhìn con gà nào lông đẹp, mào đẹp là mua, người bán thịt luôn rồi mang về nấu chín là chẳng sao (?).
Không chỉ có GC sống không rõ nguồn gốc xuất xứ mà sản phẩm thịt GSGC làm sẵn không có dấu kiểm dịch cũng được bày bán tràn lan tại các chợ cóc, chợ tạm, vỉa hè. Vào 12h hằng ngày, đoạn đường từ chợ Phùng Khoang (Từ Liêm) xuống Ba La (Hà Đông) khoảng 4km nhưng có tới 6-7 điểm bán các loại thịt ngay ven đường. Chị Phạm Thị Vượng, một người kinh doanh thực phẩm ở Ứng Hòa vừa lấy tấm ni lông trải xuống nền đất bày 2-3 con gà và khoảng 6-7kg thịt lợn cho hay: Chúng tôi đều bán ở các chợ trong nội thành, đến trưa khi chợ tan vẫn còn hàng nên mang ra đây bán nốt, giá nào cũng bán cho hết hàng. Khách mua thịt ở đây đều là dân lao động hay các quán cơm bình dân.
Cảnh báo nguy cơ dịch bệnh
Ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, Cục đã kiểm tra việc kinh doanh GC ở các chợ trên địa bàn 30 tỉnh, TP trong cả nước; đã lấy 4.000 mẫu để xác định virút CGC. Kết quả kiểm tra cho thấy 15/30 tỉnh, TP có mẫu nhiễm virút H5N1 trên đàn GC bán tại các chợ. Trong đó, đàn gà chiếm 4,13%; đàn vịt trên 10%. Ông Năm cảnh báo, việc kinh doanh GC sống và thịt sẵn không bảo đảm chất lượng vẫn còn tồn tại nhiều ở các chợ như hiện nay ẩn chứa nguy cơ lan truyền, phát tán mầm bệnh CGC rộng rãi. Do đó, các ban, ngành của địa phương phải có biện pháp cứng rắn xử lý các trường hợp bán GC không có nguồn gốc và việc giết mổ tràn lan, có như vậy mới hạn chế được sự bùng phát của dịch CGC.
Vận chuyển thịt lợn lợn trên phố không có biện pháp giữ vệ sinh ATTP.
Ông Cấn Xuân Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, Hà Nội có khoảng 1.000 chợ, chủ yếu là chợ cóc, chợ tạm gần khu dân cư. Điều lo ngại là các chợ này vẫn chưa kiểm soát được thịt đưa ra tiêu thụ đã kiểm dịch hay chưa. Ngoài ra, mỗi xã có từ 6-8 điểm giết mổ nhỏ lẻ, trung bình mỗi hộ từ 10-20 con/ngày, với lực lượng cán bộ thú y như hiện nay thì không thể kiểm soát được hết các điểm giết mổ "chui" này, nên thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán ở khắp các chợ. Hơn nữa, người tiêu dùng có thói quen chọn mua thịt qua hình thức bề ngoài, kinh nghiệm chứ không quan tâm đến nguồn gốc.
Để từng bước đưa hoạt động kinh doanh buôn bán GC thịt sẵn hoặc sống đi vào nền nếp, các ngành chức năng phải phối hợp với chính quyền cơ sở có biện pháp xử lý nghiêm việc giết mổ sai quy định; tịch thu tiêu hủy thịt GSGC không rõ nguồn gốc bày bán tại chợ, buộc người kinh doanh lấy hàng từ các cơ sở giết mổ an toàn, tuyên truyền cho nhân dân về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.