(HNM) - Sau khi vượt qua quãng đường đồi núi quanh co dài hơn 40km từ thành phố Sơn La vào đến thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, đột nhiên trước mặt hiện ra màu xanh bạt ngàn của cao su.
Những cây cao su lần đầu "Bắc tiến"
Sau khi vượt qua quãng đường đồi núi quanh co dài hơn 40km từ thành phố Sơn La vào đến thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, đột nhiên trước mặt hiện ra màu xanh bạt ngàn của cao su. Xe ô tô bon bon trên con đường nhựa phẳng lỳ, hai bên là những hàng cao su thẳng tắp như nối đến tận chân trời. Ánh nắng cuối ngày đọng trên những tán lá xanh như ngọc - màu xanh của cây cối tươi tốt, đủ dưỡng chất và độ ẩm dù thời tiết đang giữa mùa đông khắc nghiệt.
Chiều về trên rừng cao su Ít Ong (Mường La, Sơn La). |
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cao su tổ của Đội cao su Ít Ong, Công ty cổ phần Cao su Sơn La thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Đội trưởng Nguyễn Văn Vĩnh chỉ những thân cây mập mạp, mỗi cây đều có biển gắn tên người trồng, giọng tự hào: "Đây là địa điểm thành lập Công ty cổ phần Cao su Sơn La, cũng là nơi đánh dấu sự kiện những cây cao su đầu tiên "Bắc tiến". Được trồng ở vùng núi rừng Tây Bắc mùa đông thì khô lạnh, nhiều sương muối, mùa hè lại nóng nực nhưng chúng vẫn sống được, sống khỏe là đằng khác. Từ khu vườn thí điểm này, nguồn cao su giống chất lượng tốt đã được ươm mầm và cung cấp đến hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Cũng từ kết quả thử nghiệm của khu vườn này, hàng chục ngàn héc ta cao su hiện đã được trồng khắp vùng Tây Bắc, tập trung nhiều nhất ở ba tỉnh Sơn La, Lai Châu và Hà Giang".
Khi được hỏi vì sao Ít Ong lại được chọn làm nơi đầu tiên ươm trồng cây cao su, một cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Cao su Sơn La đi cùng cho biết, khu vực này có độ cao hợp lý so với mực nước biển (260m), điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng theo đánh giá của Viện Nghiên cứu khoa học cao su là tương đối thích hợp với cây cao su. Vì thế, từ năm 2007, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã tiến hành trồng thử nghiệm cao su trên vùng đất này, sau khi chọn lựa kỹ càng bộ giống phù hợp và xây dựng quy trình kỹ thuật riêng. Ngay cuối năm 2007, đầu năm 2008, mới trồng thử nghiệm chưa được một năm thì gặp phải đợt rét đậm, rét hại kéo dài khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Nhưng thật bất ngờ, cây cao su vẫn phát triển bình thường, lá xanh, thân mập, độ cao đạt tiêu chuẩn. Qua mùa đông đầu tiên đó, nhiều cán bộ chuyên môn đã có thể thở phào tin rằng: "Cây cao su đã bén rễ ở vùng núi rừng Tây Bắc".
Từ 70ha cao su trồng thử nghiệm năm 2007, đến nay diện tích cây cao su ở thị trấn Ít Ong đã lên đến 469ha. Vườn cao su tổ nhiều lần được đón các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đến thăm và trồng cây lưu niệm, trong đó có chuyến thăm, động viên khích lệ mô hình trồng cây cao su mới trên vùng đất Tây Bắc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Theo ông Nguyễn Thế Luận - Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo phát triển cây cao su Sơn La, diện tích đất đã giao nhận để trồng cao su trên địa bàn tỉnh từ năm 2007 đến hết tháng 12-2013 là 8.537ha. Tập trung chủ yếu ở các huyện Mường La, Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, Vân Hồ, Quỳnh Nhai... Năm 2014 tỉnh phấn đấu giao thêm 1.250ha, trong đó giao mới tại huyện Yên Châu 500ha, Mai Sơn 150ha, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện để xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su vào cuối năm nay.
"Quả ngọt" từ mô hình mới
Mô hình liên kết với dân bản trồng cây cao su lần đầu tiên được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam áp dụng tại thị trấn Ít Ong để thành lập Công ty cổ phần Cao su Sơn La. Theo đó người dân các bản làng góp quyền sử dụng đất và sức lao động, còn doanh nghiệp cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chế biến và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Mỗi héc ta đất tương ứng với 10 triệu đồng là cổ phần của người dân tham gia góp vốn với tư cách cổ đông của công ty để hưởng cổ tức. Đồng thời với mỗi héc ta đất, công ty sẽ nhận một người vào làm việc, được đào tạo nghề, hưởng lương và các chế độ khác theo quy định của Luật Lao động. Công ty cũng tạo điều kiện hỗ trợ giống, vốn để bà con trồng xen các cây ngắn ngày trên những diện tích cây cao su chưa kịp che phủ. Mô hình này đã góp phần xóa bỏ tập quán du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy, dần hình thành tác phong làm việc công nghiệp và lối sống văn minh trong cộng đồng các đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc. Tính đến hết năm 2013 đã có 4.669 dân bản trở thành công nhân.
Dắt cậu con trai hơn 3 tuổi bước ra từ nhà trẻ mẫu giáo Đội cao su Ít Ong, anh Lường Văn Núi người dân tộc Thái vui vẻ chia sẻ, nhờ cây cao su nhiều hộ dân trong bản đã có công việc ổn định, hằng tháng được nhận lương, đau ốm có sổ bảo hiểm y tế, được nghỉ ngơi theo luật, không còn phải đầu tắt mặt tối quanh năm trên nương mà vẫn không đủ ăn. Hầu khắp các nhà ở bản Tìn, bản Nà Trang của thị trấn Ít Ong đều có ti vi, xe máy, không còn cảnh chạy ăn từng bữa. Nhưng vui nhất là lũ trẻ được trông nom, chăm sóc không còn phải vạ vật theo bố mẹ lên nương như trước.
Nhà trẻ mẫu giáo của Đội cao su Ít Ong không phải là lớp học đầu tiên được dựng lên giữa rừng cao su. Chỉ tính riêng trong năm 2013, Công ty cổ phần Cao su Sơn La đã xây dựng thêm hai nhà lớp học, một nhà ăn, hai dãy nhà ở phục vụ dạy nghề và tập huấn tại đội Ít Ong; bàn giao đưa vào sử dụng nhà điều hành, nhà văn hóa và nhà trẻ mẫu giáo Đội cao su Nà An xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ. Trẻ được dạy chữ, được vui chơi trong trường lớp sạch đẹp, được công ty hỗ trợ tiền ăn trưa... giúp bố mẹ các em yên tâm làm việc.
Rời Ít Ong khi nắng chiều đã tắt, hình ảnh những hàng cao su thẳng tắp, tràn đầy nhựa sống trải dọc các triền núi ven sông Đà và những gương mặt lấp lánh niềm vui của bà con các dân tộc Thái, Mông khiến tôi càng tin tưởng rằng, cây cao su đã bén rễ ở đây và không lâu nữa, dòng "vàng trắng" sẽ mang đến những đổi thay cho vùng đất còn nhiều khó khăn này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.